Sinh viên Thủ đô ứng dụng AI phát hiện bệnh cây trồng

Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, người nông dân có thể theo dõi cánh đồng từ xa, mà vẫn kịp thời phát hiện bệnh trên cây một cách nhanh chóng, tự động. Đây là những điểm nổi bật và độc đáo của dự án 'Hệ thống phát hiện bệnh cây trồng ứng dụng trí tuệ nhân tạo và trạm đo đa năng' được nhóm sinh viên của hai trường đại học tại Hà Nội thực hiện.

Các thành viên dự án "Hệ thống phát hiện bệnh cây trồng ứng dụng trí tuệ nhân tạo và trạm đo đa năng".

Các thành viên dự án "Hệ thống phát hiện bệnh cây trồng ứng dụng trí tuệ nhân tạo và trạm đo đa năng".

Nhóm bạn trẻ gồm bốn thành viên: Đỗ Lê Trà My, Giáp Đăng Khánh, Lương Thanh Trang, Trần Thị Hồng Thắm đang là sinh viên của Đại học Bách khoa Hà Nội và Học viện Ngân hàng.

Theo nhóm trưởng Đỗ Lê Trà My, nước ta đang dần chuyển từ "sản xuất nông nghiệp" sang "kinh tế nông nghiệp"; chuyển từ theo đuổi giá trị gia tăng sang vừa tạo ra giá trị gia tăng, vừa giảm chi phí sản xuất, chi phí xã hội, chi phí môi trường... Do vậy, cần khởi tạo chuyển đổi số một cách phù hợp trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn; quản lý bài bản, khoa học các khâu canh tác, sản xuất, thu hoạch, phân phối. Trên thực tế, bệnh hại cây trồng tiếp tục gây thiệt hại mùa màng đáng kể ở Việt Nam và các khu vực có khí hậu nhiệt đới ở Đông Nam Á, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

"Nắm bắt cơ hội chuyển đổi số và sự cấp bách trong cải tiến quy trình trồng trọt, chúng em mong muốn sản xuất ra các sản phẩm công nghiệp hiện đại tích hợp công nghệ IoT, truyền thông không dây, năng lượng tái tạo. Những sản phẩm này sẽ góp phần đồng hành cùng nhà nông trong việc nâng cao chất lượng, sản lượng; đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất nông nghiệp chất lượng cao trên thế giới", My chia sẻ.

Từ đó, sản phẩm "Hệ thống phát hiện bệnh cây trồng ứng dụng trí tuệ nhân tạo và trạm đo đa năng" ra đời nhằm xây dựng một hệ thống tiên tiến, tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), IoT và năng lượng tái tạo để giúp nông dân giám sát, phát hiện sớm các bệnh hại cây trồng và theo dõi điều kiện canh tác. Dự án góp phần vào quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, quản lý hiệu quả quy trình từ sản xuất đến phân phối, giảm đến mức thấp nhất tác động môi trường và xã hội.

Mục tiêu lâu dài của dự án là nâng tầm Việt Nam trở thành quốc gia nông nghiệp công nghệ cao, cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đồng hành cùng nhà nông trong hành trình phát triển nông nghiệp bền vững. Với những mục tiêu đó, sản phẩm của nhóm bạn trẻ hướng đến việc phát hiện bệnh cây trồng sớm. Hệ thống sẽ hỗ trợ cảnh báo sớm và cung cấp giải pháp kịp thời thông qua ứng dụng di động và trạm đo đa năng, giúp nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, giảm chi phí sản xuất.

Nhóm bạn trẻ đưa ra hai sản phẩm chính: Phần mềm app/website Awarn và phần cứng trạm đo đa năng. Nông dân có thể theo dõi ruộng của mình từ xa trên app Awarn thông qua những video, hình ảnh được cập nhật liên tục. Khi phát hiện có sâu bệnh hay các tác nhân bên ngoài tác động đến ruộng lúa, sẽ có cảnh báo và kết quả chi tiết được gửi về app, SMS nhằm tối ưu hóa thời gian phát hiện bệnh và kịp thời xử lý.

Đáng chú ý, trong tương lai nhóm sẽ phát triển thêm tính năng gửi cảnh báo nguy cơ xảy ra bệnh trước khi phát sinh cho người dùng. Bên cạnh đó, đối với người dân không sử dụng app, Awarn có thể cung cấp bán lẻ trạm đo, gửi thông số đo lên hệ thống web để phân tích và cho ra kết quả một cách nhanh nhất. Nhờ vậy, nông dân hoàn toàn chủ động theo dõi cánh đồng từ xa mà vẫn kịp thời phát hiện bệnh trên cây một cách nhanh chóng, tự động. Hơn nữa, nông dân còn có thể nắm bắt chi tiết tình hình mùa màng qua các thông số cụ thể về nhiệt độ, độ ẩm và các chỉ số quan trọng khác.

Với những ưu điểm nêu trên, dự án được các chuyên gia của cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn do Trung ương Đoàn tổ chức đánh giá là giải pháp đột phá trong việc phát hiện và quản lý bệnh hại cây trồng thông qua hệ thống cảm biến, trạm đo đa năng và ứng dụng di động.

THANH TÂM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/sinh-vien-thu-do-ung-dung-ai-phat-hien-benh-cay-trong-post855861.html