Sinh viên chế nước giải khát sữa dừa sáp
Nước giải khát có tên sữa dừa sáp là nghiên cứu sáng tạo của nhóm sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ thực hiện.
Gia tăng giá trị cho trái dừa sáp
Nhóm sinh viên gồm: Lâm Chí Trường, Huỳnh Văn Mến, Nguyễn Thúy Ngân, Nguyễn Huỳnh Bảo Trân, Lê Thanh Tiến và Triệu Thị Hoàng Nhung - Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ vừa hoàn thiện các khâu cuối cùng cho sản phẩm sữa dừa sáp. Nước giải khát sữa dừa sáp được đóng chai thủy tinh dung tích 200ml tiện dụng, ngon và bổ dưỡng.
Trưởng nhóm Lâm Chí Trường cho biết, hiện nay dừa sáp có nhiều ở huyện Cầu Kè, là đặc sản của Trà Vinh. Một buồng dừa sáp khoảng 10 trái thì chỉ có 2 - 3 trái cho sáp. Cơm dừa sáp dẻo, nước sệt sệt, thoảng mùi thơm đặc trưng. Vốn được nhiều người yêu thích, dừa sáp đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều sản phẩm khởi nghiệp về lĩnh vực ăn uống.
Dừa sáp là một trong các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao ở một số tỉnh phía Nam. Trước kia, dừa sáp không được quan tâm trồng và phát triển với quy mô lớn vì giống cây này có tỷ lệ quả cho sáp rất thấp, chỉ khoảng 20% số quả trên cây.
Thống kê cho thấy, chỉ riêng ở huyện Cầu Kè, Trà Vinh đã có trên 15.000 cây dừa sáp với khoảng 6.000 cây đang cho quả, năng suất đạt 40-80 quả/cây/năm, với giá bán dao động 57.000 - 128.000 đồng/quả (cao gấp 10-20 lần so với quả dừa ta), thậm chí có thể tăng lên 160.000 - 170.000 đồng/quả vào mùa lễ, hội. Trước đây, dừa sáp thường được bán tươi để sử dụng làm đồ uống và phần lớn các nhà vườn đều bán nhỏ lẻ thông qua các chủ vựa tại địa phương nên giá trị kinh tế chưa cao.
Ngoài ra, sữa dừa ta đã có trên thị trường chính là gợi ý để nhóm bắt tay vào làm sữa dừa sáp. Tuy nhiên, khó khăn phát sinh khi sữa dừa sáp không thể ứng dụng công thức của sữa dừa ta. Do cơm dừa sáp có độ béo, dẻo, nhiều chất dinh dưỡng, có thể tạo dấu ấn cho sản phẩm nhưng cũng là thách thức không nhỏ trong việc bảo quản.
Nhóm đã cùng thí điểm rất nhiều công đoạn khác nhau. Công đoạn đầu tiên là nạo lấy cơm dừa rồi xay nhuyễn, lược nhiều lần cho thật mịn. Khi vừa ý thì bắc lên bếp phối chế, hòa tan theo công thức riêng. Kế tiếp là đóng chai, thanh trùng... Trong chuỗi quy trình này, có công đoạn phải thực hiện thủ công, có những công đoạn bắt buộc phải nhờ máy móc hỗ trợ (chẳng hạn thanh trùng, đồng hóa sữa).
Sữa dừa sáp của nhóm sinh viên đã đạt kiểm nghiệm tại Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng Cần Thơ. Kết quả cho thấy, chỉ số năng lượng đạt 58,61 kcal/100 ml, hàm lượng protein đạt 0,73 gr/100 ml, hàm lượng lipid đạt 1,34 gr/100 ml, hàm lượng thô xơ đạt 1,04 gr/100 ml. Đồng thời được chứng nhận là sản phẩm an toàn cho sức khỏe khi không phát hiện hàm lượng asen (thạch tín), thủy ngân, chì.
Sẽ phát triển thành dạng sữa bột hòa tan
Cũng theo đại diện nhóm, thông thường một trái dừa sáp có trọng lượng trung bình khoảng 700 gr. Tùy mùa, điểm bán lẻ tại vườn có giá từ 90.000 - 120.000 đồng/trái. Trong khi đó, một trái dừa sáp có thể làm được 20 chai sữa (loại 200 ml), giá bán hiện tại là 15.000 đồng/chai. Nếu trừ chi phí thực hiện, lợi nhuận của một trái dừa sáp sẽ tăng ít nhất 20% so với bán trái.
“Tuy sản phẩm chỉ mới thử nghiệm, nhưng em rất phấn khởi vì được vận dụng kiến thức để tạo ra một sản phẩm khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa. Em hy vọng tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các đối tác để sản phẩm có thể kinh doanh trên thị trường”, Trường chia sẻ.
Với sự hướng dẫn của thầy cô, từ tháng 11/2023, Trường bắt đầu nghiên cứu chế biến sữa dừa sáp và đặt tên là “Cocovimilk. Sữa dừa sáp đã đoạt giải nhì cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ năm 2024.
TS Ngô Anh Tuấn, Phó Trưởng khoa Kinh tế quản lý công nghiệp, Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ cho biết, sữa dừa sáp đã hướng tới quy trình sản xuất công nghiệp, mẫu mã hoàn thiện, đạt kiểm định chất lượng nên đủ điều kiện bán ra thị trường.
Nhóm cũng đang nghiên cứu phát triển sữa dừa sáp thành dạng bột hòa tan, nhằm kéo dài thời gian sử dụng. Ngoài ra, sản phẩm này cũng sẽ được hỗ trợ liên kết với căng-tin các trường đại học, cửa hàng đặc sản, tham gia hội chợ, gian hàng khởi nghiệp để nhiều người biết đến hơn.
Hiện nay, sau giống dừa sáp cấy phôi, nhóm nhà khoa học của Trường Đại học Trà Vinh (Trà Vinh) đã nghiên cứu thành công giống dừa sáp nuôi cấy mô. Giống dừa sáp tạo ra bằng phương pháp này có giá thành thấp nhưng năng suất cao, hiệu quả kinh tế. Đây là thành công lớn, là nghiên cứu đầu tiên về nuôi cấy mô dừa nói chung và dừa sáp nói riêng tại Việt Nam.
Cây dừa sáp nuôi cấy mô đã được trồng khảo nghiệm tại Khu Thực nghiệm trồng trọt, Trường Đại học Trà Vinh. Sau 3 năm trồng, cây dừa sáp cấy mô được đánh giá sinh trưởng tốt, thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại tỉnh Trà Vinh và cho trái sáp có cơm dày, chất lượng tốt.
“Với nguồn cung dừa sáp ngày càng dồi dào, nhóm chúng em tin tưởng tiềm năng ứng dụng nghiên cứu sữa dừa sáp là rất lớn, đem lại giá trị và thu nhập cao cho người trồng dừa”, sinh viên Lâm Chí Trường cho biết.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/sinh-vien-che-nuoc-giai-khat-sua-dua-sap-post710772.html