Sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ học có cơ hội thăng tiến cao

Mức lương khởi điểm của cử nhân ngành Ngôn ngữ học là từ 10 triệu đồng hoặc có thể cao hơn khi làm việc tại các cơ quan/doanh nghiệp ứng dụng ngôn ngữ học.

Ngành Ngôn ngữ học trong những năm gần đây ngày càng phát triển theo hướng tăng cường những nội dung mang ứng dụng cao nên đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các bạn sinh viên.

Sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ học có thể hòa nhập nhanh vào thị trường lao động trong và ngoài nước ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: làm biên tập viên tại ở các cơ quan thông tấn báo chí; nghiên cứu về ngôn ngữ học ở các viện nghiên cứu ngôn ngữ; giảng dạy ngôn ngữ học, tiếng Việt, văn hóa Việt Nam từ bậc phổ thông đến bậc đại học ở các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước…

Chương trình ngành ngôn ngữ học sẽ học những gì?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Cẩm Lan, Trưởng khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, Khoa Ngôn ngữ học là một trong những khoa lâu năm nhất của trường.

Những năm gần đây, chương trình đào tạo của Khoa được điều chỉnh theo hướng ứng dụng và liên ngành để đáp ứng nhu cầu thực tiễn xã hội, nhờ đó, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm phù hợp với chuyên môn luôn đạt trên 80%.

Theo quy chế đào tạo hàng năm, các chương trình đào tạo được phép thay đổi, điều chỉnh từ 10-15%. Vì thế, nhà trường đã đưa vào chương trình nhiều môn học có tính ứng dụng như: Việt ngữ học với việc dạy tiếng Việt trong nhà trường, phương pháp dạy tiếng Việt cho người nước ngoài để trang bị cho sinh viên kỹ năng giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài; Ngôn ngữ học và truyền thông; Ngôn ngữ báo chí…

 Phó giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Cẩm Lan, Trưởng khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc Gia Hà Nội. Ảnh: NTCC

Phó giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Cẩm Lan, Trưởng khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc Gia Hà Nội. Ảnh: NTCC

“Phạm vi ứng dụng hiện nay của Ngôn ngữ học đang được mở rộng ra những lĩnh vực hết sức mới mẻ. Khoa Ngôn ngữ học đang hoàn thiện các thủ tục để mở hai hướng chuyên ngành Ngôn ngữ học trị liệu và Ngôn ngữ học máy tính, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội hiện nay, thêm cơ hội việc làm thú vị cho các cử nhân ngành Ngôn ngữ học”, Phó giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Cẩm Lan thông tin thêm.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Lan Anh - Trưởng Khoa Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam, Trường Ngoại ngữ Du lịch (thuộc Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) cho biết, sinh viên ngành Ngôn ngữ học của trường sẽ học những kiến thức giáo dục đại cương về lý luận chính trị, khoa học xã hội và nhân văn, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng – an ninh và học những kiến thức cơ sở khối ngành, cơ sở ngành và chuyên ngành Ngôn ngữ học.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Lan Anh, Trưởng Khoa Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam, Trường Ngoại ngữ Du lịch, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: Website nhà trường.

Tuy nhiên, đi theo định hướng ứng dụng nên các môn học cơ sở khối ngành, cơ sở ngành và chuyên ngành sẽ tập trung vào những môn Ngôn ngữ học có tính ứng dụng, được thể hiện ngay từ tên gọi các môn học như: Nhập môn Ngôn ngữ học ứng dụng, Ngôn ngữ truyền thông và tiếp thị; Ngôn ngữ học Ngữ liệu, Ngôn ngữ học và thực hành báo chí, Âm ngữ trị liệu…

“Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thiên về đào tạo các ngành công nghệ, kỹ thuật nhưng từ 2023 trường mở đào tạo ngành Ngôn ngữ học, chính là trường đang đi theo xu hướng phát triển của các trường đại học trên thế giới.

Đặc biệt, các khoa học mũi nhọn hiện nay như trí tuệ nhân tạo, xử lí ngôn ngữ tự nhiên rất cần đến vai trò của Ngôn ngữ học và sự phối hợp giữa Ngôn ngữ học và Công nghệ thông tin. Hiện nay, một số trường đại học ở Việt Nam cũng đi theo hướng đào tạo này", cô Lan Anh lý giải về việc mở ngành Ngôn ngữ học tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: NTCC

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: NTCC

Cũng theo cô Lan Anh, hiện nay có một số sinh viên đang nhầm lẫn ngành Ngôn ngữ học với các ngành ngôn ngữ khác như Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung, Ngôn ngữ Hàn, Ngôn ngữ Nhật.

Điểm khác biệt cơ bản giữa ngành Ngôn ngữ học với các ngành ngôn ngữ khác, đó là: Ngôn ngữ học là ngành học khái quát, với hệ thống các khái niệm, các phương pháp nghiên cứu và ứng dụng tập trung vào đối tượng tiếng Việt, một số ngôn ngữ khác có thể được dẫn ra để so sánh, đối chiếu, làm rõ tính riêng biệt hay phổ quát của khái niệm, hiện tượng.

Còn đối tượng của Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung, Ngôn ngữ Hàn, Ngôn ngữ Nhật là tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Anh, tri thức chung về ngôn ngữ học, thông qua các khái niệm, phương pháp nghiên cứu, các hiểu biết nền tảng, đều có thể được vận dụng để nghiên cứu, giảng dạy tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Anh hay bất kỳ một ngôn ngữ nào khác.

Tuy nhiên, vì là ngành học mới mở trong năm 2023 nên trường cũng gặp phải một số thách thức ban đầu, theo cô Lan Anh, việc đào tạo các ngành Ngôn ngữ học chuyên sâu là để đáp ứng yêu cầu của xã hội nhưng do tính chất mới mẻ nên cũng gặp những khó khăn nhất định trong việc thu hút tuyển sinh.

