Sinh viên khuyết tật giàu nghị lực

Tình cờ và thật sự cảm động khi xem một clip được đăng tải trên trang mạng xã hội của người bạn đang công tác tại Trường Đại học Trà Vinh. Đây là một clip chia sẻ về một sinh viên hoàn cảnh gia đình khó khăn, bản thân bị khuyết tật, nhưng giàu nghị lực, luôn muốn vượt lên số phận.

Quế Trân và mẹ bên góc học tập tại nhà.

Quế Trân và mẹ bên góc học tập tại nhà.

Tạm kìm nén cảm xúc, chúng tôi quyết định tìm đến nhà cô sinh viên đáng mến này trong một buổi chiều đầy nắng của những ngày cuối tháng Tư. Nằm trong con hẻm thuộc ấp Kỳ La, xã Hòa Thuận, huyện Châu Thành là một căn nhà nhỏ, đơn sơ và gần như không có vật dụng gì đáng giá. Thế nhưng, chất chứa trong mái ấm còn nhiều thiếu thốn ấy là 04 thành viên luôn biết vươn lên từ nghịch cảnh của cuộc sống.

Vâng! Đó chính là “Tổ ấm” của gia đình anh Sơn Thái Lập và chị Kim Thị Mỹ Linh.

Mời chúng tôi ly nước mát, anh Lập, chị Linh bắt đầu chia sẻ về gia đình mình. Chị Linh cho biết, gia đình cha mẹ 02 bên đều khó khăn, về chung sống với nhau được một thời gian, đến giữa năm 2006, anh chị sinh được đứa con đầu lòng và đặt tên Sơn Thị Quế Trân.

Khi mới sinh, Quế Trân không có dấu hiệu gì khác biệt so với những đứa trẻ sơ sinh khác. Tuy nhiên, đến hơn 01 tuổi, Quế Trân vẫn chưa biết đi. Qua theo dõi, anh Lập, chị Linh bắt đầu phát hiện những dấu hiệu bất thường từ đôi chân con gái. Hình ảnh đôi bàn chân Quế Trân không ngay ngắn, mà lật qua một bên, chính là những phát hiện đầu tiên nghi vấn con bị bệnh.

Theo lời khuyên của gia đình và những người hàng xóm, 02 vợ chồng anh Lập, chị Linh đưa con đi kiểm tra, thì phát hiện Quế Trân bị tật. Trải qua thời gian dài tập vật lý trị liệu kết hợp 01 lần phẫu thuật, nhưng chỉ giúp Quế Trân cải thiện một phần bệnh tật. Đôi chân em ngày càng co rút, khiến Quế Trân không tự vận động được bằng chính khả năng của mình, mà phải nhờ vào người thân hoặc di chuyển bằng xe lăn.

Khuyết tật từ nhỏ, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn, khi cha mẹ chỉ mưu sinh bằng nghề mua bán rau cải bên vệ đường chợ Trà Vinh. Thế nhưng, Quế Trân luôn có một nghị lực phi thường khi lần lượt vượt qua 12 năm học phổ thông với thành tích được xếp từ khá đến giỏi. Đặc biệt, để đến trường trong suốt thời gian qua, hàng ngày Quế Trân phải nhờ cha chở trên chiếc xe máy cũ và đích thân anh Lập ẵm con từ sân trường đến lớp học ngày hai lượt đi về.

Hiện tại, Quế Trân là sinh viên năm nhất lớp Đại học Kế toán khóa 2024 - 2028 Trường Đại học Trà Vinh. Vẫn di chuyển bằng “đôi chân của cha” như 12 năm học phổ thông, nhưng giờ Quế Trân có thêm nhiều bạn mới ở bậc đại học. Hình ảnh cô sinh viên nhỏ nhắn và gần như chỉ ngồi 01 chỗ từ đầu giờ đến hết buổi học, nhưng lại là tấm gương sáng để hơn 50 sinh viên lớp Đại học Kế toán, khóa 2024 - 2028 cũng như khiến hàng chục ngàn sinh viên đang theo học tại Trường Đại học Trà Vinh phải soi lại mình.

Quế Trân chia sẻ: khi bước vào cánh cửa Trường Đại học Trà Vinh, nỗi lo lớn nhất là về học phí, nhưng được thông tin em là đối tượng được miễn học phí 100%. Đây là niềm vui và cũng là động lực để em tiếp tục theo đổi việc học tập. Bên cạnh em còn đứa em trai đang học lớp 9, nhưng nguồn thu nhập của gia đình chỉ nhờ vào việc mua bán nhỏ của mẹ. Nhưng mẹ lại thường xuyên đau bệnh, mẹ phải cố gắng nén cơn đau để kiếm thu nhập lo cho cả nhà. Em chỉ mong sau em của em không bỏ học giữa chừng, để sau này có thể nuôi cha mẹ và cũng có khi nuôi cả em. Riêng bản thân em sẽ tiếp tục phấn đấu học tập thật tốt để sau này trở thành người có ích, có thể có nguồn thu nhập tương đối để tự lo cho bản thân mình, không còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội”.

Nhận xét về sinh viên Sơn Thị Quế Trân, Thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Ân, giảng viên Khoa Kế toán, Trường Đại học Trà Vinh cho biết, đây là sinh viên hoàn cảnh gia đình khó khăn, cơ thể bị khiếm khuyết, nhưng em luôn có tinh thần lạc quan, tự tin. Hàng ngày lên lớp các giảng viên đều thấy Quế Trân luôn hòa đồng với các bạn, lễ phép với thầy cô. Trong quá trình học, Quế Trân rất chăm chỉ. Đặc biệt, em có một ước mơ rất đơn giãn như bao người khác, đó là muốn làm việc, muốn làm cái gì đó có ích cho gia đình và xã hội.

Chúng tôi tin tưởng rằng, dù khuyết tật đôi chân em không tự đi lại được, nhưng Quế Trân có kiến thức, có trí tuệ và có đôi bàn tay để em làm được. Đều đó khiến chúng ta nễ phục em và hy vọng ước mơ của em sẽ thành hiện thực.

Bài, ảnh: LÂM THY

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/giao-duc/sinh-vien-khuyet-tat-giau-nghi-luc-45715.html