Sinh viên ngành hóa học Mexico trước lời mời của 'quỷ dữ'
Để đáp ứng nhu cầu tự chủ và mở rộng sản xuất fentanyl, các băng đảng ma túy tại Mexico đang nhắm đến một nguồn nhân lực chất lượng cao: Các sinh viên ngành hóa học.
Vòi bạch tuộc vươn vào trường đại học
Kẻ tuyển dụng ma túy đã lẻn vào trường đại học cải trang thành người gác cổng và sau đó nhắm tới một sinh viên năm thứ hai chuyên ngành hóa học. Kẻ này tiếp cận “con mồi”, nói rằng một công ty đang tuyển nhân sự cho dự án lớn và hắn ta đã nghe nhiều điều tốt đẹp về người sinh viên này nên muốn giới thiệu chàng trai với nhà tuyển dụng.
“Chú em rất giỏi làm cái việc mình đang học”, chàng sinh viên nhớ lại lời kẻ tuyển dụng nói. “Chú nên quyết định sớm xem mình có hứng thú với công việc hấp dẫn này hay không”.
Đấy là một trong những kịch bản quen thuộc và đang diễn ra ngày một nhiều tại Mexico. Trong nỗ lực xây dựng đế chế fentanyl, các nhóm tội phạm ma túy ở đất nước này đang tìm đến một nhóm nhân tài khác thường: không phải sát thủ hay cảnh sát tham nhũng, mà là các sinh viên ngành hóa học giỏi tại các trường đại học Mexico.
Những người sản xuất fentanyl trong các phòng thí nghiệm của băng đảng, được gọi là “đầu bếp fentanyl”, tiết lộ với phóng viên của tờ New York Times rằng chúng cần những công nhân có kiến thức chuyên sâu về hóa học để giúp làm cho loại ma túy này mạnh hơn và “khiến nhiều người nghiện hơn”. Và, chúng còn có một mục tiêu tham vọng hơn: tổng hợp các hợp chất hóa học, được gọi là tiền chất, vốn rất cần thiết để sản xuất fentanyl, giúp chúng không phải nhập khẩu nguyên liệu thô từ châu Á.
Các quan chức Mỹ cho biết nếu thành công, đây sẽ là một giai đoạn mới đáng sợ trong cuộc khủng hoảng fentanyl, khi các băng đảng ma túy Mexico kiểm soát sâu rộng hơn bao giờ hết đối với một trong những loại ma túy nguy hiểm nhất trong lịch sử loài người. Khi các băng đảng ma túy kiểm soát được chuỗi cung ứng nguyên liệu cho fentanyl, lực lượng thực thi pháp luật ở cả hai nước sẽ càng khó ngăn chặn hoạt động sản xuất loại ma túy tổng hợp này ở quy mô công nghiệp tại Mexico.
Để tìm hiểu về vấn đề này, tờ New York Times đã phỏng vấn được 7 “đầu bếp fentanyl”, 3 sinh viên hóa học, hai nhân viên cấp cao và một nhà tuyển dụng cấp cao của băng đảng, với điều kiện họ được giấu tên. Tất cả đều làm việc cho Sinaloa Cartel, băng đảng ma túy hùng mạnh mà chính phủ Mỹ cho rằng chịu trách nhiệm chính về việc fentanyl tràn qua biên giới phía Nam nước này.
Lời kể của họ trùng khớp với những lời kể của các viên chức Đại sứ quán Mỹ theo dõi hoạt động của những băng đảng ma túy tại Mexico, bao gồm cả vai trò của sinh viên trong các hoạt động của cartel và trong quá trình sản xuất fentanyl. Những sinh viên cho biết họ có nhiều công việc khác nhau trong băng đảng. Đôi khi, họ tiến hành các thí nghiệm để tăng độ nặng cho ma túy hoặc tạo ra tiền chất. Những lần khác, họ nói, họ giám sát hoặc làm việc cùng với các “đầu bếp” và trợ lý sản xuất fentanyl với số lượng lớn.
Một giáo sư hóa học tại một trường đại học ở bang Sinaloa (Mexico) cho biết, ông biết rằng một số sinh viên đăng ký học các lớp hóa học chỉ để làm quen với các kỹ năng cần thiết để nấu ma túy tổng hợp. Vị giáo sư xác định được những sinh viên đó thông qua các câu hỏi và phản ứng của họ trong các bài giảng của ông, khi việc các băng đảng tuyển dụng sinh viên giờ đã là chuyện thường tình.
