Sinh viên ngành y học 6 năm, ra trường nhận lương 5 triệu/tháng

Sinh viên đại học ngành y học 6 năm, chi phí gần 200 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, khi ra trường đi làm thì nhận mức lương khoảng 5 triệu đồng/tháng.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre.

Nếu không sớm có chính sách phù hợp thì khoảng 10 đến 15 năm nữa các trạm y tế sẽ không có bác sĩ để làm việc.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi.

Thực trạng trên được đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre) đề cập khi phát biểu thảo luận nghị trường Quốc hội, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Đại biểu cho rằng, thực tế trên là một trong những rào cản khiến các tuyến y tế cơ sở, nhất là các trạm y tế khó thu hút và giữ chân bác sĩ có trình độ.

Thứ nữa, hiện nay ở các trạm y tế, biên chế trực mỗi đêm chỉ 1 người. Thường những trường hợp như: đánh nhau, tai nạn giao thông… mới vào trạm y tế cấp cứu ban đêm; trong đó có nhiều trường hợp phức tạp nên nhân viên y tế, nhất là các nữ không dám trực một mình.

Nhiều khi đi trực phải có mẹ hoặc chị, em, chồng, con đi theo. Cũng có khi nhờ một đồng nghiệp cùng trực rồi cùng nhau chia tiền chế độ. Trong khi tiền trực mỗi đêm của một nhân viên chỉ được 25 nghìn, tiền ăn 15 nghìn. “Với chế độ, chính sách như thế sẽ rất khó thu hút và giữ chân người làm việc tại y tế cơ sở” đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi nói.

Cũng theo đại biểu đoàn Bến Tre, việc đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ nhân lực y tế cơ sở hiện đang gặp khó khăn. Các y sĩ muốn học tập, nâng cao trình độ đủ chuẩn để khám, chữa bệnh phải tham gia thi tuyển sinh đại học cạnh tranh cùng với học sinh THPT, điểm tuyển đầu vào khá cao.

Đó là chưa kể đến chi phí hiện nay lại vượt khả năng tài chính của các nhân viên y tế tuyến cơ sở muốn theo học. Bên cạnh việc thiếu nguồn lực, nhân lực thì cơ sở vật chất, trang thiết bị đầu tư cho y tế cơ sở cũng còn thiếu thốn, cũ kỹ, chưa đáp ứng được nhu cầu.

Từ thực tiễn trên, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế cần nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền chế độ chính sách để có thể thu hút, giữ chân đội ngũ cán bộ y tế cơ sở.

Đồng thời, tạo điều kiện để đội ngũ nhân lực y tế cơ sở đang công tác được tham gia đào tạo, nâng cao trình độ cũng như đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho y tế cơ sở đáp ứng được yêu cầu.

Theo đại biểu Nguyễn Yến Nhi, hiện nay, chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế chưa tương xứng với thời gian, chi phí học tập, công sức lao động và điều kiện cũng như môi trường làm việc.

Bên cạnh đó, ở cơ sở các trang thiết bị, phương tiện làm việc cũng chưa tốt cho nên cũng không có môi trường thuận lợi để cho đội ngũ này nâng cao tay nghề cũng như phát triển nghề nghiệp của mình.

Hải Minh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/sinh-vien-nganh-y-hoc-6-nam-ra-truong-nhan-luong-5-trieuthang-post641166.html