Sinh viên chê ngành in, cả tháng chỉ tuyển được 3 em rồi cũng bỏ học

Hiệu trưởng Cao đẳng Công nghiệp in cho biết, có lần đi hết các trường THPT ở Thái Bình trong một tháng nhưng chỉ tuyển được 3 em, sau 1 tháng các em cũng bỏ học.

Sáng 18/3, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Tổng kết ngành in năm 2020 tại TP.HCM, hội nghị cũng bàn về vấn đề nguồn nhân lực của ngành.

Theo báo cáo tại hội nghị, hiện cả nước có trên 25.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động in, trong đó chỉ có 2.213 cơ sở in cấp giấy phép hoạt động được phân bố và phân cấp.

Số lượng lao động ngành in năm 2020 là 60.720 người (giảm 2,3%). Số lao động được đào tạo các hình thức: sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và đại học dưới 60%. Trong số lao động được đào tạo, trình độ trên đại học chưa tới 1%, đại học và cao đẳng chiếm khoảng 20%, còn lại là sơ cấp nghề hoặc chưa qua đào tạo.

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Mai Thúy)

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Mai Thúy)

Tại hội nghị, ông Trần Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp in cho biết, trong 5 năm trở lại đây, công tác tuyển sinh của trường gặp khó khăn, trường không có người vào học. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhân lực ngành in do Trường (thuộc Bộ Thông tin & Truyền thông) là một trong các đơn vị đào tạo lao động chủ chốt cho ngành.

Theo ông Sơn, trường đã mở rộng đối tượng tuyển sinh, nếu trước đây phải tốt nghiệp THPT thì bây giờ tốt nghiệp THCS cũng được vào học nhưng vẫn vô cùng thiếu người học.

“Nhiều học sinh, học viên đăng ký học rồi bỏ với lý do làm ngành in vất vả mà lương lại thấp, thu nhập không tương xứng. 1 tháng chúng tôi đi các trường cấp 3 ở Thái Bình tìm người học mà chỉ 3 em nhập học, sau 1 tháng học các em này cũng xin nghỉ luôn”, ông Sơn nói.

Theo Bộ thông tin &Truyền thông, nguồn nhân lực ngành in hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu và tốc độ phát triển, năng suất lao động thấp. Số lao động lâu năm trong ngành khó khăn trong cập nhật tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới.

Số lượng lao động có trình độ tay nghề cao (gồm kỹ sư, công nhân bậc cao đào tạo tại nước ngoài) phần lớn đã hết tuổi lao động dẫn đến nguồn nhân lực giảm sút rõ rệt.

Do khó khăn về kinh phí, rất ít doanh nghiệp đầu tư cho khâu đào tạo, năng lực đào tạo của các trường hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu ngành in. Tổng năng lực đào tạo của 4 cơ sở phục vụ ngành vào khoảng 1.200-1.350 người trong khi nhu cầu nhân lực của ngành in mỗi năm khoảng 2.200-2500 người.

MAI THÚY

Nguồn VTC: https://vtc.vn/sinh-vien-che-nganh-in-ca-thang-chi-tuyen-duoc-3-em-roi-cung-bo-hoc-ar601665.html