Sinh viên 'cắm bản' ở Nghệ An, tình nguyện sửa trường, dạy chữ cho trẻ em vùng cao

Trong Chiến dịch 'Mùa Hè Xanh' 2025, hàng chục sinh viên rời Hà Nội đến xã miền núi Tương Dương (tỉnh Nghệ An) để tham gia sửa trường học, tổ chức lớp học Hè và hỗ trợ người dân địa phương. Những ngày 'cắm bản' giữa núi rừng giúp các bạn trẻ học được nhiều bài học thực tế không có trên giảng đường.

>

Tạm gác giảng đường, lên đường đến vùng cao

Giữa tháng bảy, nhiệt độ tại xã Tương Dương có lúc vượt 37 độ C. Dưới cái nắng gay gắt ấy, nhóm sinh viên tình nguyện đến từ trường ĐH Tài chính – Ngân hàng Hà Nội vẫn đều đặn chia ca lao động: Người sơn lại điểm trường mầm non, người đào móng xây nhà vệ sinh, nhóm khác chuẩn bị giáo án để dạy học cho học sinh tiểu học trong bản.

Bọn mình không đến để thay đổi điều gì to lớn, mà chỉ mong đóng góp được phần sức nhỏ cho bà con nơi đây, và sống một mùa Hè thật ý nghĩa”, Đinh Thị Phong Lan (ngành Kế toán – Kiểm toán) chia sẻ.

Đinh Thị Phong Lan trong Chiến dịch 'Mùa Hè Xanh' 2025 tại xã Tương Dương (tỉnh Nghệ An). Ảnh: NVCC

Lan nói, quyết định tham gia 'Mùa Hè Xanh' không phải là ngẫu hứng, mà xuất phát từ mong muốn được “sống khác đi”, rời xa lịch học dày đặc, deadline liên tục và không gian thành phố ngột ngạt. “Giữa những trang sách và bài giảng, vẫn có một khoảng trống mà chỉ hành động và trải nghiệm thực tế mới lấp đầy được”, cô nói.

Không có sóng điện thoại, không có lịch học

Trong tuần lễ tình nguyện tại xã Tương Dương, sinh viên phải làm quen với điều kiện sống "tối giản": Không Wi-Fi, không sóng điện thoại, nước sinh hoạt phụ thuộc vào nguồn dẫn trên núi. Nhưng điều đó không khiến các bạn trẻ nản lòng. Trái lại, chính hoàn cảnh thiếu thốn giúp họ thêm gắn kết và học được cách tự xoay xở trong mọi tình huống.

Nguyễn Thị Lan Hương cùng sinh viên tình nguyện hỗ trợ lắp đặt hệ thống chiếu sáng trong 'Mùa Hè Xanh' 2025.

Nguyễn Thị Lan Hương (lớp D11.30.08) kể: “Ở đây, không có lịch học, không giờ giấc cố định, mọi thứ linh hoạt theo thời tiết và điều kiện địa phương. Điều tưởng như bất tiện lại khiến chúng mình học được cách chủ động, ứng biến và hỗ trợ nhau nhiều hơn”.

Ban ngày, các bạn chia nhóm thi công, dạy học, phát quà; buổi tối thì cùng nhau nấu ăn, sinh hoạt, kể chuyện cho nhau nghe dưới ánh đèn. “Mỗi ngày ở đây là một bài học, không có trong giáo trình đại học nhưng lại rất cần cho hành trang trưởng thành”, Hương nói.

“Phải là người đầu tiên bước đi”

Trịnh Văn Toản (Chỉ huy trưởng Chiến dịch 'Mùa Hè Xanh' 2025, trường ĐH Tài chính – Ngân hàng Hà Nội) chia sẻ: “Khoảnh khắc đáng nhớ nhất với mình là lúc đi tiền trạm một mình. Đứng giữa con dốc, không đèn điện, không tiếng người, mình tự hỏi liệu có đủ bản lĩnh để dẫn dắt 21 người trẻ vượt qua một tuần thử thách”.

Trịnh Văn Toản (Chỉ huy trưởng Chiến dịch 'Mùa Hè Xanh' 2025, trường ĐH Tài chính – Ngân hàng Hà Nội).

Toản cho biết, từ khi nhận nhiệm vụ, anh luôn tự nhắc bản thân phải là người giữ tinh thần cho cả đội. “Không còn lựa chọn nào khác, mình phải là người đầu tiên bước đi”, Toản nói.

Dưới sự dẫn dắt của Toản, nhóm đã và đang hoàn thành kế hoạch đề ra: Sơn sửa trường mầm non, xây mới nhà vệ sinh cho học sinh, tổ chức ba buổi học Hè và trao hơn 50 phần quà cho các hộ khó khăn.

Tình nguyện là cho đi và cũng là nhận lại

Võ Hạnh Nhi (năm cuối và là Chủ nhiệm CLB Sinh viên Tình nguyện) cho biết: “Mình từng nghĩ, tình nguyện là những công việc nặng nhọc, nhưng thực tế còn nhiều hơn thế, đó là kết nối, là thấu cảm và là những giá trị vô hình mà mình nhận được”.

Cô nhớ nhất lần bị hỏng xe máy giữa rừng. “Không hiểu tiếng địa phương, không quen ai, vậy mà bà con vẫn gọi nhau ra giúp. Có người đẩy xe, người đi bộ cùng hơn 3 km. Khi đó, mình nhận ra: Mình không đến đây chỉ để giúp, mà cũng đang được yêu thương và đón nhận”, Hạnh Nhi nói.

Nguyễn Trường An (Viện Công nghệ thông tin).

Với nhiều sinh viên, Tương Dương không chỉ là nơi tình nguyện mà còn là nơi lưu giữ những ký ức sâu sắc của tuổi trẻ. Nguyễn Trường An (Viện Công nghệ thông tin) cho biết: “Sống giữa núi rừng giúp mình rèn luyện tinh thần chủ động, học cách thích nghi và cảm thông hơn với người khác”.

An nói, không có sách vở nào dạy anh cách sửa đường, bê vật liệu, ứng phó với thời tiết thất thường hay chia sẻ từng bữa cơm đạm bạc với dân bản. “Mỗi trải nghiệm đều thật và đáng giá”, Trường An chia sẻ.

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/sinh-vien-cam-ban-o-nghe-an-tinh-nguyen-sua-truong-day-chu-cho-tre-em-vung-cao-post1760299.tpo