Sinh viên tốt nghiệp ngành Giáo dục thể chất có cơ hội làm những công việc nào?

Ngoài làm giáo viên, cử nhân ngành Giáo dục thể chất có thể tham gia làm việc trong nhiều lĩnh vực, hoạt động nghề nghiệp khác liên quan đến thể thao.

Giáo dục thể chất (physical education) là một phần không thể thiếu trong hệ thống giáo dục của mỗi quốc gia, có vai trò quan trọng trong việc phát triển thể chất và sức khỏe của mỗi con người.

Tuy nhiên, những năm gần đây, ngành học này chưa thu hút được nhiều thí sinh đăng ký. Nguyên nhân một phần do các thí sinh chưa có hiểu biết đầy đủ về chương trình đào tạo chính quy của ngành này cũng như cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường.

Sinh viên ngành Giáo dục thể chất được tiếp cận tất cả bộ môn thể thao

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Trí Lục - Phó trưởng khoa Khoa giáo dục thể chất, Trường Đại học Vinh cho biết, Trường Đại học Vinh trước đây là Trường Đại học Sư phạm Vinh với thế mạnh đào tạo sư phạm. Trong đó, trường có Khoa Thể dục hiện sau đổi tên thành Khoa Giáo dục thể chất. Khoa Giáo dục thể chất có bề dày lịch sử gần 30 năm, là khoa đi đầu trong lĩnh vực đào tạo cử nhân Giáo dục thể chất trên cả nước.

 Tiến sĩ Nguyễn Trí Lục - Phó trưởng khoa Khoa giáo dục thể chất, Trường Đại học Vinh. Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Lục - Phó trưởng khoa Khoa giáo dục thể chất, Trường Đại học Vinh. Ảnh: NVCC.

Chương trình đào tạo ngành Giáo dục thể chất tại trường gồm 125 tín chỉ, tương ứng với 36 học phần. Trong đó, kiến thức chung chiếm 30%, kiến thức cơ sở ngành chiếm 45% và kiến thức chuyên ngành chiếm 25%.

Về kiến thức chung, sinh viên được học các môn đại cương. Về kiến thức cơ sở ngành, sinh viên được học các học phần về giải phẫu và sinh lý người, sinh lý học thể dục thể thao, y học thể dục thể thao, tâm lý học thể dục thể thao, tâm lý học và giáo dục học.

Về kiến thức chuyên ngành, sinh viên được học các bộ môn thể dục, điền kinh, các bộ môn về bóng, võ và thể thao dưới nước; phương pháp dạy học; tổ chức hoạt động thể thao…

 Các giảng viên Khoa Giáo dục thể chất - Trường Đại học Vinh. Ảnh: NVCC.

Các giảng viên Khoa Giáo dục thể chất - Trường Đại học Vinh. Ảnh: NVCC.

Cũng theo thầy Lục, trong quá trình đào tạo, các bạn được thực tập 3 lần trực tiếp tại các trường học ở các học phần như: nhập môn sư phạm, thực hành phương pháp dạy học Giáo dục thể chất, thực tập sư phạm. Một số học phần dạy học theo dự án, sinh viên vừa thiết kế hoạt động học tập vừa nghiên cứu khoa học với các đối tượng khác nhau.

Ngoài ra, sinh viên còn có thể rèn luyện trong các câu lạc bộ thể thao tại trường như: câu lạc bộ bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, cầu lông, bơi lội,... hay tham gia các giải đấu thể thao do trường hoặc địa phương tổ chức.

Không chỉ vậy, sinh viên còn được tập luyện một số môn thể thao cá nhân như: bơi lội, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, chạy bộ, đi xe đạp, yoga, gym, võ thuật. Đặc biệt, các bạn còn được trải nghiệm những hoạt động thực hành thể thao ngoài trời như: cắm trại, làm trọng tài hoặc huấn luyện viên cho các đội thể thao, tham gia các hội thảo về dinh dưỡng và sức khỏe, các hoạt động tình nguyện về sức khỏe cộng đồng…

 Giảng viên và sinh viên Khoa Giáo dục thể chất - Trường Đại học Vinh trong lễ kỉ niệm "Ngày Thể thao Việt Nam". Ảnh: NVCC.

Giảng viên và sinh viên Khoa Giáo dục thể chất - Trường Đại học Vinh trong lễ kỉ niệm "Ngày Thể thao Việt Nam". Ảnh: NVCC.

Thầy Lục cũng cho biết thêm, Trường Đại học Vinh đã liên kết với các cơ sở thể dục thể thao, phòng văn hóa, các câu lạc bộ thể dục thể thao như tennis, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông trên địa bàn thành phố để sinh viên có thể giao lưu chuyên môn và thực hành làm trọng tài.

