Sinh viên tập gấp chăn vuông khi học quân sự online
Dù không được học trực tiếp, sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội được yêu cầu tập gấp chăn vuông để làm quen với chương trình học.
Nhận được thông báo từ nhà trường về việc học quân sự online, Đinh Hiền, Hà Phương, cũng như nhiều sinh viên khác buồn vì không được đi Mai Lĩnh, Hòa Lạc học quân sự như sinh viên khóa trước.
Do dịch Covid-19 bùng phát, kế hoạch học quân sự của nhiều trường phải tạm gác lại và chuyển qua học lý thuyết online. Học phần thực hành sẽ được triển khai khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.
Dù trải nghiệm khóa quân sự qua màn hình máy tính, Đinh Hiền (sinh viên Đại học Hà Nội) và Hà Phương (sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) vẫn có nhiều trải nghiệm và kỷ niệm đáng nhớ.
"Chưa bao giờ em gấp được chăn vuông như vậy"
Hà Phương được sắp xếp học quân sự online từ ngày 28/8. Trước khi vào học chính sức, toàn bộ sinh viên được giảng viên giao một bài tập nhỏ là gấp chăn hình vuông, thời gian tập gấp chăn và nộp bài từ ngày 26-29/8.
Bài tập gấp chăn được cho là màn khởi động trước khi học quân sự, để sinh viên làm quen với với chương trình học và hiểu rõ hơn về tác phong người lính.
Tất cả sinh viên được giảng viên gửi ảnh mẫu, sau đó lên mạng học cách gấp. Hoạt động này hoàn toàn do sinh viên chủ động tìm hiểu, giảng viên không hướng dẫn cụ thể. Nhiều em hào hứng với bài tập được giao, một số khác lo lắng vì sợ không thể hoàn thành nhiệm vụ.
Lần đầu làm quen với việc gấp chăn hình "viên gạch", Hà Phương khá lúng túng. Nữ sinh không nhớ đã phải gấp đi gấp lại bao nhiêu lần mới cho ra thành quả ưng ý. Dù khá chật vật, Phương vẫn cảm thấy hài lòng và vui khi được tham gia hoạt động này.
"Bài của em không được thầy chấm điểm nhưng em vẫn rất vui, em chưa bao giờ gấp được chăn vuông như vậy", nữ sinh nói với Zing.
Dù học online, các sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn vẫn được chia thành các tiểu đội, trung đội, đại đội như khi học trực tiếp ở Trung tâm Giáo dục Quốc phòng - An ninh Hòa Lạc (hay còn gọi là Khu Quân sự Hòa Lạc).
Hà Phương được phân vào tiểu đội 5 thuộc trung đội 2, đại đội 1. Đại đội 1 gồm 133 sinh viên. Mỗi buổi học, sinh viên được giao 2 bài tập nhỏ ở hình thức trắc nghiệm để hệ thống lại những kiến thức được học.
Dù chưa được học gấp chăn vuông như các bạn trường khác, Đinh Hiền, sinh viên Đại học Hà Nội, vẫn có những ký ức khó quên với khóa quân sự online.
Các giảng viên phụ trách môn Giáo dục Quốc phòng - An ninh lần đầu làm quen với việc dạy học trực tuyến. Nhờ có sự giúp đỡ của trợ giảng, việc học được tiến hành suôn sẻ hơn.
Đinh Hiền nhận xét khóa học khá thú vị, giảng viên hài hước, thân thiện. Ban đầu, nữ sinh cho rằng các giảng viên môn Giáo dục Quốc phòng - An ninh đều khó tính, cứng nhắc.
Sau nhiều ngày học và tiếp xúc, nữ sinh nhận ra các thầy không giống như tưởng tượng. Ngược lại, một số thầy hay tâm sự, động viên, thậm chí đùa cùng sinh viên.
Muốn học quân sự trực tiếp
Khóa quân sự online của sinh viên Đại học Hà Nội hai phần là lý thuyết và thực hành. Sinh viên sẽ học trước phần lý thuyết, phần thực hành được dời đến khi học trực tiếp.
Các học phần được chia thành nhiều buổi dạy xen kẽ trong tuần. Bên cạnh học lý thuyết, sinh viên được xem và tìm hiểu nhiều video liên quan bài học.
Trong giờ giải lao, giảng viên thường nán lại lớp để trò chuyện xoay quanh tình hình dịch bệnh trong nước. Các thầy động viên sinh viên cố gắng và hẹn dịp sớm nhất để học thực hành.
Đinh Hiền thường được sinh viên khóa trên kể về những ngày tháng học quân sự ở Trung tâm Giáo dục Quốc phòng (Mai Lĩnh, huyện Chương Mỹ, Hà Nội).
Hà Phương mong muốn được trải nghiệm cuộc sống tại khu quân sự, được rèn luyện sức khỏe, sự dũng cảm và có những kỷ niệm thời sinh viên ý nghĩa cùng bạn bè.
Bên cạnh đó, nữ sinh mong muốn các giáo viên dạy online có thể nán lại lớp lâu hơn để trò chuyện, giải đáp các thắc mắc của sinh viên. Do phải học online, nhiều sinh viên chưa có cái nhìn toàn diện về môn học, muốn thông qua câu chuyện của giáo viên để hiểu rõ hơn về môn học trước khi được đến trường.