Sinh viên không nên khởi nghiệp khi chưa đủ điều kiện
'Thương trường là chiến trường', kinh doanh cần chiến lược, không thể chỉ dựa vào sự liều lĩnh. Một doanh nghiệp hoạt động cần chiến lược về nhân sự, vốn, marketing, quảng cáo và mạng lưới đầu ra, đầu vào cho sản phẩm… Khi hội đủ các yếu tố này, sinh viên mới nên khởi nghiệp vì tỷ lệ thất bại rất cao.
Một đất nước muốn trở nên hùng mạnh về kinh tế thì phải có những công ty mạnh về kinh tế. Để có những công ty mạnh về kinh tế, cần có những con người thực hiện các chiến lược đó. Như vậy, trường đại học sẽ góp phần tạo nên một thế hệ doanh nhân mới, vững vàng về kiến thức và chuyên môn, mang trong mình khao khát, nhận lấy sứ mệnh xây dựng một nền kinh tế hùng mạnh trong tương lai. Do đó, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên cần được gieo vào tâm thức tinh thần khởi nghiệp, tinh thần doanh chủ, tự quản trị cuộc đời. Đó là lý do tại sao các trường đại học tại Việt Nam hiện nay nên theo đuổi xu thế đại học khởi nghiệp (ĐHKN) đổi mới sáng tạo (ĐMST).
Chú trọng hoạt động khởi nghiệp ĐMST nhưng kết quả chưa đạt như kỳ vọng
Khái niệm ĐMST nên hiểu rộng ra, không chỉ là những phát minh sáng chế hoàn toàn mới, mà còn là cải tiến quy trình làm việc sao cho hiệu quả và năng suất hơn. Trường đại học cần định hướng người học và tạo ra những học phần giúp sinh viên phát huy tính sáng tạo.
Cụ thể, Trường Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF) đã chú trọng hoạt động khởi nghiệp cho sinh viên nhiều năm qua. Trong chương trình đào tạo ngành Quản trị kinh doanh có chuyên ngành Quản trị khởi nghiệp, trong đó có môn Đào tạo khởi nghiệp, trang bị kiến thức và kỹ năng quản trị doanh nghiệp cho sinh viên. Bên cạnh đó, UEF còn đưa vào chương trình môn học Project design (Thiết kế dự án), được chuyển giao từ Trường Đại học Kanazawa (Nhật Bản), giúp sinh viên phát triển tư duy ĐMST và cải tiến không ngừng. Như vậy, UEF đang đi theo định hướng đại học ĐMST và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên.
Hiện, Trường cũng có Trung tâm hợp tác doanh nghiệp (DN) và đang mở rộng thêm chức năng hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp. Trường cũng tổ chức cuộc thi khởi nghiệp thường niên, đến nay đã được 7 năm. Một số dự án khởi nghiệp cũng đạt thành công nhất định, điển hình như sinh viên Nguyễn Phúc Sang, từng đạt giải nhất cuộc thi khởi nghiệp năm 2017 với sản phẩm nón làm từ xơ dừa. Hiện, Phúc Sang đã mở công ty xuất nhập khẩu kinh doanh nón xơ dừa cho các công ty du lịch.
Tuy nhiên, nhìn chung, tỷ lệ thành công từ các dự án khởi nghiệp của sinh viên chưa cao và chưa đạt được như mong đợi dù Trường đã nỗ lực trong công tác gọi vốn. Đa phần các vườn ươm và nhà đầu tư mạo hiểm sẵn sàng hỗ trợ tư vấn và đào tạo nhiều hơn là đầu tư vốn vì mức độ rủi ro quá cao. Các nhà đầu tư thường chỉ “rót vốn” vào những dự án đã triển khai thực tế và có lợi nhuận. Trong khi sinh viên dù có ý tưởng hay nhưng chưa vận hành dự án được trong thực tiễn, chưa chứng minh được khả năng sinh lợi cao và hiệu quả.
