Sinh tồn trong 'Kỷ đại dịch'

Trong Kỷ băng hà (Ice Age), giữa thời điểm môi trường sống trở nên băng giá, mọi con vật đều lên đường đi tìm nơi ấm áp để sống. Nhưng trong 'Kỷ đại dịch', con người không thể di trú mà chỉ có lựa chọn đối mặt và sống chung với dịch bệnh và vũ khí hữu hiệu nhất là vaccine.

Đại dịch Covid-19 chưa kiểm soát hoàn toàn thì mối lo ngại bệnh đậu mùa khỉ lại dấy lên do tính chất lây nhiễm phức tạp.. (Nguồn: Galatv)

Đại dịch Covid-19 chưa kiểm soát hoàn toàn thì mối lo ngại bệnh đậu mùa khỉ lại dấy lên do tính chất lây nhiễm phức tạp.. (Nguồn: Galatv)

Khi nhân loại còn chưa kiểm soát hoàn toàn được đại dịch Covid-19 thì mối lo ngại bệnh đậu mùa khỉ lại dấy lên do tính chất lây nhiễm phức tạp (từ động vật sang người, từ người sang người và ngược lại).

Bệnh đậu mùa khỉ đã xuất hiện tại hơn 105 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với trên 64.000 ca nhiễm, trong đó có 26 ca tử vong. Đặc biệt, tại Mỹ đã ghi nhận hơn 26.000 ca nhiễm. Ngày 3/10 vừa qua, ca nhiễm đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam đã được ghi nhận. Hiện chưa có phương pháp điều trị cụ thể nào được khuyến nghị cho bệnh này và đậu mùa khỉ có thể trở thành đại dịch toàn cầu nếu nó lây lan ra quần thể động vật.

Cú sốc mang tên Covid-19 đã cho thấy, nếu hệ thống y tế và xã hội không luôn được đặt trong trạng thái sẵn sàng thì sẽ dễ đổ sụp trước những biến số khó lường trong kỷ nguyên đại dịch mới. Thiệt hại khổng lồ mà virus SARS-CoV 2 gây ra mới chỉ là hồi chuông báo động cho toàn thể nhân loại trước sức lan truyền và tàn phá của những virus mới, đại dịch mới trong tương lai.

Trước khi Covid-19 xuất hiện rất lâu, giới chuyên gia đã đưa ra nhiều cảnh báo về nguy cơ những mầm bệnh mới lây lan trên toàn cầu. Kể từ năm 1940, hơn 330 bệnh truyền nhiễm mới nổi đã được xác định, trong đó 60% là bệnh truyền nhiễm có nguồn gốc từ động vật, sau đó đã vượt qua rào cản loài đối với con người.

Biến đổi khí hậu, gia tăng dân số, đô thị hóa, sự di cư, di chuyển… của con người trên toàn cầu làm tăng nguy cơ con người tiếp xúc với các mầm bệnh và khiến các bệnh truyền nhiễm dễ dàng lan rộng. Điều này có nghĩa là mặc dù khoa học và y học luôn phát triển và tiến bộ, nhưng nguy cơ đại dịch cũng luôn song hành. Câu hỏi toàn cầu hiện nay không phải là có hay không một đại dịch tiếp theo, tương tự Covid-19, mà là khi nào?

Trước đây, biện pháp phong tỏa sẽ hiệu quả trong ngăn chặn dịch bệnh – khi mà một loại vaccine mới phải mất hơn một thập kỷ để tiếp cận được với bệnh nhân tại các nước đang phát triển. Ngày nay, bất chấp nỗ lực phong tỏa của các chính phủ, những loại virus mới vẫn ngang nhiên lây lan với tốc độ khủng khiếp, và vaccine mới cũng chỉ mất 39 ngày để phổ biến trên toàn thế giới.

Thiết nghĩ, trong bối cảnh hiện nay, việc giám sát liên tục các mối đe dọa gây bệnh, phát hiện nhanh chóng và ngăn chặn kịp thời sự bùng phát leo thang thành dịch hoặc đại dịch là chìa khóa cho sự tồn vong của cả thế giới. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 cũng đã cho thấy, việc chuẩn bị ứng phó với vấn đề này mang tính toàn cầu. Trong “Kỷ đại dịch”, nếu một phần của thế giới gặp rủi ro, nó sẽ đe dọa toàn bộ thế giới.

Nhật Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/sinh-ton-trong-ky-dai-dich-200904.html