Sinh viên cần làm gì để cạnh tranh với AI?
Trong bối cảnh AI phát triển mạnh mẽ như hiện nay, sinh viên cần sẵn sàng nắm bắt cơ hội, học cách sử dụng AI hiệu quả, có đạo đức, phục vụ tốt nhất cho công việc cũng như cuộc sống. Đặc biệt, khi làm bất kỳ công việc gì cũng cần nghĩ cách làm khác, tránh đi theo lối mòn...
Chia sẻ tại phiên thảo luận về Thanh niên với khởi nghiệp và việc làm trong khuôn khổ chương trình “Nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên - Skill Our Future" diễn ra chiều nay (23/4) do Báo Điện tử Tiếng nói Việt Nam (VOV), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP - Việt Nam) và Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ và Tài năng trẻ - Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức, ông Đặng Văn Huấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, sinh viên sau khi tốt nghiệp được các doanh nghiệp “săn đón” với mức lương cao phụ thuộc rất nhiều vào năng lực số, tư duy và khả năng làm việc nhóm.

Các diễn giả chia sẻ tại phiên thảo luận thanh niên với khởi nghiệp và việc làm (Ảnh: Trube)
“Rất nhiều doanh nghiệp khi tuyển dụng đều nói rằng, khi tìm kiếm một ứng viên, kiến thức là nền tảng ban đầu, nhưng quan trọng hơn nữa là thái độ tích cực, sẵn sàng học hỏi và các kỹ năng mềm. Trong đó, kỹ năng mềm bao gồm khả năng làm việc nhóm và kỹ năng số”, ông Đặng Văn Huấn nói.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học cho biết, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 02 quy định về khung năng lực số cho người học với 6 miền năng lực và 24 kỹ năng số. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến kỹ năng về ứng dụng AI.

Ông Đặng Văn Huấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) chia sẻ tại chương trình (Ảnh: Trube)
Đặc biệt, hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các trường đại học rất quan tâm tới việc tích hợp kỹ năng số vào các chương trình đào tạo chính quy cũng như các chương trình đào tạo bổ sung để sinh viên sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động ngày càng khốc liệt.
Trong bối cảnh AI phát triển mạnh mẽ như hiện nay, ông Đặng Văn Huấn đưa ra lời khuyên, sinh viên cần sẵn sàng “nắm bắt cơ hội, học cách sử dụng AI hiệu quả, có đạo đức, phục vụ tốt nhất cho công việc cũng như cuộc sống của mình”.
Bên cạnh đó, khi làm bất kỳ công việc gì cũng cần nghĩ cách làm khác, tránh đi theo lối mòn, cần tìm con đường mới, một cách thức mới, có tinh thần không chấp nhận những gì đã có và luôn đặt câu hỏi về những gì đang diễn ra.
Còn theo bà Nguyễn Bích Vân- Trưởng phòng Nhân sự Navigos Group, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và việc bùng nổ trí tuệ nhân tạo đã thay đổi căn bản cách sống và làm việc cũng như là ảnh hưởng rất lớn đến xu hướng việc làm. Ngoài sự thay đổi của những công việc hiện tại, thị trường lao động cũng đã và đang xuất hiện thêm nhiều công việc mới, cách thức làm việc, cách quản lý vận hành mới trong doanh nghiệp.
“Ngày nay, chúng ta có thể làm việc từ xa thay vì chỉ có một hình thức làm việc toàn thời gian tại công ty như trước đây. Hay chính quy trình tìm kiếm ứng viên, cách tìm việc của ứng viên cũng thay đổi rất nhiều”, bà Vân nói.
Nói về nhu cầu tuyển dụng hiện nay, bà Nguyễn Bích Vân cho hay, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê năm 2024, lực lượng lao động trong nhóm dịch vụ đang chiếm khoảng hơn 40%, tiếp đó là lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng hơn 30%.
Còn tại Navigos, theo một khảo sát năm 2024 với hơn 500 doanh nghiệp là khách hàng của Navigos Search, có đến 50% doanh nghiệp hiện nay đang chú trọng tuyển dụng nhân sự trong mảng kinh doanh và bán hàng, đặc biệt là những nhân sự có từ 2-3 năm kinh nghiệm bởi đây là lực lượng trực tiếp tạo ra doanh thu, mở rộng khách hàng, mở rộng thị trường.