Cơ hội phát triển của ngành Giáo dục Thể chất

Tiến sĩ Nguyễn Trí Lục thông tin, theo khảo sát của Trường Đại học Vinh năm 2023, tỷ lệ sinh sinh viên ngành Giáo dục thể chất tốt nghiệp có việc làm đạt 100%. “Cơ hội nghề nghiệp cho cử nhân ngành Giáo dục thể chất là rất lớn”, Tiến sĩ Nguyễn Trí Lục khẳng định.

Theo thầy Lục, trong chương trình đào tạo ngành Giáo dục thể chất, nhà trường và khoa luôn chú trọng đào tạo ra những giáo viên đáp ứng nhu cầu thực tiễn, làm công tác giảng dạy tại các cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, trong quá trình đào tạo nhà trường trang bị đầy đủ các kiến thức cho sinh viên để có thể làm việc được ở nhiều vị trí việc làm khác nhau.

Cụ thể, cử nhân ngành Giáo dục thể chất có thể làm huấn luyện viên thể thao tại các câu lạc bộ, trung tâm thể thao; chuyên gia dinh dưỡng thể thao; nhân viên y tế thể thao; nghiên cứu khoa học về giáo dục thể chất và thể thao; kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ thể thao; làm công tác quản lý, phát triển các hoạt động phong trào thể dục thể thao của các đơn vị từ cấp thành phố, huyện, xã, trung tâm giáo dục thể thao.

 Thầy Nguyễn Trí Lục dẫn sinh viên ngành Giáo dục thể chất tham dự hội thao Công ty Điện lực Nghệ An. Ảnh: NVCC.

Thầy Nguyễn Trí Lục dẫn sinh viên ngành Giáo dục thể chất tham dự hội thao Công ty Điện lực Nghệ An. Ảnh: NVCC.

Anh Trần Quang Phát, cựu sinh viên ngành Giáo dục thể chất - Trường Đại học Vinh, hiện đang là chuyên viên phụ trách môn Giáo dục thể chất, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh cho biết, ngành Giáo dục thể chất theo thiên hướng sư phạm. Sinh viên sẽ học tất cả các môn thể thao, tất cả các nội dung liên quan đến thể thao để ra trường ngoài công tác giảng dạy có thể tham gia công tác trọng tài trong các trận đấu.

“Đơn cử, trong ngành giáo dục, khi tổ chức các đại hội thể thao, hay các giải đấu cấp quận, tỉnh, thành phố, thầy cô, cán bộ giáo viên giáo dục thể chất chính là lực lượng quan trọng góp phần tổ chức các giải đấu thành công. Hàng năm trong các giải đấu, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh cũng điều động rất nhiều cán bộ giáo viên Giáo dục thể chất làm trọng tài”, anh Phát chia sẻ.

Theo chuyên viên phụ trách môn Giáo dục thể chất, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Tĩnh, với xu thế hiện nay, đặc biệt là trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo dục thể chất là một trong những môn học bắt buộc và ngày càng được chú trọng.

“Nhận thức của xã hội về bộ môn giáo dục thể chất đã khác trước, phụ huynh, học sinh, tất cả giáo viên không còn suy nghĩ giáo dục thể chất là môn học phụ. Việc bộ môn được chú trọng hơn cũng tạo cơ hội thuận lợi về việc làm cho cử nhân ngành Giáo dục thể chất.

Tuy nhiên, có một thực trạng vẫn đang tồn tại trong ngành giáo dục, đó là việc phân bổ giáo viên chưa hợp lý, nơi thiếu giáo viên, nơi lại thừa giáo viên. Chính vì thế, khi lựa chọn ngành sư phạm, nhất là ngành Giáo dục thể chất, sinh viên mới ra trường nên trân trọng mọi cơ hội, nên tìm những trường, địa phương đang thiếu giáo viên và cần nhân sự.

Để có thể làm một giáo viên nói chung và một giáo viên Giáo dục thể chất nói riêng phải trải qua rất nhiều thử thách từ tập sự, học việc, thi biên chế, hơn nữa, cơ hội để vào biên chế cũng rất khó.

Mới ra trường, các bạn có thể chấp nhận về dạy tại những vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn, đang thiếu giáo viên nhiều. Đây cũng là cơ hội để các bạn được làm nghề”, anh Phát dành lời khuyên cho các bạn sinh viên ngành Giáo dục thể chất.

 Sinh viên ngành Giáo dục thể chất, Trường Đại học Vinh đang học và tập luyện bộ môn cầu lông. Ảnh: NVCC.

Sinh viên ngành Giáo dục thể chất, Trường Đại học Vinh đang học và tập luyện bộ môn cầu lông. Ảnh: NVCC.

Trong khi đó, thầy Hồ Trường Sơn, hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Quỳnh Lưu 3 (Nghệ An) cho biết, trường hiện tại có 41 lớp với hơn 1.800 học sinh. Trong số giáo viên của trường có tất cả 5 giáo viên bộ môn giáo dục thể chất, giảng dạy các môn thể thao như tâng cầu, bóng chuyền, bóng đá, cầu lông. Tương lai khi số lượng lớp tăng, trường vẫn có nhu cầu tuyển thêm giáo viên giáo dục thể chất để đảm bảo công tác dạy và học.

