Sinh viên Indonesia biểu tình đòi đuổi công nhân Trung Quốc
Sinh viên sống tại đảo Sulawesi - Indonesia tiếp tục biểu tình phản đối công nhân Trung Quốc vì cho rằng họ đã cướp việc làm của người bản địa.
Tờ South China Morning Post đưa tin các cuộc biểu tình bắt đầu từ hồi tháng 3. "Chúng tôi phản đối họ vì việc thuê công nhân không được thực hiện qua Kế hoạch Sử dụng Lao động nước ngoài do Bộ Nhân lực xác minh. Vì vậy, chúng tôi xem những công nhân nước ngoài này là bất hợp pháp" - trích lời anh Sulkarnain, người đứng đầu nhánh Kendari của Hiệp hội Sinh viên Hồi giáo tổ chức các vụ biểu tình.
Anh Sulkarnain cho biết những người biểu tình muốn chính phủ ngăn chặn công nhân Trung Quốc đến đảo Sulawesi và trục xuất những người đang làm việc tại đây. Trước đó, vào tối 14-7 (giờ địa phương), khoảng 100 sinh viên đã biểu tình ngoài sân bay Kendari và chặn những chiếc xe chạy ra ngoài để tìm công nhân Trung Quốc.
Theo lời anh Sulkarnain, có hơn 120 công nhân Trung Quốc đến hòn đảo này vào tối 14-7 và được cảnh sát, quân đội "vũ trang đầy đủ" đưa ra khỏi sân bay. Anh Sulkarnain khẳng định người biểu tình không có ý định làm bị thương những công nhân trên mà chỉ muốn họ rời khỏi Indonesia. "Chúng tôi sẽ lập kế hoạch tổ chức thêm nhiều cuộc biểu tình vào tuần sau" - anh này nói thêm.
Những công nhân này được thuê bởi công ty khai thác PT Virtue Dragon Nickel Industry (VDNI) và PT Obsidian Stainless Steel (OSS) để lắp đặt 33 thiết bị luyện kim của PT OSS.
Tờ Jakarta Post dẫn thông tin từ 2 công ty này cho biết họ cần thuê công nhân Trung Quốc vì thiếu lao động địa phương có đủ trình độ. Một khi các thiết bị này được lắp đặt xong, công ty này sẽ thuê 3.000 nhân viên địa phương. Dự kiến, các công nhân Trung Quốc sẽ ở Indonesia trong 6 tháng và về nước sau khi việc lắp đặt hoàn thành.
Trong một diễn biến khác, Bắc Kinh đã triệu tập đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad vào ngày 15-7 để phản đối Đạo luật Tự trị Hồng Kông do Tổng thống Donald Trump ban hành ngày 14-7 và việc Mỹ chấm dứt tình trạng thương mại đặc biệt của đặc khu này.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zheng Zeguang kêu gọi đại sứ Bransta "sửa chữa sai lầm", đình chỉ các điều khoản của đạo luật và việc thay đổi tình trạng của Hồng Kông.
Theo tờ Nhân dân Nhật báo, ông Zheng mô tả hành động của Mỹ là "sự can thiệp nghiêm trọng" vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố các động thái trên là nỗ lực của Mỹ để bãi bỏ luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh vừa áp dụng vào Hồng Kông. Ông Zheng khẳng định hành động trừng phạt các công ty và cá nhân Trung Quốc của Mỹ "vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và những nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc tế" và có thể bị Trung Quốc trả đũa.
Đạo luật Tự trị Hồng Kông được ông Trump ký ban hành hôm 14-7 có nội dung áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào các quan chức cũng như ngân hàng Trung Quốc liên quan đến luật an ninh quốc gia nói trên. Washington sẽ phong tỏa tài sản tại Mỹ của bất kỳ cá nhân nào bị cho là "chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa trong những hành vi hoặc chính sách làm suy yếu tiến trình hoặc thể chế dân chủ ở Hồng Kông".