Bà Nguyễn Bích Vân- Trưởng phòng Nhân sự Navigos Group (bìa phải) chia sẻ tại chương trình (Ảnh: Trube)
Tiếp đó là những ngành nghề liên quan đến công nghệ thông tin và phần mềm cũng là mảng công việc mà được chú trọng đầu tư bởi tất cả các doanh nghiệp đều đang có xu hướng chuyển đổi số để gia tăng lợi thế cạnh tranh cũng như bắt kịp xu hướng.
Nhóm ngành thứ 3 chiếm khoảng 10% nhu cầu tuyển dụng liên quan đến tiếp thị số, digital marketing và truyền thông. Sở dĩ nhu cầu nhóm ngành nghề này lớn do các doanh nghiệp chú trọng đến tiếp cận khách hàng thông qua các kênh số cũng như đẩy mạnh thương hiệu doanh nghiệp.
Về mong muốn của nhà tuyển dụng đối với ứng viên, theo bà Nguyễn Bích Vân, nếu như giai đoạn trước đây các nhà tuyển dụng sẽ coi trọng những kỹ năng cứng để đáp ứng được nhu cầu thực tế của công việc, thì ngày nay kỹ năng mềm là một tiêu chí hết sức quan trọng.
Một số kỹ năng mềm cốt lõi mà doanh nghiệp đang tìm kiếm, giúp ứng viên trong doanh nghiệp có thể nhanh chóng thích nghi với những thay đổi, tạo ra giá trị một cách nhanh chóng hay có khả năng giải quyết vấn đề là kỹ năng tự trau dồi, tự nâng cấp.
"Tại các doanh nghiệp luôn có các chương trình đào tạo bài bản để người lao động có thể hoàn thành các mục tiêu công việc. Tuy nhiên, bên cạnh những chương trình này, cũng đòi hỏi người lao động luôn trong tâm thế tự tìm ra những kỹ năng bản thân còn yếu, còn thiếu, hoặc những kỹ năng cần có trong tương lai để tự trau dồi thông qua các nền tảng số. Với xã hội số như ngày nay, người lao động không chỉ có cơ hội tìm kiếm tri thức ở Việt Nam mà còn có thể học tập với các chuyên gia trên khắp thế giới thông qua các nền tảng số.
Bên cạnh đó, sự thành tạo về ngoại ngữ cũng là bắt buộc trong bối cảnh hiện nay. Ngoại ngữ giúp người lao động dễ dàng hòa nhập với các mô hình doanh nghiệp đa văn hóa.
Tiếp đó là tư duy sáng tạo. Trí tuệ nhân tạo đã giúp con người thay đổi, có thể làm thay ở một số công đoạn trong quá trình làm việc, tuy nhiên tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề vẫn là yếu tố vô cùng cốt lõi khiến mỗi lao động có những lợi thế cạnh tranh khác nhau, từ đó tạo ra sự khác biệt trong từng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp", bà Vân nhấn mạnh.
Để tăng cơ hội việc làm, bà Nguyễn Bích Vân cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp không dùng từ "tuyển dụng", mà chuyển sang "thu hút nhân tài", "thu hút tài năng", bởi ngày nay các bạn trẻ có những kỹ năng, kiến thức rất tốt và có nhiều cơ hội việc làm khác nhau. Từ đó cũng tạo ra một cuộc đua giữa các doanh nghiệp trong vấn đề tìm người tài.
Để tăng năng lực trong quá trình làm việc, bà Vân nhận định, điều quan trọng trước tiên là thái độ cầu thị, hướng đến việc tự học. Ngoài ra, các nhà tuyển dụng ngày nay cũng rất chú trọng đến sự chuẩn bị sớm của ứng viên, người trẻ đừng chỉ tập trung học lên cao, sau khi hoàn thành mới bắt đầu tìm kiếm việc làm. Hiện nay có rất là nhiều loại hình công việc như part-time, làm việc từ xa... mà người trẻ có thể làm để tích lũy kinh nghiệm. Cũng từ những trải nghiệm đó, mỗi người sẽ nhận ra đâu là những ngành nghề phù hợp với sở trường, với mong muốn, với định hướng của bản thân.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/sinh-vien-can-lam-gi-de-canh-tranh-voi-ai-post1194337.vov