Sinh viên học nghề chuyển giao từ Úc có tương lai rộng mở
Đã có 477 sinh viên tốt nghiệp có việc làm, trong đó 40 em đã đi làm việc ở nước ngoài, 214 em làm việc trong các công ty liên doanh với nước ngoài hoặc 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, 19 sinh viên tự khởi nghiệp bằng các công việc như mở công ty riêng
Qua hơn 2 năm thực hiện đào tạo thí điểm 12 nghề chất lượng cao cấp độ quốc tế theo chương trình chuyển giao từ Úc, đến nay đã có 41 lớp của 12 nghề đào tạo thí điểm hoàn thành chương trình đào tạo với tổng số 724 sinh viên tốt nghiệp đạt tỷ lệ 100%. Sinh viên được cấp bằng cao đẳng của Học viện Chisholm và bằng cao đẳng của Việt Nam.
Nhằm đánh giá công tác đào tạo thí điểm theo các bộ chương trình chuyển giao, vừa qua, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã tổ chức "Hội nghị tổng kết, đánh giá chương trình đào tạo thí điểm 12 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế theo chương trình chuyển giao từ Úc".
Đánh giá công tác tổ chức đào tạo, thí điểm theo chương trình chuyển giao từ Úc sau khi kết thúc chương trình, ông Vũ Xuân Hùng – Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy cho biết, các bộ chương tình chuyển giao đã được xây dựng theo quy trình tiên tiến của Úc và được Hội đồng ngành của Úc công nhận. 12 bộ chương trình này sẽ là 12 bộ chương trình chất lượng cao cấp độ quốc tế đầu tiên của Việt Nam theo phương thức chuyển giao, đã được kiểm nghiệm trong thực tế qua việc đào tạo thí điểm và sẽ tiếp tục được đưa vào triển khai tổ chức đào tạo trong hệ thống GDNN.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo của các các trường tham gia thí điểm đào tạo được tăng cường, đồng bộ, hiện đại, bảo đảm đáp ứng theo quy định của Học viện Chisholm và Chính phủ Úc. Gần 300 nhà giáo được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ tại Úc, có năng lực chuyên môn nghề nghiệp tốt, năng lực ngoại nhữ được nâng cao, đủ điều kiện giảng dạy các chương trình chất lượng cao, trong môi trường quốc tế.
Người học tốt nghiệp các chương trình đào tạo thí điểm ngoài việc có kỹ năng nghề nghiệp được quốc tế công nhận còn có năng lực tiếng Anh thấp nhất đạt trình độ B1 trở lên đến B2 theo Khung năng lực ngoại ngữ chung châu Âu, đủ điều kiện tham gia thị trường lao động trong khu vực ASEAN và quốc tế.
Ông Vũ Xuân Hùng cho biết, chỉ trong thời gian ngắn, đã có 477/724 sinh viên tốt nghiệp có việc làm, trong đó 40 em đã đi làm việc hoặc đang hoàn thiện thủ tục để đi làm việc ở các nước ngoài (Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Nhật, Hàn Quốc…); 214 em làm việc trong các công ty liên doanh với nước ngoài hoặc 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam. 19 sinh viên tự khởi nghiệp bằng các công việc như mở công ty riêng về các nghề kỹ thuật, dịch vụ hoặc lập trang trại ứng dụng công nghệ, mở nhà hàng hoặc dịch vụ homestay đối với các nghề về du lịch, nhà hàng, công nghệ sinh học...Bên cạnh đó, 83/724 sinh viên có nhu cầu tiếp tục học nâng cao trình độ, trong đó có 30 em chờ đi học liên thông lên đại học ở trong nước,
Với vị trí việc làm tốt nên thu nhập cũng khá cao, dao động từ 15 đến 30 triệu đồng/tháng đối với các vị trí việc làm ở doanh nghiệp trong nước ở một số lĩnh vực du lịch (quản trị nhà hàng, hướng dẫn du lịch); cơ điện tử, công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm).
"Kết quả trên là một minh chứng khẳng định sự đúng đắn của việc chuyển giao các chương trình đào tạo từ nước ngoài, định hình nên một mô hình đào tạo mới về đạo tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong giai đoạn hiện nay của GDNN", ông Hùng nhấn mạnh.