Trong cơ sở thử nghiệm khổng lồ của không quân Mỹ

Công nghệ quân sự thường tiến bộ nhanh hơn bất cứ loại công nghệ nào khác, với máy móc cùng cơ sở mới đem lại nhiều bất ngờ.

Vào cuối những năm 80, một trong số tiến bộ đáng chú ý là cơ sở không phản xạ Benefield (BAF) nằm ẩn sâu tại căn cứ không quân Edwards trên địa bàn bang California. Cơ sở được hoàn thành năm 1989, dài 81 mét, rộng 76 mét và cao 21 mét – đủ lớn để chứa máy bay lẫn vệ tinh thử nghiệm. Tường quanh cơ sở đều lót vật liệu hấp thụ tín hiệu radar giúp ngăn chặn mọi đợt tấn công gây nhiễu. Đây là nơi hoàn hảo cho các cuộc thử nghiệm nhạy cảm.

Một chiếc Boeing KC-46 Pegasus được đưa vào BAF - Ảnh: Christopher Okula/U.S Air Force

Một chiếc Boeing KC-46 Pegasus được đưa vào BAF - Ảnh: Christopher Okula/U.S Air Force

Bên trong BAF

Mục đích chính của BAF tuy đơn giản mà quan trọng: thử nghiệm và hoàn thiện các hệ thống hàng không vũ trụ ở điều kiện cô lập điện từ hoàn toàn. Đội ngũ kỹ sư sử dụng loạt điều kiện được kiểm soát bên trong cơ sở để chạy thử công nghệ tàng hình, kiểm tra tín hiệu radar hoặc tinh chỉnh hệ thống liên lạc. Tất cả giúp giảm thiểu nguy cơ xảy ra sự cố lúc khí tài hoạt động thực tế, đảm bảo hoạt động quân sự an toàn và đáng tin cậy.

Về cơ bản, BAF là dạng phòng thử nghiệm chuyên dụng hấp thụ hoàn toàn mọi âm thanh lẫn tín hiệu điện từ, chặn mọi phản xạ cùng tiếng vọng. Cơ sở như vậy không ngừng được nâng cấp đáp ứng bối cảnh công nghệ liên tục thay đổi. Một trong số cải tiến lớn nhất là bổ sung hệ thống bàn xoay khổng lồ cho phép đưa trang thiết bị cỡ lớn như máy bay hay vệ tinh vào thử nghiệm. Công cụ mới hỗ trợ đắc lực cho công tác đánh giá mức độ tác chiến điện tử của khí tài.

Sau 50 năm, nay thử nghiệm vệ tinh được đưa trở lại BAF - báo hiệu Mỹ bắt đầu chú trọng hoạt động ngoài không gian. Cơ sở thuộc số ít địa điểm trên thế giới có thể thử nghiệm vệ tinh và công nghệ vũ trụ khác trong môi trường kiểm soát nghiêm ngặt. Khả năng của BAF cùng cải tiến liên tục mà cơ sở nhận được góp phần củng cố vị thế dẫn đầu ở ngành công nghiệp quốc phòng và hàng không vũ trụ.

BAF còn là nơi thử nghiệm vệ tinh - Ảnh: Adam Bowles/U.S Air Force

BAF còn là nơi thử nghiệm vệ tinh - Ảnh: Adam Bowles/U.S Air Force

Chìa khóa duy trì vị thế dẫn đầu

BAF là một phần không thể thiếu nhằm đảm bảo công nghệ mà quân đội Mỹ sử dụng đủ sức đối phó mọi mối đe dọa. Các bài kiểm tra mối nguy hiểm của bức xạ điện từ đối với vũ khí (HERO) với loạt máy bay ném bom huyền thoại như B-1 Lancer hay B-52 Stratofortress là ví dụ tiêu biểu. Thử nghiệm cẩn thận giúp hệ thống điện tử và radar trang bị cho máy bay hoạt động hiệu quả khi tác chiến.

Ngày nay BAF không chỉ thử nghiệm máy bay mà còn đóng vai trò ngày càng quan trọng trong công tác thử nghiệm vệ tinh. Trước xu hướng quân sự hóa không gian, đóng góp của cơ sở này là vô cùng lớn.

Cẩm Bình

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/trong-co-so-thu-nghiem-khong-lo-cua-khong-quan-my-234592.html