Sinh viên 'giấy trắng' Trung Quốc khó tìm việc
Không được thực tập và chủ yếu học trực tuyến, hàng triệu sinh viên Trung Quốc bị các đơn vị tuyển dụng từ chối.
Sau khi “rải đơn” xin hơn 50 vị trí trên nhiều cổng thông tin khác nhau, chị Connie Xu cuối cùng đã có cơ hội được phỏng vấn thực tập tại một công ty ở thành phố lớn.
Cô gái 22 tuổi này vừa tốt nghiệp ngành ngữ văn Trung, tự đánh giá bản thân là ứng viên sáng giá nhờ sở hữu kỹ năng cần thiết cùng kinh nghiệp làm các dự án trong trường. Nhưng cuộc phỏng vấn không suôn sẻ như Xu hy vọng.
“Họ nói tôi non nớt. Người phỏng vấn nói rằng tôi như tờ giấy trắng không có bất cứ kinh nghiệm làm việc thực tế nào”, Xu kể lại. Vậy là cô phải tiếp tục tìm việc.
Xu không phải trường hợp cá biệt trong số 11,58 triệu sinh viên tốt nghiệp gia nhập lực lượng lao động Trung Quốc năm nay. Tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm dân số 16 - 24 tuổi tăng từ 20,4% tháng 4 lên 20,8% tháng 5.
Trung Quốc duy trì chính sách chống dịch COVID-19 nghiêm ngặt đến 3 năm, tác động của chính sách đến lực lượng lao động tiếp tục kéo dài sau đó. Phần lớn sinh viên tốt nghiệp năm 2023 đều không được học trực tiếp và đi thực tập, nhiều người khó thuyết phục đơn vị tuyển dụng họ đủ năng lực đảm nhận công việc.
“4 năm đại học, chúng tôi mắc kẹt trong trường 3 năm”, Xu than thở.
Nhà tuyển dụng Miriam Wickertsheim tại Thượng Hải cho biết các sinh viên mới tốt nghiệp mà bà trò chuyện gần đây cảm thấy bản thân kém hấp dẫn hơn trong mắt đơn vị tuyển dụng vì họ về cơ bản chỉ học trực tuyến rồi lấy bằng.
“Người phỏng vấn nói rằng do chỉ học từ xa nên họ (số sinh viên mới tốt nghiệp) có ít hoạt động xã hội và ít cơ hội làm việc trực tiếp để phát triển năng lực làm việc nhóm lẫn kỹ năng xã hội hơn. Nhiều đơn vị muốn đợi lứa sinh viên tốt nghiệp tiếp theo”, theo nhà tuyển dụng Wickertsheim.
Bà còn chỉ ra không ít doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ - thường là nơi làm việc đầu tiên của sinh viên mới tốt nghiệp - chịu thiệt hại nặng lúc đại dịch, hiện tại đang phục hồi.
“Tin tuyển dụng mà các công ty đăng tuyển đều là tìm người thay thế chứ không phải tuyển thêm. Đây không phải công việc dành cho sinh viên mới tốt nghiệp. Công ty phải mất không ít thời gian lẫn công sức để đào tạo sinh viên mới tốt nghiệp thành nhân viên có thể gia tăng giá trị kinh tế cho công ty. Hiện tại tình hình kinh tế vô cùng khó khăn, nhiều công ty không muốn thực hiện kiểu đầu tư này, đặc biệt với đối tượng dễ nhảy việc như sinh viên mới tốt nghiệp”, nhà tuyển dụng Wickertsheim lý giải.
Ngày 1.6, Bộ Giáo dục Trung Quốc phát động chiến dịch 100 ngày hướng dẫn sinh viên mới tốt nghiệp chủ động tìm kiếm việc làm, cũng như giúp họ được tuyển dụng càng sớm càng tốt.
Với sinh viên chưa tốt nghiệp, quá trình tìm việc thường bắt đầu vào học kỳ mùa thu của năm cuối đại học - khi doanh nghiệp tổ chức hoạt động tuyển dụng tại trường nhằm lấp đầy số vị trí cấp thấp.
Giai đoạn tuyển dụng tiếp theo rơi vào tháng 3 đến tháng 5, nhằm mục đích tìm người cho số vị trí còn sót lại. Tuy nhiên lúc này có ít vị trí dành cho sinh viên hơn.
Thậm chí tìm được việc cũng chưa an toàn. Sinh viên ngành kỹ thuật xây dựng Mo Haonan (Hàng Châu) có suất thực tập nhờ trường mời các công ty về tuyển dụng, nhưng chỉ vài tuần sau khi hoàn thành một dự án thì anh bị sa thải.
“Họ xem chúng tôi là lao động rẻ tiền có thể thay thế. Sau khi hoàn thành một dự án, họ không kiếm thêm được khách vậy là sa thải chúng tôi mà chẳng cần đền bù nhiều, Mo chia sẻ. Giờ đây anh lo sợ đơn vị tuyển dụng khác nghĩ rằng anh bị sa thải vì làm việc kém.
Xu kiệt sức trong hành trình tìm việc. Cô tin trong tương lai gần ứng viên không có kinh nghiệm đi thực tập như mình vẫn sẽ bị loại đầu tiên. Vài người bạn đạt thành tích học tập xuất sắc vẫn chưa có việc làm.
“Các công ty đều đang cắt giảm, họ sẽ tuyển dụng như thế nào chứ? Cho dù tuyển dụng thì họ sẽ chọn người đảm nhận được nhiều vai trò. Lứa sinh viên chúng tôi bị nhốt trong trường suốt 3 năm, lấy đâu ra kinh nghiệm làm việc?”, Xu chia sẻ.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/sinh-vien-giay-trang-trung-quoc-kho-tim-viec-201280.html