Ông nói: “Có khi tôi đang dạy họ cách tổng hợp thuốc dược phẩm, họ công khai hỏi tôi: “Thưa giáo sư, khi nào thì thầy sẽ dạy chúng em cách tổng hợp cocaine và những thứ khác?”.
Tham vọng tự chủ sản xuất fetanyl
Với mong muốn duy trì hợp tác về vấn đề di cư, chính quyền Mỹ thời gian qua đã tránh công khai thúc giục Mexico hành động nhiều hơn để truy quét các băng đảng. Nhưng Tổng thống đắc cử Donald Trump đã hứa sẽ có cách tiếp cận quyết liệt hơn, đe dọa triển khai quân đội Mỹ để chống lại các băng đảng tội phạm ma túy và tuyên bố sẽ áp mức thuế 25% đối với hàng hóa Mexico nếu nước này không ngăn chặn dòng ma túy và người di cư qua biên giới vào Mỹ.
Đáp lại mối đe dọa về thuế quan, Tổng thống mới của Mexico, bà Claudia Sheinbaum, cho biết, “sự hợp tác quốc tế” là cần thiết để ngăn chặn việc vận chuyển các tiền chất đến Mexico từ “các nước châu Á”. Mexico cũng phối hợp với Mỹ để ngăn chặn dòng chảy này.
Ông Todd Robinson, Trợ lý thư ký tại Cục Các vấn đề về ma túy và thực thi pháp luật quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, nói: “Các băng đảng ma túy biết rằng chúng tôi hiện đang tập trung vào hoạt động buôn bán bất hợp pháp các tiền chất hóa học này trên toàn thế giới”. Tuy nhiên, những nỗ lực đó đang thúc đẩy các băng đảng “đưa toàn bộ hoạt động sản xuất vào trong nước”, ông Robinson cho biết. “Và, hệ quả của việc đó là khả năng chuyển những loại ma túy sang Mỹ dễ dàng và nhanh chóng hơn”.
Dù vậy, không dễ để tự chủ hoàn toàn việc sản xuất fetanyl. Khi các băng đảng Mexico bắt đầu sản xuất hàng loạt fentanyl cách đây khoảng một thập kỷ, chúng dựa vào những “đầu bếp” ít học ở vùng nông thôn, những người có thể dễ dàng có được thứ mà những người trong ngành gọi là "công thức" để chế biến loại thuốc này.
So với methamphetamine - một loại ma túy đòi hỏi thiết bị tiên tiến và chuyên môn cao hơn để sản xuất ở quy mô lớn, fentanyl rất dễ sản xuất nếu có sẵn các tiền chất. “Tất cả có bốn bước - một “đầu bếp” lâu năm nói - trình bày quy trình với sự đơn giản có thể tìm thấy ở mặt sau của hộp hỗn hợp làm bánh. Bạn lắc nó lên, trộn nó, sấy khô nó, rửa nó bằng axeton”.
Nhưng mọi thứ trở nên phức tạp hơn trong những năm gần đây. Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu những loại hóa chất có thể được dùng làm tiền chất fentanyl, Mexico siết chặt nhập khẩu hóa chất và đại dịch COVID-19 đã làm tắc nghẽn chuỗi cung ứng khiến những thành phần này trở nên khó tìm hơn. Do đó các băng đảng quyết tự chủ về tiền chất để tránh phụ thuộc vào chuỗi cung ứng quốc tế.
Nhưng theo Giáo sư James DeFrancesco - nhà khoa học pháp y tại Đại học Loyola Chicago, người đã làm việc tại Cục Quản lý thực thi ma túy Hoa Kỳ (DEA) trong 18 năm, thì việc tổng hợp các tiền chất từ đầu là một quá trình cực kỳ khó khăn, đòi hỏi nhiều kỹ thuật và kỹ năng hóa học hơn hẳn.
Quá trình này cũng nguy hiểm. Các “đầu bếp” và sinh viên cho biết mặc dù đeo mặt nạ phòng độc và bộ đồ bảo hộ, họ vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro: tiếp xúc với chất kịch độc, những sự cố cháy nổ ngẫu nhiên, sai lầm khiến các ông chủ cực kỳ hung dữ của họ nổi giận.
