Sinh viên ở trọ và '1001' chuyện dở khóc dở cười
Sinh viên đa số là ở trọ. Vô vàn những câu chuyện trớ trêu, oái oăm, đến dở khóc dở cười tại các khu nhà trọ.
Chuyện ở trọ
Đầu tuần, cả nhóm hẹn nhau lên lớp sớm để “tán chuyện”. Thu Hằng đến sau, tỏ ra bực dọc. Vừa ngồi xuống ghế, chưa kịp để các bạn hỏi, Hằng thở dài, rồi tuôn một tràng về cô bạn ở cùng phòng trọ Hằng và bạn. Để tiết kiệm, cả hai thống nhất ở chung trọ. Ban đầu ở không có chuyện gì xảy ra. Nhưng sau một thời gian, người bạn cùng phòng bắt đầu “lộ” bản tính luộm thuộm.
“Áo quần vứt bừa bộn, đâu đâu cũng thấy, đến mức không thể phân biệt đâu là áo quần bẩn đâu áo quần sạch. Thức ăn thừa, bạn để vậy vài ba hôm không dọn. Nồi chảo dùng chung, nhưng nấu ăn xong cô bạn không rửa. Dù nhắc nhở rất nhiều lần nhưng mọi thứ vẫn lặp lại, vẫn cái kiểu: Ừ, tao biết rồi, lát nữa tao dọn… Chắc phải chuyển trọ, chứ ở vậy thêm mệt mỏi”, Hằng ngán ngẩm.
Không chỉ có Hằng mà cô bạn Quỳnh Như (sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ) cũng gặp vô số chuyện oái ăm khi ở trọ. Muốn thoải mái, riêng tư, Như thuê trọ ở một mình. Những ngày nắng nóng, mỗi lúc đi học về, Như chỉ muốn được nằm nghỉ ngơi, thư giãn đầu óc. Thế nhưng, bạn nữ phòng bên cạnh liên tục mở nhạc với âm lượng lớn, bất kể làm cho mọi người ở các phòng bên cạnh cũng rất khó chịu.
Đỉnh điểm là vào một buổi trưa hè nắng gắt mới đây, sau khi Như đi học về và đang nằm nghỉ ngơi trên giường thì liên tục nghe những âm thanh vượt ngưỡng chịu đựng từ phòng kế bên. Quá bực mình, Như sang gõ cửa phòng bạn nữ kia và nhắc nhở bạn ấy mở nhạc nhỏ lại. Bạn nữ ấy không muốn mở nhỏ lại vậy là hai bên đã lời qua, tiếng lại.
“Xung đột” với chủ nhà trọ
Chắc hẳn những ai đã từng đi thuê trọ thì không thể tránh khỏi những cuộc cãi vã, sự bất đồng quan điểm với chủ trọ. Bạn Ngọc Ánh (sinh viên Trường đại học Khoa học) chia sẻ ý định muốn chuyển trọ sau một vài lần xích mích với chủ trọ, nơi Ánh sống.
“Có lần bạn mình qua phòng thăm và tổ chức ăn uống, thì bất ngờ cô chủ trọ xông vào và liên tục nói những lời lẽ khó nghe và có những hành động không hay làm mình cảm thấy rất khó chịu và bị bẽ mặt trước bạn bè, dù lúc này vẫn còn sớm và chưa đến giờ quy định đóng cổng phòng trọ”, Ánh bức xúc.
Một lý do nữa mà Ánh cảm thấy rất khó chịu và cho rằng mình phải chuyển trọ là vì cứ đều đặn cứ 2-3 ngày thì chủ trọ hầu như lại “thăm khám” phòng mình.
Ánh kể lại, lúc mới đầu thuê phòng thì một tháng chủ trọ chỉ gặp mình một lần để thu tiền phòng, nhưng dạo gần đây tần suất mình gặp chủ trọ mỗi lúc một nhiều. Lý do chủ trọ vào phòng lại rất lãng xẹt, nào là xem ở có sạch sẽ không, có ai trong phòng không…
Trên một diễn đàn trọ sinh viên ở Huế, một nam sinh viên ngậm ngùi kể, phòng em nước thoát không được và nhắn chủ trọ xử lý. Ấy vậy, nửa tháng trôi qua, chủ trọ vẫn chưa xử lý. Nói mãi thì cô cũng kêu người đến. Sau khi thợ sửa xong chủ trọ bắt em phải thanh toán phí sửa bằng tiền túi của mình. Ôi, em sốc thật sự. Với mọi người 200 nghìn đồng là nhỏ, nhưng với sinh viên xa nhà như em thì lớn lắm. Mình đã trả tiền trọ thì phải bao gồm những chi phí này chứ ạ?
Ai rồi cũng có quãng thời gian sinh viên, có người ở trọ, có người không. Những câu chuyện có thể oái ăm, dở khóc dở cười, có thể không thể giải quyết đến nơi đến chốn; có thể người thiệt sẽ nhiều hơn… song đó là những gia vị để làm cho cuộc sống thêm sắc màu. Và sau này khi đã đi làm, nhớ lại quãng thời gian đó để có thêm những động lực.