Sinh viên đưa loạt giải pháp y tế đột phá từ tủ thuốc thông minh tích hợp IoT

Với niềm đam mê nghiên cứu và mong muốn tạo ra các sản phẩm công nghệ cải thiện sức khỏe cộng đồng, sinh viên Nguyễn Văn Nam ngành Công nghệ thông tin Trường Đại học FPT đã sáng chế loạt giải pháp y tế đột phá từ tủ thuốc thông minh đến hệ thống theo dõi sức khỏe tích hợp IoT, góp phần nâng cao chất lượng sống của cộng đồng.

Bài nghiên cứu khoa học “Ứng dụng IoT trong việc theo dõi sử dụng thuốc tại nhà”. Ảnh: VA

Bài nghiên cứu khoa học “Ứng dụng IoT trong việc theo dõi sử dụng thuốc tại nhà”. Ảnh: VA

Đưa IoT vào y tế

Không chỉ ghi dấu ấn với thành tích học tập xuất sắc; đạt học bổng toàn phần của Trường Đại học FPT; Giải Ba tại cuộc thi Vô địch Tin học văn phòng thế giới - Viettel 2023, năm 2024, sinh viên Nguyễn Văn Nam cùng nhóm bạn và giảng viên Đặng Văn Hiếu đã có bài nghiên cứu khoa học quốc tế về ứng dụng IoT trong quản lý sử dụng thuốc tại nhà.

Công trình này được trình bày tại hội thảo quốc tế CCIOT 2024 và nhận được sự đánh giá cao từ giới chuyên môn. Đây là sự kiện khoa học danh giá, thảo luận về các nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực IoT (Internet of Things - Internet vạn vật) và điện toán đám mây, được tổ chức với sự bảo trợ của ACM Singapore Chapter - tổ chức uy tín toàn cầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Trong đó, những bài nghiên cứu được báo cáo tại hội thảo này sẽ được xuất bản trong kỷ yếu của hội thảo quốc tế và được lập chỉ mục bởi Ei Compendex, Scopus - hai cơ sở dữ liệu hàng đầu thế giới.

Từ việc bản thân, người thân hay quên uống thuốc do mải mê công việc nhất là với người cao tuổi, mắc các bệnh mãn tính thường gặp khó khăn trong việc tuân thủ lịch dùng thuốc, điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị, mà còn dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, Nguyễn Văn Nam và nhóm bạn đã quyết định xây dựng hệ thống tích hợp IoT để giúp người bệnh dễ dàng quản lý lịch uống thuốc. Hệ thống sử dụng cảm biến và thiết bị thông minh để nhắc nhở bệnh nhân uống thuốc đúng giờ, gửi dữ liệu thời gian thực đến bác sĩ và người thân thông qua ứng dụng di động.

Nguyễn Văn Nam (thứ hai từ trái qua) chụp ảnh cùng các đồng nghiệp tại công ty. Ảnh: NVCC

Nguyễn Văn Nam (thứ hai từ trái qua) chụp ảnh cùng các đồng nghiệp tại công ty. Ảnh: NVCC

Nguyễn Văn Nam cho biết, các thiết bị IoT cần được cấu hình để hoạt động ổn định. Những nghiên cứu của Nam và nhóm trong hội thảo được hội đồng đánh giá là có tính toàn diện, cân bằng giữa lý thuyết với thực tiễn và có tính đổi mới. Toàn bộ thông tin dữ liệu đều được xử lý tốt, thể hiện trình độ, sự tâm huyết của cả nhóm dành cho dự án.

Quyết tâm hoàn thiện sản phẩm để phục vụ người bệnh

Tiếp nối và mở rộng những nội dung nghiên cứu từ hội thảo CCIOT, sinh viên Nguyễn Văn Nam tiếp tục nghiên cứu để phát triển đồ án tốt nghiệp: “Hệ thống quản lý, hỗ trợ khám và điều trị bệnh”.

Hệ thống hiện tại đã tích hợp các thiết bị IoT để theo dõi các chỉ số sức khỏe quan trọng như nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ cơ thể và đưa ra các cảnh báo sớm khi phát hiện bất thường. Ở đồ án này, cậu đề cao tính năng bảo mật dữ liệu, đảm bảo thông tin sức khỏe của bệnh nhân không bị xâm phạm. Tính bảo mật và độ chính xác là yếu tố sống còn trong các giải pháp IoT y tế.

Hội đồng chấm tốt nghiệp đã đánh giá cao tính ứng dụng, thực tiễn của sản phẩm: "Ngoài việc có thể sử dụng tại các bệnh viện, phòng khám, ứng dụng còn giống với mô hình “bác sĩ gia đình” tích hợp IoT. Ứng dụng dễ dàng sử dụng trong công tác theo dõi sức khỏe cho từng bệnh nhân tại nhà, giúp cải thiện chất lượng khám chữa bệnh từ xa".

Chia sẻ về dự án, chàng sinh viên ngành công nghệ cho biết: "Trong tương lai, em muốn có thể tích hợp trí tuệ nhân tạo để phân tích, tối ưu hóa thói quen dùng thuốc. Đồng thời, mở rộng khả năng kết nối với các thiết bị y tế thông minh khác và xây dựng một nền tảng dữ liệu y tế tập trung, hỗ trợ bác sĩ, gia đình theo dõi sức khỏe bệnh nhân từ xa".

LV/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giao-duc/sinh-vien-dua-loat-giai-phap-y-te-dot-pha-tu-tu-thuoc-thong-minh-tich-hop-iot-20250102163647434.htm