Sinh viên kiện Đại học New York với cáo buộc bài trừ Do Thái
Hôm thứ Ba, ĐH New York bị 3 sinh viên người Do Thái kiện với cáo buộc đã đặt ra môi trường thù địch. Sinh viên Do Thái bị phân biệt đối xử, quấy rối và đe dọa.
Bella Ingber, Sabrina Maslavi và Saul Tawil cho biết, Đại học New York (NYU) đã từ chối thực hiện các chính sách chống phân biệt đối xử mà trường này “sẵn sàng áp dụng” cho các cá nhân bị thù ghét khác, cho phép hô hào khẩu hiệu như “tàn sát Do Thái” và “Hitler đã đúng”.
Trong một đơn kiện gửi lên tòa án liên bang tại Manhattan, nguyên đơn gồm các sinh viên năm nhất đã khẳng định, sự bài trừ Do Thái đã trở thành “vấn đề từ trong tổ chức ngày càng lớn” tại NYU ngay cả trước khi cuộc chiến Israel-Hamas nổ ra trong tháng vừa rồi và tình hình trở nên tồi tệ hơn từ thời điểm đó.
Họ cũng cho biết, những phàn nàn của sinh viên Do Thái “bị tảng lờ, trì hoãn hoặc bị chối bỏ” bởi ban điều hành NYU bao gồm bà Linda Mills, người đã trở thành Giám đốc trường đại học này trong tháng 7 vừa rồi.
Theo đơn kiện, trong tháng này, bà Mills đã bác bỏ một kiến nghị từ 4.000 sinh viên NYU với nội dung về các lo ngại xung quanh tình hình bài trừ Do Thái và khẳng định tình hình “đang bị thổi phồng”, nhận xét các sinh viên Do Thái là “nhạy cảm thái quá”.
Các nhóm ủng hộ Israel và ủng hộ Palestine đã càng trở nên căng thẳng hơn tại nhiều khuôn viên các trường đại học kể từ khi Hamas tấn công Israel vào ngày 7 tháng 10.
John Beckman, phát ngôn viên của NYU, khẳng định, trường cân nhắc vấn đề bài trừ Do Thái và các quan điểm thù hằn sắc tộc khác một cách “vô cùng nghiêm túc” và là một trong những trường đại học đầu tiên lên án cuộc tấn công của Hamas.
“NYU mong muốn đính chính rõ tình hình, chống lại quan điểm một chiều của vụ kiện này, làm rõ các nỗ lực mà NYU đã thực hiện nhằm chống lại bài trừ Do Thái, cung cấp môi trường an toàn cho các sinh viên Do Thái cũng như sắc tộc khác và chiến thắng trên tòa án”.
Cử chỉ “cắt cổ”
Vụ kiện đưa ra trong ngày thứ Ba đã cáo buộc NYU vi phạm luật dân quyền liên bang và phá vỡ trách nhiệm cung cấp môi trường giáo dục mà bên nguyên đơn đã kỳ vọng.
Đơn kiện yêu cầu NYU sa thải một số nhân viên, đình chỉ hoặc cho thôi học một số sinh viên có hành vi bài trừ Do Thái, bị phạt hành chính và bồi thường tổn hại.
NYU khẳng định, đang phục vụ hơn 65.000 sinh viên tại 20 trường học và “đánh giá nghiêm túc vai trò động cơ thúc đẩy xã hội của mình”.
Tuy nhiên, theo đơn kiện, các hành vi bài trừ Do Thái đã thấm sâu vào trường đại học nơi Ingber và Tawil nhập học vào năm 2021 và Maslavi nhập học hai tháng trước.
Trong một vụ việc, Ingber và Maslavi cho biết, trong khi tham gia một buổi tưởng niệm ngày 17 tháng 10 cho các nạn nhân tại Israel, họ đã thấy một số giảng viên và sinh viên là thành viên của nhóm ủng hộ Palestine đang đốt cờ Israel, đưa ra cử chỉ “cắt cổ” về phía các sinh viên Do Thái cũng như hô hào các từ ngữ phân biệt chủng tộc.
Tawil cho biết đã bị lảng tránh khi anh yêu cầu trợ giúp sau khi bị quấy rối trên phố sau buổi tưởng niệm này. Một nhân viên an ninh của khuôn viên khẳng định, các biện pháp an ninh đã được tăng cường theo sau hàng loạt các vụ bạo lực chống người châu Á xảy ra vào năm 2021 và 2022.
Marc Kasowitz, luật sư của nguyên đơn, cho biết: “Thái độ cố tình thờ ơ của NYU về những hoàn cảnh phải đối mặt với sự bài trừ Do Thái của sinh viên là vô cùng đáng lên án”.
Nguyễn Quang Minh (theo Reuters)