Sinh viên miền Tây biến phế phẩm nông nghiệp thành sản phẩm thời trang

Trong khi hàng tấn vỏ xoài và vỏ bắp bị vứt bỏ sau mỗi vụ mùa, hai nhóm sinh viên tại Vĩnh Long và TP Cần Thơ đã tìm ra cách biến chúng thành sản phẩm thời trang cao cấp.

Nhóm sinh viên Trường ĐH Trà Vinh (tỉnh Vĩnh Long) gồm Nguyễn Thị Thanh Vân (trưởng nhóm), Nguyễn Viết Khánh Hưng, Nguyễn Nhật Minh, Nguyễn Thanh Hạnh Nguyên và Nguyễn Thanh Nguyên đã khiến nhiều người bất ngờ với dự án “S2M - Da từ vỏ xoài”.

“Thay vì để vỏ xoài thành phân bón hoặc thức ăn gia súc như trước, chúng tôi đã tìm ra cách biến chúng thành chất liệu da hoàn toàn mới”, Vân chia sẻ. Kể từ tháng 3/2024, nhóm đã nghiên cứu công nghệ tái sinh vỏ xoài thành da thuộc. Quy trình sản xuất được thực hiện qua các bước: Thu gom và làm sạch vỏ xoài, xay nhuyễn và phối trộn tạo độ kết dính, cuối cùng là cán hỗn hợp và tráng lớp nhựa sinh học để tạo ra tấm da kích cỡ A4 hoặc A5. Cần 8-10kg vỏ xoài mới tạo ra được một miếng da sinh học.

Nhóm sinh viên Trường đại học Trà Vinh tham gia ngày hội khởi nghiệp với dự án “S2M – Da từ vỏ xoài”.

Nhóm sinh viên Trường đại học Trà Vinh tham gia ngày hội khởi nghiệp với dự án “S2M – Da từ vỏ xoài”.

Sản phẩm cuối cùng có chất lượng tương đương da truyền thống, đáp ứng yêu cầu về độ bền và tính thẩm mỹ. Từ nguyên liệu này, nhóm đã sản xuất ví, túi xách, móc khóa, thắt lưng và các sản phẩm nghệ thuật truyền thống.

Trong khi đó, với thông điệp “bền bỉ từ thiên nhiên, khéo léo từ bàn tay”, nhóm sinh viên Trường ĐH FPT, phân hiệu Cần Thơ gồm: Đặng Thị Tuyết Nghi, Trần Thị Minh Thư, Phan Hồng Khuyến, Lê Hữu Thắng và Phạm Thị Quỳnh Như đã ra mắt dự án BaLaBin.

“Điểm độc đáo của BaLaBin là hồi sinh vỏ bắp - loại phế phẩm thường bị đốt sau mỗi vụ mùa thành sản phẩm thủ công mang giá trị thẩm mỹ và văn hóa”, chị Quỳnh Như giải thích.

Quy trình sản xuất của BaLaBin bao gồm: Thu gom vỏ bắp từ nông hộ, làm sạch và chống mốc bằng phương pháp tự nhiên, thiết kế tạo hình (thủ công hoặc theo khuôn) và hoàn thiện sản phẩm. Các sản phẩm từ vỏ bắp có giá từ 80.000-200.000 đồng, thời hạn sử dụng 6 tháng, bao gồm túi xách, tấm lót ly, tấm lót bình hoa, túi đựng bình nước và túi giấy. Dự án BaLaBin đã hoàn thiện dòng sản phẩm mẫu và triển khai thử nghiệm tại các hội chợ TP Cần Thơ và nhà cổ Bình Thủy. Theo Nghi, giai đoạn tiếp theo sẽ tập trung mở rộng vùng nguyên liệu, đầu tư cơ sở sản xuất tập trung và phát triển thương hiệu gắn với giáo dục môi trường cộng đồng.

Hai dự án này không chỉ chứng minh khả năng sáng tạo của sinh viên Việt Nam mà còn mở ra hướng phát triển bền vững cho ngành thời trang, biến những gì được coi là “rác thải” thành nguồn tài nguyên quý giá.

Văn Vĩnh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/sinh-vien-mien-tay-bien-phe-pham-nong-nghiep-thanh-san-pham-thoi-trang-i773860/