Thách thức của sinh viên khởi nghiệp
Một dự án khởi nghiệp muốn thành công cần nhiều yếu tố. Trước hết, sản phẩm và dịch vụ phải độc đáo, sáng tạo và khác biệt so với các đối thủ trên thị trường. Thứ hai, phải có một đội ngũ nhân sự giỏi chuyên môn để vận hành, quản lý dự án và những mối quan hệ cần thiết để giúp DN tồn tại, phát triển. Thị trường, hệ thống kênh phân phối và khách hàng cũng là một yếu tố cần lưu ý. Sản phẩm của một DN nếu không có đầu ra ổn định, rủi ro sẽ rất cao.
Trong khi đó, một sinh viên mới ra trường khó hội đủ các điều kiện này. Các bạn cần thời gian tích lũy, khi đủ điều kiện thì khởi nghiệp mới thành công. Do đó, vai trò của trường đại học là cần gieo cho sinh viên tinh thần làm chủ, tinh thần doanh chủ, để khi đủ điều kiện, các bạn sẽ thành lập DN. Cũng không nên quá thúc đẩy việc khởi nghiệp khi còn ngồi trên ghế nhà trường vì các sinh viên còn thiếu nhiều điều kiện, yếu tố, làm tăng rủi ro. Kinh doanh cần chiến lược về nhân sự, vốn, marketing, quảng cáo và mạng lưới đầu ra, đầu vào cho sản phẩm… không thể chỉ dựa vào sự liều lĩnh. Nếu cứ “lao” vào, các sinh viên sẽ vướng nhiều hệ lụy như khủng hoảng tài chính, nợ xấu…
Trong giai đoạn đầu, các dự án khởi nghiệp của sinh viên rất cần những nhà đầu tư thiên thần hoặc các quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ. Nhưng thực tế, nhiều nhà đầu tư yêu cầu chia tỷ lệ lợi nhuận không công bằng, hoặc muốn kiểm soát toàn bộ dự án. Do vậy, nhiều sinh viên từ chối hợp tác, dẫn đến việc dự án bị đình trệ và không thể triển khai. Để giải quyết vấn đề này, cần có một hệ thống hỗ trợ để khai thông khó khăn và giúp sinh viên hiện thực hóa dự án của mình. Bên cạnh đó, các sinh viên cũng cần nhìn nhận năng lực và vị trí thật sự của dự án để có thể đưa ra những đề xuất và hợp tác với các nhà đầu tư một cách hợp lý.
Các trường đại học cần xây dựng chiến lược trở thành đại học khởi nghiệp
Để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và ĐMST của sinh viên có hiệu quả và hướng tới hình thành các DN khởi nghiệp thành công, trường đại học và các khoa chuyên ngành nên mời những cựu sinh viên hoặc cá nhân xuất sắc đã khởi nghiệp thành công về chia sẻ, truyền cảm hứng cho sinh viên. Các trường cũng nên tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp hằng năm. Thực tế, sân chơi này ở UEF rất hiệu quả, từ đó, nhiều sinh viên đã khởi nghiệp và thành công. Có những dự án vượt ra khỏi phạm vi quốc gia, đạt giải cao tại các cuộc thi khởi nghiệp nước ngoài.
Song song đó, các trường cần phải có những chương trình đào tạo theo định hướng ĐMST và khởi nghiệp, giúp người học phát huy tư duy sáng tạo và đổi mới. Đặc biệt, phải có những học phần khơi gợi tinh thần doanh chủ cho sinh viên. Ngoài ra, nhà trường cần thành lập các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp hoặc xây dựng các vườn ươm để ươm mầm cho những ý tưởng của sinh viên, giúp các dự án có thể triển khai trong thực tế. Tất nhiên, đây phải là một nỗ lực rất lớn. Quan trọng nhất là Hội đồng trường và Ban giám hiệu phải thấy được sự cần thiết này để xây dựng chiến lược và hướng đi trở thành ĐHKN ĐMST.
(*) Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM
(Lê Hạnh lược ghi)