Quy trình tuyển dụng tinh vi
Trước khi tiếp cận một tân binh, băng đảng sẽ trinh sát ứng viên tiềm năng. Ứng viên lý tưởng là người có cả kiến thức học thuật và sự nhạy bén trong thực tế, là người năng động, không nao núng trước ý tưởng sản xuất một loại ma túy gây chết người và trên hết là người kín đáo, một kẻ tuyển dụng cho biết.
Theo người này, sau nhiều tháng tìm kiếm, hắn ta đã tuyển được ba sinh viên hiện đang làm việc cho hắn ta để phát triển các tiền chất, sau khi đã “gạn lọc” nhiều người không đáp ứng được các tiêu chuẩn của hắn.
“Một số sinh viên khá lười biếng, một số không thông minh, một số lại nói quá nhiều. Những loại này đều không dùng được”, kẻ tuyển dụng, một gã đàn ông trung niên cao gầy đeo kính vuông, đã làm việc cho băng đảng Sinaloa trong 10 năm, cho biết. Hắn tự mô tả mình là người sửa chữa, tức là có sứ mệnh tập trung vào việc cải thiện chất lượng và sản lượng trong ngành kinh doanh fentanyl.
Để xác định những ứng viên tiềm năng, các băng đảng sẽ thực hiện một vòng tiếp cận với bạn bè, người quen và đồng nghiệp. Sau đó, nói chuyện với gia đình, bạn bè của mục tiêu, thậm chí cả những người chơi bóng đá cùng họ - tất cả nhằm để tìm hiểu xem họ có sẵn sàng làm loại công việc này hay không. Nếu kẻ tuyển dụng tìm thấy một người đặc biệt triển vọng, hắn ta có thể đề nghị chi trả học phí cho sinh viên.
Hoặc như chàng sinh viên 19 tuổi được nhắc đến ở đầu bài viết, lời đề nghị của kẻ tuyển dụng lại đánh trúng nỗi khổ tâm của cậu. Lớn lên tại một trong những vùng nghèo nhất của bang Sinaloa, sinh viên này cho biết cậu chọn học ngành hóa học vì cha mình bị ung thư và cậu muốn giúp tìm ra phương pháp chữa trị.
“Tôi muốn giúp đỡ mọi người, chứ không phải giết họ” - sinh viên giấu tên kể trên nói. Ý tưởng tạo ra một sản phẩm có thể dẫn đến cái chết hàng loạt khiến cậu phát ốm - nhưng phương pháp điều trị mà cha cậu cần lại quá sức chi trả đối với gia đình. Trong khi đó, kẻ tuyển dụng đề nghị trả trước cho cậu 800 USD cộng với mức lương hàng tháng là 800 USD - gấp đôi lương trung bình của một nhà hóa học tại Mexico. Chàng trai vì thế nói rằng cậu cần công việc này. Năm ngày sau, cậu bị các thành viên băng đảng bắt giữ, bịt mắt và đưa đến một phòng thí nghiệm bí mật ẩn trong núi.
Nói về việc nhắm đến các sinh viên hóa học xuất sắc, kẻ tuyển dụng giải thích: “Chúng tôi là một công ty. Và, bất cứ công ty nào cũng sẽ đầu tư vào những con người giỏi nhất của mình”. Gã cho biết thêm những sinh viên xuất sắc còn hữu ích ở một khía cạnh khác, đó là làm cho fentanyl trở nên mạnh hơn nữa.
Fentanyl xuất xứ từ Mexico thường có độ tinh khiết thấp, một vấn đề mà kẻ tuyển dụng giải thích với báo New York Times là nhằm kịp đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người nghiện tại Mỹ. “Có một sự bùng nổ nhu cầu lớn đến mức nhiều người chỉ muốn kiếm tiền, và những nhà sản xuất đó chỉ làm bất cứ thứ gì mà không quan tâm đến chất lượng”, hắn nói. “Nhưng trong một thị trường cạnh tranh, cartel có thể giành được nhiều khách hàng hơn bằng một loại thuốc mạnh hơn. Do đó, ‘chất xám’ của những sinh viên giỏi rất quan trọng với cartel”.