Sinh viên bị phố Wall từ chối thành chuyên gia viết sách chứng khoán

Là sinh viên Đại học Princeton, Lewis muốn bước chân vào Phố Wall nhưng đều bị mọi công ty mà ông nộp đơn từ chối.

Vào thập niên 1980, Michael Lewis là tay kinh doanh trái phiếu tập sự cho Salomon Brothers ở New York và London trong suốt 4 năm. Poker, bài nói dối, là một trò chơi mang tính lừa bịp và đặt cược cao mà các thương nhân, các tay buôn cổ phiếu và giới ngân hàng đầu tư thường chơi mỗi buổi chiều, nhưng nó cũng là một ẩn dụ cho các nền văn hóa của Salomon đầy mạo hiểm, rủi ro và bịp bợm. Đó là một cuộc chơi không khoan nhượng.

Lewis kể về câu chuyện thực của Phố Wall trong cả những ngày vinh quang và giai đoạn sụp đổ với giọng văn đầy hài hước, châm biếm. Những nhân vật đầy màu sắc và nổi tiếng ở Phố Wall như Michael Milken, người đã phát triển loại trái phiếu có lãi suất cao nhưng đầy rủi ro (high‐yield debt/junk bond), nhà đầu tư Warren Buffett, nhà phân tích chứng khoán Bill Simon, Lewis Ranieri, người đứng đầu phòng thế chấp của Salomon Brothers, và John Gutfreund, giám đốc điều hành Salomon đều xuất hiện sống động trong cuốn sách này.

Là sinh viên Đại học Princeton, Lewis muốn bước chân vào Phố Wall nhưng đều bị mọi công ty mà ông nộp đơn từ chối. Không kiếm được việc, ông phải xin vào Trường Kinh tế London (LSE) để kiếm một tấm bằng Thạc sĩ Kinh tế. Tình cờ, Lewis có dịp ngồi cạnh bà vợ của hai nhà quản lý Salomon Brothers và nhờ đó tìm được việc làm đầu tiên của mình ở Salomon.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Action Tour Guide.

Ảnh minh họa. Nguồn: Action Tour Guide.

Ở New York, Lewis đã học những bài học đầu tiên về nền văn hóa tiền bạc của Salomon và Phố Wall trong một chương trình đào tạo của công ty này. Sau đó, Lewis chuyển tới văn phòng Salomon Brothers ở London. Mặc dù là tay kinh doanh thiếu kiến thức và kinh nghiệm song ông sớm được giao quyền xử lý hàng triệu USD trong các tài khoản đầu tư.

Năm 1987, ông đã chứng kiến sự mua bán liều mạng và đầy thù địch của Salomon Brothers, nhưng vẫn tiếp tục trụ lại công ty. Giao dịch và kinh doanh trái phiếu, tưởng chừng đó là loại công việc cần trình độ và tư duy tài chính, song thực tế lại đòi hỏi những kỹ năng khác hẳn: khai thác những điểm yếu và đe dọa người khác, tận dụng sự thiếu hiểu biết của những “kẻ khờ” để kiếm tiền và nhờ đó trở nên cực kỳ giàu có.

Lewis đã gọi đó là thế giới của “Luật rừng”. Năm 1988, khi ngày càng trở nên thất vọng với công việc, Lewis từ bỏ công việc mà ông đang ở trên đỉnh cao để viết cuốn sách này, bắt đầu sự nghiệp một nhà báo tài chính.

Cuốn sách đã vạch trần toàn bộ mọi sự vụ ở Phố Wall, về văn hóa Phố Wall, về giới giao dịch trái phiếu, về niềm tin của họ và công việc thật sự của họ. Khi kể về những tháng ngày tại Salomon, Lewis đã viết: “Salomon là khu rừng hoang dại đầy những con thú khát máu gắn mác giao dịch viên”.

Với mức độ thâu tóm và nhận diện chính xác cả một thời kỳ, Trò bịp trên Phố Wall chính là bản dự báo cho hai cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay và một số yếu tố trong sự sụp đổ của Enron hay nhiều vụ bê bối tài chính khác, bởi gốc rễ lịch sử của chúng khởi phát mầm mống từ chính những trò lừa đảo của Phố Wall mà Salomon là đại diện tiêu biểu.

Michael Lewis/Alphabooks – NXB Lao Động

Nguồn Znews: https://znews.vn/sinh-vien-bi-pho-wall-tu-choi-thanh-chuyen-gia-viet-sach-chung-khoan-post1524236.html