Sinh viên châu Á tại Mỹ bị phân biệt đối xử vì Covid-19
Đáng sợ hơn cả Covid-19 là sự phân biệt đối xử và kỳ thị với người Trung Quốc, người Mỹ gốc Hoa và các sinh viên châu Á khác
Mới đây một bài đăng trên mạng xã hội đã lan nhanh và gây xôn xao ở hai trường đại học danh tiếng vùng thượng Tây Manhattan, Mỹ, là Trường Đại học Barnard và Đại học Columbia. Bài viết lan rộng với hàng trăm bình luận và chia sẻ.
Yêu cầu tự cách ly
Bài đăng nói về một học sinh Trung Quốc tại Đại học Bernard – Sylvia Su - đã tự cách ly mình để phòng ngừa lây lan dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Cô đã được lãnh đạo của nhà trường cảnh báo không được rời phòng ký túc xá. Sylvia đã nhận được email của Phó chủ nhiệm khoa Natalie Friedman chất vấn tại sao cô không có mặt trong phòng lúc đồ ăn được mang đến. Phó chủ nhiệm khoa này cảnh cáo rằng vì hành vi này, cô có thể bị phạt.
Su đã đăng cuộc trao đổi email này cùng với ảnh chụp màn hình lên Facebook. Sự việc dấy lên sự phản đối gay gắt của nhiều học sinh khi cho rằng nhà trường đã thiếu nhạy cảm và phân biệt đối xử.
Đối với Su, trải nghiệm này (phòng ngừa dịch bệnh-ND) còn khó khăn hơn khi thiếu đi sự hỗ trợ từ phía nhà trường.
Su trả lời Bwog – tờ báo nội bộ của trường: “Tất cả học sinh Trung Quốc đều đang rất lo lắng về gia đình của mình, về quê hương đang tê liệt vì dịch bệnh. Tất cả mọi người đang trải qua nhiều tổn thương. Tôi không cảm thấy được hỗ trợ hay giúp đỡ từ phía Trường Bernard. Theo cá nhân tôi thì tôi có cảm giác người ta cho rằng tôi đáng phải chịu như thế này”.
Bất chấp email nói trên, Ali Cookie, phát ngôn viên của nhà trường cho biết học sinh sẽ không bị phạt nếu họ vắng mặt ở khu cách ly. Còn bà Friedman không trả lời yêu cầu bình luận.
Đến nay có hơn 75.000 ca nhiễm Covid-19 đã được xác nhận trên thế giới, đại đa số là tại Trung Quốc. Còn tại Mỹ, chỉ có 15 ca nhiễm được xác nhận, không có trường hợp nào ở ĐH Barnard và Columbia. Tại Bernard và các đại học khác, những học sinh gần đây đã ở Trung Quốc như Su đều bị yêu cầu phải tự nguyện cách ly.
Nhưng khi nỗi sợ hãi dịch bệnh lan rộng, xuất hiện một hiện tượng mới được cho là đáng sợ hơn cả dịch bệnh ở các ký túc xá: Đó là sự phân biệt đối xử và kỳ thị với người Trung Quốc, người Mỹ gốc Hoa và các sinh viên châu Á khác.
Sự kỳ thị không chỉ vì Covid-19
Trong một số trường hợp, như tại Bernard, sinh viên cho rằng các trường cũng đang tiếp tay cho sự phân biệt đối xử này.
“Sự gia tăng hình ảnh và bình luận chống lại người châu Á với nỗi sợ virus corona cho thấy, trong khi các trường đại học là nơi học tập, thì cũng có thể là nơi dễ dàng phát tán thông tin sai lệch và phân biệt chủng tộc”, Janelle Wong, giáo sư nghiên cứu về Á- Mỹ học/ người Mỹ gốc Á, tại Đại học Maryland, nói.
Trong một email, Magaret Fung, Giám đốc Quỹ Giáo dục và Bảo vệ pháp lỳ người Mỹ gốc Á nói rằng, cô quan ngại trước những báo cáo về việc người Mỹ gốc Á gặp phải những hành động phân biệt chủng tộc và cách ly mà không có bằng chứng phơi nhiễm với virus.
