Sinh viên thời song bằng
Những năm gần đây, sinh viên có xu hướng học song bằng để theo đuổi đúng đam mê của bản thân, mở rộng cơ hội nghề nghiệp. Tuy nhiên, lựa chọn này cũng mang lại cho họ không ít thách thức.
Song bằng là chương trình đào tạo cho phép sinh viên có thể học cùng lúc 2 chương trình học với 2 ngành đào tạo khác nhau. Sau khi hoàn tất chương trình học và đủ điều kiện tốt nghiệp của mỗi ngành, sinh viên sẽ được nhận 2 bằng cử nhân. Việc học song bằng giúp sinh viên có cơ hội tiếp cận với nhiều loại kiến thức và phương pháp giải quyết vấn đề khác nhau, từ đó nâng cao khả năng tư duy và giải quyết vấn đề; đồng thời góp phần mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp mới.
Hiện nay, ngoại ngữ đã trở nên rất thông dụng và trở thành công cụ đắc lực hỗ trợ quá trình phát triển nghề nghiệp. Giữa xu thế "đa quốc gia hóa" của các công ty, biết ít nhất một ngoại ngữ sẽ giúp bạn tự tin và nhanh chóng tìm được việc làm phù hợp với khả năng của bản thân. Nhận thấy điều này, Thu Hà đã lựa chọn học Ngôn ngữ Anh tại Học viện Ngoại giao.
Sau một năm học tập và tham gia các hoạt động ngoại khóa, cô cảm thấy yêu thích công việc làm truyền thông. Điều này đã thúc đẩy cô gái 21 tuổi lựa chọn học thêm chuyên ngành Truyền thông quốc tế tại trường. “Tôi cảm thấy vui khi được tham gia vào các hoạt động quảng bá hình ảnh của câu lạc bộ và nhà trường tới mọi người. Bản thân tôi cũng ý thức được rằng trong bối cảnh xã hội hiện nay, khi công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, nhu cầu về truyền thông của các tổ chức, doanh nghiệp ngày càng lớn. Việc vừa có năng lực chuyên môn vừa thạo ngoại ngữ sẽ là yếu tố thu hút các doanh nghiệp trong quá trình tuyển dụng”.
Trong khi đó, Phương Thảo đang theo học chuyên ngành Quản lý xã hội thuộc khoa Quản lý Nhà nước của Học viện Báo chí. Từ bậc học phổ thông cô đã năng nổ tham gia vào các hoạt động tập thể của trường. Với chất giọng truyền cảm, Phương Thảo có niềm yêu thích đặc biệt với phát thanh, truyền hình. Chính vì vậy, khi vừa đủ điều kiện học song bằng tại trường, Phương Thảo không do dự đăng ký chuyên ngành Báo Truyền hình. “Việc học song bằng giúp tôi tiếp thu thêm nhiều kiến thức mới bổ ích. Đồng thời, đây giống như một cơ hội để tôi có thể sống với đam mê của bản thân cũng như có thêm nhiều lựa chọn việc làm”.
Bên cạnh những cơ hội mà song bằng đem lại, người học cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Việc chi trả học phí trong quá trình học song bằng là một vấn đề rất lớn. Thu Hà học Ngôn ngữ Anh chất lượng cao tại trường, học phí 1 năm lên đến hàng chục triệu đồng. Hiện tại học song bằng lại phải chi trả thêm cho ngành học thứ hai. Dồn hết thời gian vào việc học, cô không thể sắp xếp để tìm việc làm kiếm thêm thu nhập. Điều này phần nào khiến áp lực tài chính của nữ sinh trở nên nặng nề hơn. Ngoài áp lực từ tiền bạc, việc cân bằng thời gian để học tập và phải tiếp thu lượng kiến thức lớn cũng là nan đề đối với nhiều sinh viên. “Thời gian đầu với tôi khá khó khăn, tôi bắt đầu học song bằng từ năm 2, khi đó kiến thức chuyên ngành 1 khá nặng. Giữa 2 chuyên ngành Báo truyền hình và Quản lý xã hội lại có sự khác biệt lớn về kiến thức khiến tôi cảm thấy hơi quá tải”. Đó là những gì Phương Thảo phải đối mặt khi bắt đầu học song bằng.
Cô chia sẻ thêm, do học 2 ngành nên số buổi học gần như gấp đôi so với các sinh viên khác. Thảo phải học cả ngày, tối thì tranh thủ đi làm thêm, gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Việc học song bằng cũng khiến đa số sinh viên phải mất thêm ít nhất 1 năm để có thể ra trường so với bạn bè. “Đôi lúc nghĩ đến việc các bạn ra trường, cầm trên tay tấm bằng cử nhân, có việc làm ổn định và thu nhập để trang trải cuộc sống trong khi bản thân vẫn ở trong guồng quay học hành, thi cử, tôi cũng thấy chạnh lòng” - Phương Thảo bộc bạch. Áp lực là vậy, nhưng Thảo luôn cố gắng để theo kịp chương trình học. Cô dần học được cách sắp xếp thời gian biểu hợp lý hơn, không chỉ học tập hiệu quả hơn, cô thậm chí còn có khoảng trống để tham gia vào những hoạt động ngoại khóa, làm quen với các bạn mới.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ quyết tâm và sự kiên trì như vậy. Một số sinh viên sau khi lựa chọn học song bằng, vì không chịu được áp lực nên bỏ dở giữa chừng hoặc học chống đối để qua môn. Điều đó khiến các bạn lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc, thậm chí có thể bị nhà trường cảnh cáo, đình chỉ học nếu không đáp ứng được đủ số học phần và tín chỉ đã đăng ký.
Chia sẻ với những sinh viên có nguyện vọng theo học song bằng, Phương Thảo cho rằng điều quan trọng nhất là cần thực sự có niềm đam mê và yêu thích đối với ngành học thứ 2. Bởi học song song 2 chương trình rất nặng, nếu không có mục đích phấn đấu thì sẽ rất dễ chán nản, bỏ cuộc. Để học song bằng đem lại hiệu quả, các bạn nên tập thói quen chia nhỏ thời gian để học tập, làm việc và nghỉ ngơi, tránh tình trạng bị quá tải. Chỉ khi phân bổ được thời gian học và làm hợp lý thì việc cân bằng giữa 2 ngành học mới có thể dễ dàng hơn.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/sinh-vien-thoi-song-bang-post474453.html