Thầy Sơn đánh giá, giáo dục thể chất là một lĩnh vực quan trọng trong hệ thống giáo dục, nhằm phát triển toàn diện thể chất và tinh thần của học sinh. Giáo dục thể chất không chỉ là một môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mà còn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.

Kỹ năng cần có để có thể trở thành giáo viên môn Giáo dục thể chất

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Lục, để có thể trở thành giáo viên Giáo dục thể chất, thứ nhất sinh viên cần rèn luyện tốt các kỹ năng chuyên môn về thể dục thể thao và kỹ năng sư phạm bởi đây là nền tảng để có thể làm tốt công việc sau khi tốt nghiệp.

Thứ hai là các nhóm kỹ năng lãnh đạo bao gồm: Kỹ năng lãnh đạo nhóm là khả năng dẫn dắt, tổ chức và phối hợp các thành viên trong nhóm để hoàn thành mục tiêu chung; Kỹ năng tạo động lực cho người học là khả năng khơi dậy hứng thú, động lực học tập cho học sinh; Kỹ năng giải quyết mâu thuẫn là khả năng giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong lớp học một cách hiệu quả.

Thứ ba là nhóm kỹ năng giao tiếp, trong đó có ngôn ngữ và phi ngôn ngữ. Kỹ năng giao tiếp hiệu quả là khả năng giao tiếp rõ ràng, dễ hiểu, thể hiện sự tôn trọng và thiện chí với người khác. Kỹ năng lắng nghe tích cực là khả năng lắng nghe cẩn thận, thấu hiểu và ghi nhận ý kiến của người khác. Kỹ năng thuyết trình là khả năng trình bày ý tưởng, thông tin một cách rõ ràng, thu hút người nghe. Ngoài ra, sinh viên cũng cần trau dồi một số kỹ năng cần thiết khác như kỹ năng ngoại ngữ và sử dụng công nghệ thông tin.

 Sinh viên ngành Giáo dục thể chất - Trường Đại học Vinh (đội màu cam) tham gia thi đấu bộ môn bóng chuyền trong Đại hội Thể dục thể thao học sinh - sinh viên năm 2023-2024. Ảnh: NVCC.

Sinh viên ngành Giáo dục thể chất - Trường Đại học Vinh (đội màu cam) tham gia thi đấu bộ môn bóng chuyền trong Đại hội Thể dục thể thao học sinh - sinh viên năm 2023-2024. Ảnh: NVCC.

Nói về các kỹ năng cần có của một giáo viên Giáo dục thể chất, hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Quỳnh Lưu 3 cho rằng, bậc trung học phổ thông là bậc học mà học sinh được định hướng nghề nghiệp tương lai, học sinh không chỉ có năng khiếu về các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội mà nhiều em có năng khiếu về thể thao.

Các thầy cô bộ môn giáo dục thể chất phải là người phát hiện, tìm ra được những năng khiếu của các em để định hướng cho học sinh của mình. Đặc biệt, thầy cô cần nắm bắt được sở trường, sở thích của các em để định hướng học sinh theo môn thể thao phù hợp. Từ đó, có thể định hướng các em theo con đường thể thao chuyên nghiệp, trở thành một vận động viên trong tương lai.

Đối với giáo viên bộ môn Giáo dục thể chất, ngoài những kỹ năng chuyên môn về các bộ môn thể thao, kỹ năng quan trọng nhất cần có là kỹ năng sư phạm. Thầy cô cần nắm bắt được tâm sinh lý, đặc biệt là sức khỏe của từng em để đưa ra lượng bài tập, vận động phù hợp.

Các thầy cô sẽ là người khuyến khích, khơi gợi được tinh thần thể dục, thể thao trong mỗi học sinh. Từ đó, tạo động lực để các em tập luyện, rèn luyện sức khỏe hàng ngày.

Cũng theo thầy Sơn, hiện nay, ngoài những chương trình chính khóa, còn có những chương trình ngoại khóa như dạy bơi, các câu lạc bộ bóng chuyền, bóng rổ để thu hút học sinh, vui chơi lành mạnh, rèn luyện sức khỏe trong kỳ nghỉ hè. Do đó, giáo viên Giáo dục thể chất ngoài kỹ năng sư phạm cần có kỹ năng tổ chức để thu hút học sinh tham gia những câu lạc bộ này, giúp các em tránh xa các tệ nạn, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Ngoài ra, thầy Sơn cũng cho rằng trường đại học nên bám sát chương trình học của bậc trung học phổ thông để lựa chọn môn đào tạo phù hợp. Bởi có những môn không sử dụng đến nhưng cũng có những môn rất cần trong khi thời lượng tín chỉ ít, không thu hút được người học.

Thùy Trang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/sinh-vien-tot-nghiep-nganh-giao-duc-the-chat-co-co-hoi-lam-nhung-cong-viec-nao-post243608.gd