“Chúng tôi mong rằng thái độ chống người châu Á và cách đối xử phân biệt dựa trên chủng tộc không xuất phát từ nỗi sợ virus corona, và chúng ta đều tập trung hành động để ngăn ngừa sự lây lan của virus”, Fung nói.
Tevinh Nguyen, sinh viên năm cuối và là chủ tịch Hiệp hội sinh viên Mỹ gốc Á-châu Á Thái Bình Dương tại Đại học bang Arizona (ASU), lo ngại rằng lý do vì sức khỏe cộng đồng đã được sử dụng như một công cụ che đậy sự phân biệt chủng tộc, bài ngoại, và các hình thức phân biệt đối xử khác.
Tại ASU, một trong số ít những trường đại học tại Mỹ có trường hợp nhiễm virus được xác nhận, một kiến nghị được đưa ra giữa các học sinh, kêu gọi hủy các lớp học vì dịch bệnh. Kiến nghị này đã có tới hơn 25.000 chữ ký. Nguyen nói rằng với sự hoang mang lan rộng, nhiều học sinh châu Á và Mỹ gốc Á đã tới nhóm của anh với những câu chuyện về việc bị thù ghét.
Theo như Nguyen nói, “trong lớp học, mọi người không muốn ngồi cạnh họ. Nếu họ ho thì bị tất cả quay lại nhìn. Khi một học sinh ngồi xuống bàn, các học sinh khác thì thầm với nhau rồi bỏ đi ngay lập tức. Một học sinh, khi đi bộ về nhà vào ban đêm, đã bị la hét và đổ lỗi là đã mang virus vào ký túc xá”.
Nguyen nói rằng anh đã báo cáo các trường hợp này tới nhà trường nhưng thất vọng vì không nhận được câu trả lời. “Tôi ước gì nhà trường làm được nhiều hơn”, anh nói. “Đây là phân biệt chủng tộc và bài ngoại, và nó xuất hiện không chỉ vì virus corona”.
Hiệp hội sinh viên Mỹ gốc Á- châu Á Thái Bình Dương đã công bố một bức thư mở, kêu gọi Chủ tịch nhà trường, Michael Crow đưa ra một lời khẳng định trực tiếp về sự gia tăng của phân biệt chủng tộc và bài ngoại liên quan đến virus corona.
Trong một email, đại diện của ASU cho biết Chủ tịch Crow ủng hộ mạnh mẽ tuyên bố của Hiệp hội sinh viên.
Chúng tôi đánh giá cao học sinh từ Trung Quốc và muốn họ cảm thấy như ở nhà tại cộng đồng ASU, giống như với các học sinh từ bất kỳ nước nào khác”, vị đại diện này nói. “Chúng tôi cam kết sâu sắc bao dung và tôn trọng đa dạng”.
Tại Đại học Columbia, sinh viên tìm thấy một lời nhắn bằng tiếng Trung được viết lên bảng trong thư viện: “Khu vực cách ly virus Vũ Hán”, và “Hãy tránh xa!” được viết bằng tiếng Anh.
Hình ảnh chiếc bảng được sinh viên chia sẻ trên mạng xa hội. Vài ngày trước đó, nhà trường đã gửi một email đến học sinh nói về sự xuất hiện thái độ ác cảm với sinh viên Trung Quốc, châu Á và sinh viên Mỹ gốc Á.
Cho dù sự lo lắng về virus gia tăng, song không có ca nhiễm bệnh nào được xác nhận tại bang New York. Tuy vậy, Nguyen nói rằng anh mong mọi người không quên phản ứng mà virus này đã gây ra.
“Hiện giờ chúng ta đang chú ý tới nó (Covid-19), nhưng tôi hy vọng mọi người không quên nó – đặc biệt là những ý nghĩ kỳ thị tồn tại bất kể có virus này hay không”, anh nói. “Virus đã khiến mọi người bộc lộ hành động, nhưng những vấn đề này đã luôn ở đây và sẽ tiếp tục tồn tại”.
Trong khi đó, Nguyen muốn thấy ASU hỗ trợ thêm những học sinh bị ảnh hưởng, như sự quan tâm của bộ phận tư vấn ký túc xá.
“Thật đáng sợ! Đây là khoảng thời gian khó khăn trong cuộc sống. Chúng tôi trăn trở hằng đêm với nhiều áp lực cho tương lai. Những điều này lại càng làm khó khăn thêm”./.