Sinh viên giỏi Trường Đại học Bách khoa giành học bổng tiến sĩ toàn phần của trường top 15 thế giới
Lê Minh Triết, 22 tuổi tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ thuật Hàng không tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM, Minh Triết vừa giành học bổng toàn phần chương trình tiến sĩ tại Đại học Công nghệ Nangyang (Singapore), ngôi trường theo xếp hạng đại học QS 2025, NTU đứng thứ 4 châu Á và 15 thế giới.
Theo chia sẻ, Minh Triết là một trong hai thực tập sinh đầu tiên ở Việt Nam của Boeing, chuyển hướng theo ngành Kỹ thuật xây dựng. Triết cho hay, bản thân nhận thấy có nhiều kiến thức trong hàng không có thể ứng dụng vào kỹ thuật xây dựng, đặc biệt là trong kết cấu, điều khiển tự động.
Từ đó, Triết muốn kết hợp kiến thức từ cả hai lĩnh vực để đóng góp vào việc phát triển các công trình xây dựng trong tương lai, mở ra nhiều cơ hội sáng tạo trong kỹ thuật.
Việc chuyển ngành học cũng khiến nam sinh gặp phải khó khăn trong thời gian đầu. Minh Triết cho biết ban đầu yêu cầu viết 1 research proposal (đề xuất nghiên cứu) nên anh chàng phải dành nhiều thời gian tìm hiểu về kiến thức/lĩnh vực chuyên môn. Tuy nhiên sau đó, Triết nhận thấy các giáo sư không đặt nặng vấn đề kiến thức mà tập trung vào khả năng nghiên cứu và học thuật.
Học bổng Đại học Công nghệ Nangyang (Singapore) mà Triết nhận được trị giá 7 tỷ đồng. Ngày nhận tin đỗ, Minh Triết vỡ òa trong hạnh phúc, bên cạnh niềm vui là sự tự hào vì nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ từ mọi người, bạn bè, thầy cô. Bên cạnh đó, Triết tự nhủ cần cố gắng nhiều hơn để chuẩn bị cho hành trình dài.
Nhắc đến ước mơ du học, Triết kể: “Từ năm đầu đại học khi bắt đầu tiếp xúc sâu hơn với học thuật, nghiên cứu khoa học, tìm tòi nghiên cứu về nhiều vấn đề trong cuộc sống mình đã nung nấu ý định du học.”
Nguồn động lực thúc đẩy Triết hiện thực hóa mong ước này là mong có cơ hội tiếp cận với môi trường học tập tốt, làm việc với các giáo sư, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kỹ thuật và bạn bè có cùng ý chí cầu tiến để phát triển bản thân.
Triết cho biết đã phải trải qua 3 vòng gồm: Nộp hồ sơ qua trang web của trường (CV, English test score, research proposal, Letter of Recommendation); Vòng phỏng vấn kiến thức chuyên môn về các nghiên cứu khoa học đã làm; Vòng phỏng vấn với các giáo sư và HR (5 người) về đề xuất nghiên cứu và đam mê học thuật.
Ở vòng hồ sơ, Triết tập trung vào khả năng nghiên cứu. Nam sinh tranh thủ buổi tối viết về việc sử dụng các cánh tay robot và in 3D để xây dựng những công trình bê tông lớn một cách bền vững và thân thiện với môi trường. Thay vì dựa vào xi măng truyền thống, vốn là nguồn phát thải CO2 lớn trong ngành xây dựng, nghiên cứu tập trung phát triển và ứng dụng các loại bê tông phát thải thấp.
Đề xuất được Triết viết trong một tuần, với nhiều lần chỉnh sửa nhằm mục đích giảm thời gian thi công, tối ưu hóa chi phí và đóng góp tích cực vào bảo vệ môi trường.
Vào tháng 9, nam sinh được gọi vào vòng phỏng vấn online đầu tiên với hai giáo sư chuyên ngành Xây dựng. Cuộc phỏng vấn 60 phút xoay quanh kinh nghiệm nghiên cứu, các dự án đã làm và cách xử lý tình huống. Vòng thứ hai ngắn hơn, chỉ 15-20 phút nhưng giám khảo gồm 5 người, tập trung vào đề xuất nghiên cứu và lý do nam sinh muốn làm tiến sĩ ở NTU.
Vòng này đặc biệt hơn khi hội đồng phỏng vấn gồm giáo sư đến từ nhiều chuyên ngành. Việc giải thích kinh nghiệm cùng đam mê nghiên cứu theo cách đơn giản nhất, sao cho họ hiểu được và thích thú rất quan trọng.
Triết cho rằng ngoài tấm bằng đại học loại Giỏi tại trường Đại học Bách Khoa, kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, viết báo khoa học và thuyết trình tại hội nghị khoa học quốc tế (SAWAE 2024) và đạt được “Best Presentation”, cộng thêm kinh nghiệm thực tập tại Boeing tại Việt Nam và California - Mỹ chính là điều giúp hồ sơ của Minh Triết thuyết phục được người chấm.
Trong quá trình xin học bổng, do thời gian nộp hồ sơ khá sát nên Triết buộc phải viết luận trong thời gian ngắn. Điều này đòi hỏi sự tập trung nghiên cứu và tìm hiểu kỹ để viết được một bài luận chất lượng.
Ngoài ra, việc nộp học bổng trái ngành khiến nam sinh áp lực. “Mình sợ trường và giáo sư sẽ nhìn vào background không phù hợp. Mình cũng loay hoay tìm cách để thể hiện đam mê của mình trong việc nghiên cứu và trình bày cho các giáo sư hiểu topic của mình”, Triết nói.
Chia sẻ về dự định sau khi nghiên cứu, Triết cho biết sẽ tìm công việc phù hợp với chuyên ngành đã nghiên cứu ở Việt Nam để đóng góp cho thị trường nghiên cứu quê hương và khuyến khích việc bảo vệ môi trường trong lĩnh vực này.
Nhắn nhủ đến các bạn sinh viên có chung đam mê, Triết khẳng định cần xác định rõ mục tiêu và đam mê của bản thân, chuẩn bị tốt điểm GPA / Ngoại ngữ, xem xét trước các điều kiện của trường và chuẩn bị thật kĩ, chủ động tìm kiếm thông tin học bổng qua các nền tảng khác nhau và phải luôn luôn tìm kiếm cơ hội nghiên cứu.
Ảnh: NVCC