Sinh viên sử dụng AI: Cơ hội đi kèm thách thức

Thời đại công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ định hình tương lai mà còn làm thay đổi cách chúng ta tiếp cận tri thức. Đối với sinh viên - những người trẻ luôn khao khát sáng tạo và đổi mới, AI chính là 'người bạn đồng hành' đặc biệt. Tuy nhiên, liệu sự xuất hiện của AI chỉ mang lại cơ hội hay còn ẩn chứa những thách thức và mặt trái khó lường?

Sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) ứng dụng AI trong học tập.

Sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) ứng dụng AI trong học tập.

Công nghệ 4.0 và trí tuệ nhân tạo không chỉ thay đổi cách thức làm việc, mà còn tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong giáo dục. Đối với sinh viên, những người luôn tìm kiếm sự sáng tạo và đổi mới, AI mang lại nhiều tiện ích, nhưng đồng thời cũng đặt ra những câu hỏi về cách thức sử dụng và kiểm soát.

Một trong những ảnh hưởng tích cực mà AI mang lại là hỗ trợ giảng viên trong việc chuẩn bị bài giảng, giảng dạy, tương tác và đánh giá sinh viên. AI giúp sinh viên tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn trên giảng đường, từ đó cải thiện quá trình học tập và nghiên cứu. Nó cũng hỗ trợ sinh viên trong việc tự học và tự nghiên cứu, giúp lựa chọn các chương trình đào tạo trực tuyến và từ xa để học song song với chương trình học trên lớp.

Sinh viên Đỗ Đức Vượng, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên): Tôi nghĩ AI giống như một "trợ lý ảo" rất đắc lực. Bản thân tôi cũng sử dụng công cụ ChatGPT để xử lý các phần code và thuật toán khó. Tôi đã áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, cụ thể là xử lý hình ảnh, vào dự án máy làm mi giả tự động và đã đoạt giải Ba tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Thái Nguyên năm 2024.

Còn sinh viên Nguyễn Đại Hoàng, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên), cho hay: Tôi cũng sử dụng ChatGPT để luyện giao tiếp tiếng Anh. Tôi có thể thực hành các cuộc hội thoại và nhận phản hồi ngay lập tức, điều này giúp cải thiện khả năng phản xạ trong giao tiếp. Ngoài ra, ChatGPT còn giúp tôi luyện kỹ năng viết bằng cách đưa ra những gợi ý về cách diễn đạt sao cho tự nhiên hơn. Tôi cảm thấy việc học qua ChatGPT linh hoạt và hiệu quả hơn so với phương pháp học truyền thống, vì có thể học bất cứ lúc nào và được hỗ trợ ngay lập tức.

Không thể phủ nhận, AI đã mở ra một chân trời mới cho việc học tập. Chỉ với vài dòng lệnh, sinh viên có thể tìm kiếm thông tin, phân tích dữ liệu, hoặc thậm chí sáng tạo ý tưởng nhanh chóng hơn bao giờ hết. Công cụ như Grammarly giúp chỉnh sửa từng lỗi chính tả nhỏ nhất, trong khi các phần mềm như AutoCAD hay MidJourney hỗ trợ sinh viên ngành thiết kế, kiến trúc hiện thực hóa ý tưởng chỉ trong vài phút. AI không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn giúp sinh viên tiếp cận các nguồn tri thức toàn cầu một cách dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, như một con dao hai lưỡi, AI cũng đặt ra nhiều vấn đề nhức nhối. Thay vì nghiên cứu và tìm tòi, một số sinh viên lạm dụng AI để sao chép bài tập và gian lận trong thi cử. Điều này không chỉ làm giảm giá trị thực của giáo dục mà còn khiến sinh viên đánh mất khả năng tư duy độc lập, một yếu tố quan trọng trong việc học tập và phát triển bản thân.

Tiến sĩ Trần Quang Quý, giảng viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông, nhận định: Trong bối cảnh AI ngày càng đóng vai trò quan trọng trong học tập, việc lạm dụng công nghệ này có thể dẫn đến một số hệ quả tiêu cực. Một trong những vấn đề khi lạm dụng AI là sự suy giảm khả năng tư duy phản biện. Khi quá phụ thuộc vào AI để tìm kiếm thông tin hoặc giải quyết bài tập, sinh viên có thể bỏ qua cơ hội rèn luyện khả năng tư duy và phân tích của mình.

Tiến sĩ Đinh Xuân Lâm, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Ứng dụng, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên): Sinh viên nên coi AI như một người bạn đồng hành, một trợ thủ đắc lực, chứ không phải là người giải quyết tất cả vấn đề trong việc học tập.

Có thể thấy, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong học tập đang giúp sinh viên tiếp cận nhiều nguồn tài liệu phong phú, từ đó mở rộng kiến thức và phát triển khả năng tư duy phản biện. Tuy nhiên, nếu quá phụ thuộc vào công nghệ này, AI có thể gây ra những tác động tiêu cực và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Một trong những vấn đề đó là bảo mật và quyền riêng tư, khi dữ liệu cá nhân có thể bị lộ nếu không được bảo vệ đúng cách. Bên cạnh đó, việc phụ thuộc quá nhiều vào AI có thể làm giảm khả năng tự suy nghĩ và sáng tạo của sinh viên. Vì vậy, sinh viên cần cân nhắc sử dụng AI một cách hợp lý và cân bằng để tận dụng tối đa lợi ích mà nó mang lại, đồng thời bảo vệ sự phát triển toàn diện của bản thân.

Minh Anh

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202501/sinh-vien-su-dung-ai-co-hoi-di-kemthach-thuc-5ad15d1/