Sinh viên tạo mặt nạ cho chân từ xương rồng
Xương rồng Nopal (Opuntia ficus-indica) là một loài cây trồng quan trọng ở những vùng hoang mạc và bán hoang mạc trên thế giới.
Nhận thấy nhiều giá trị hữu ích từ cây xương rồng, nhóm sinh viên Trường Đại học Công Thương TPHCM đã nghiên cứu tạo ra các sản phẩm mặt nạ thảo dược tự nhiên dành cho chân.
Từ mẹo chữa nứt chân bằng cây xương rồng
TS Nguyễn Thị Lương, Giảng viên Khoa Công nghệ hóa học, Trường Đại học Công thương TPHCM cho biết, ý tưởng của nhóm xuất phát từ một thành viên quê ở Quảng Nam nói về thói quen ba mẹ thường hay cắt cây xương rồng, lấy phần chất nhầy bôi vào vết nứt nẻ ở chân để chữa trị.
Sau khi bôi xương rồng, vết nứt giảm sưng tấy, giảm viêm. Từ câu chuyện này, nhóm hình thành ý tưởng chọn xương rồng làm nguyên liệu để tạo ra mặt nạ chân, xử lý các vết nứt nẻ và chai chân.
Nhóm bắt tay thực hiện bằng cách lên mạng tìm hiểu, tổng hợp tài liệu và nghiên cứu cụ thể. Nhóm thực hiện đăng ký đề tài khoa học cấp trường. Đề tài có tính ứng dụng cao nên đã được nhà trường xét duyệt.
Sinh viên Lê Ngọc Na, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, cây xương rồng sống trong điều kiện khắc nghiệt, có hàm lượng dinh dưỡng cao, thành phần chất nhầy cao.
Hiện trong nước chưa có nhiều sản phẩm từ cây xương rồng trong làm đẹp. Nhóm đã bắt tay thực hiện điều chế dịch chiết chất nhầy trong xương rồng làm nguyên liệu chính để tạo ra các sản phẩm. Nguyên liệu nhóm sử dụng là loài xương rồng Nopal được trồng ở tỉnh Quảng Nam.
Xương rồng Nopal (Opuntia ficus-indica) là một loài cây trồng quan trọng ở những vùng hoang mạc và bán hoang mạc trên thế giới. Nó được cho là có thể có nguồn gốc từ Mexico.
Tên thông dụng là cây lê gai, lê gai ngọt, lê gai sung Ấn, hoặc có thể gọi là lưỡi long không gai. Hàm lượng chất khoáng trong xương rồng Nopal rất lớn, đặc biệt là hàm lượng canxi, các vitamin A, B, C. Ngoài ra trong xương rồng Nopal còn có 17 loại axít amin tồn tại ở dạng protein dễ tiêu.
Vì vậy, lá Nopal sử dụng làm rau xanh và được chế biến thành các loại thực phẩm khô, làm bột dinh dưỡng, bột làm bánh. Trái xương rồng Nopal có thể ăn tươi hoặc dùng làm màu thực phẩm cho công nghệ chế biến thực phẩm không gây độc hại.
Xương rồng Nopal được trồng nhiều ở các tỉnh miền Trung, được người dân sử dụng làm thức ăn, một số doanh nghiệp xuất khẩu xương rồng làm thực phẩm. Trong quá trình thu hoạch xương rồng, người dân thường cắt bỏ nhánh già. Nhóm sinh viên đã tận dụng bằng cách thu mua với giá rẻ rồi tách chiết và thu hồi dịch nhầy.
Hoàn thiện 3 sản phẩm từ xương rồng
Sinh viên Phạm Như Thương, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, để có nguyên liệu, nhóm chiết xuất dịch nhầy trong cây xương rồng Nopal từ các vườn ở Quảng Nam.
Sau đó, dưới tác động của nhiệt độ, siêu âm và dung môi để loại bỏ bã thô. Đưa sản phẩm vào ly tâm kết tủa, sấy khô để có bột nhầy xương rồng. Sau đó, tùy nhu cầu khách hàng để nhóm bổ sung thêm các chất dưỡng ẩm, vitamin, các tinh dầu để cho ra các dòng sản phẩm khác nhau.
Hiện trên thị trường chưa có sản phẩm nào điều trị bệnh lý về chân dưới dạng mặt nạ với thành phần có hoạt tính an toàn cao; cũng chưa có sản phẩm nào điều trị bệnh về da chân chiết xuất từ cây xương rồng. Đây sẽ là giải pháp xử lý vấn đề chân thô ráp, nứt nẻ, bong tróc hoặc lạnh chân vào mùa Đông.
Nhóm đã phát triển thành 3 sản phẩm chính gồm hỗ trợ bệnh lý về chân, mặt nạ chân thảo dược tự nhiên và mặt nạ thảo dược chăm sóc chân. Các dòng sản phẩm đều dựa trên nguyên liệu chính là xương rồng, kết hợp với các loại thảo dược khác nhau như hương nhu, sả, gừng, quế, hoa hồng...
Đối với sản phẩm điều trị các bệnh lý về chân, thành phần xương rồng đem lại tác dụng hỗ trợ điều trị giảm nứt nẻ, lạnh chân, tê chân, một số bệnh lý khác như hôi chân. Còn sản phẩm chăm sóc chân có thể giúp giữ ấm chân, tăng cường tuần hoàn máu, giúp ngủ ngon. Sản phẩm làm đẹp chân hỗ trợ sáng da, giữ ấm chân.
TS Nguyễn Thị Lương cho biết, quan trọng nhất trong nghiên cứu này là nhóm sinh viên đã tách được dịch nhầy ra khỏi cây xương rồng. Quá trình này đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và mất nhiều thời gian. Đến nay, nhóm đã mất khoảng 2 năm mới có thể hoàn thiện.
Trước đó, nhóm đã thất bại sau 1 năm triển khai do không thể tách được dịch nhầy. Kiên trì đeo đuổi nghiên cứu, nhóm may mắn đọc được một tài liệu về cây xương rồng Nam Phi trên một cuốn sổ tay (handbook) có nội dung chỉ ra cách tạo dung môi tách nhầy.
Trước đó, cũng quy trình này nhưng phần chất nhầy lấy được từ xương rồng rất ít, khó để đảm bảo nguyên liệu làm sản phẩm. Từ khi biết đến công thức tạo dung môi mới, nhóm đã tự tin thực hiện. Điều đáng mừng là phản hồi của người dùng thử cho thấy, tình trạng nứt nẻ chân giảm được khoảng trên 80%.
Hiện để điều trị các bệnh về chân, người bệnh thường sử dụng ngâm chân hoặc bôi thuốc. Nhóm sinh viên hy vọng sản phẩm mặt nạ chân từ xương rồng sẽ đáp ứng nhu cầu của khách hàng và có giá thành rẻ.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/sinh-vien-tao-mat-na-cho-chan-tu-xuong-rong-post662942.html