Do lần đầu tiên trường đào tạo ngành Ngôn ngữ học mà ngành này lại được đào tạo ở một trường có thế mạnh về đào tạo công nghệ, kỹ thuật nên chưa có được sự tin tưởng tuyệt đối ở phụ huynh và học sinh.

Tuy nhiên, trường có đội ngũ giảng viên là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, năng động và chuyên nghiệp trong đào tạo và nghiên cứu Ngôn ngữ học, đủ điều kiện để thực hiện chương trình Ngôn ngữ học theo định hướng ứng dụng ở bậc đại học và sau đại học.

Bên cạnh đó, với thế mạnh về hợp tác trong nước và quốc tế trong nghiên cứu và đào tạo, chương trình đào tạo Ngôn ngữ học được xây dựng tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội luôn đảm bảo tính hiện đại, phù hợp với xu thế của thời đại và phù hợp với nhu cầu của xã hội.

Vị trí việc làm đa dạng cùng cơ hội thăng tiến cao

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Lan Anh, sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ học có nhiều cơ hội thăng tiến trong công việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Mức lương khởi điểm của cử nhân ngành Ngôn ngữ học là từ 10 triệu đồng hoặc có thể cao hơn khi làm việc tại các cơ quan/doanh nghiệp ứng dụng ngôn ngữ học.

Sinh viên ngành học này có thể tích lũy thêm kinh nghiệm trong quá trình làm việc để trở thành Tổng biên tập các nhà xuất bản, làm Trưởng phòng biên tập nội dung tại các cơ quan báo chí, đài truyền hình; làm chuyên gia, trưởng nhóm nghiên cứu, giám đốc trung tâm xử lí ngôn ngữ tự nhiên, trị liệu ngôn ngữ…; học lên thạc sĩ, tiến sĩ Ngôn ngữ học để trở thành chuyên gia/giảng viên chính, giảng viên cao cấp trong các viện nghiên cứu hoặc cơ sở đào tạo về Ngôn ngữ học.

Bên cạnh đó, nhà trường luôn tăng cường kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng nhân sự ngành Ngôn ngữ học như: Nhà xuất bản, tòa soạn báo chí, trung tâm Công nghệ thông tin, trung tâm trị liệu ngôn ngữ, các Viện nghiên cứu về ngôn ngữ (Viện Ngôn ngữ học, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam…); Sở khoa học công Nghệ, Sở Văn hóa Thông tin ở các địa phương; cơ sở giáo dục các cấp… để tạo cơ hội thực tập và việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.

Trường cũng có học bổng ưu tiên cho sinh viên đạt điểm cao trong xét tuyển đầu vào của ngành.

Cùng bàn về vấn đề này, theo Phó giáo sư Trịnh Cẩm Lan, cử nhân ngành Ngôn ngữ học sau khi tốt nghiệp có thể đáp ứng các vị trí việc làm đa dạng trong nhiều lĩnh vực như: Nghiên cứu về ngôn ngữ học, Việt ngữ học ở các viện nghiên cứu; Giảng dạy ngôn ngữ học, Việt ngữ học, ngữ văn, tiếng Việt và văn hóa Việt Nam từ bậc phổ thông đến bậc đại học; phóng viên hoặc làm công tác trị liệu ngôn ngữ.

Trong thời gian gần đây, việc kết hợp Ngôn ngữ học với các ngành khác như Báo chí, Tâm lý học, Nhân học, Khoa học máy tính đã mở ra rất nhiều triển vọng. Trong đó, không thể nhắc tới Ngôn ngữ học trị liệu.

Thực tế, các khoa Phục hồi chức năng của Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai đang thiếu trầm trọng những người làm công tác này. Vậy nên, nhiều cựu sinh viên của Khoa sau khi học thêm các khóa đào tạo về trị liệu đã trở thành những chuyên gia trong lĩnh vực ngôn ngữ.

Chia sẻ về những hoạt động hỗ trợ liên quan đến thực tập, thực tế của sinh viên trong chương trình đào tạo, cô Lan cho biết, mỗi khóa sinh viên có hai đợt thực tập.

Hiện tại, khoa có quan hệ đối tác với nhiều trường đại học ở các nước như Pháp, Mỹ, Australia, Nhật Bản…. Vì vậy, trong đợt thực tập thứ nhất, sinh viên có cơ hội được đi các nước này, đợt thực tập thứ hai sinh viên được thực tập tại các cơ sở như các tòa soạn báo, nhà xuất bản…

Bên cạnh đó, nhà trường có Trung tâm thực hành ứng dụng Ngôn ngữ học và Việt ngữ học luôn tạo điều kiện trong các hoạt động trải nghiệm nghiên cứu, giảng dạy.

Bạn Trình Phương Uyên - sinh viên K66 Khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội niên khóa 2021 - 2025 cho biết, lý do quyết định chọn theo học ngành Ngôn ngữ học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn bởi em cảm thấy có niềm yêu thích đặc biệt với ngôn ngữ và tò mò về quá trình hình thành phát triển, cách thức tiếp cận với các ngôn ngữ từ Tiếng Việt cho đến các ngoại ngữ khác trên thế giới nên đã lựa chọn Khoa Ngôn ngữ học.

Tuy nhiên, theo Uyên, một vấn đề nhiều bạn tân sinh viên sẽ dễ gặp phải đó là việc các bạn hiểu nhầm “học Ngôn ngữ học là học nhiều ngoại ngữ một lúc”, cho nên thời gian đầu sẽ dễ bị hụt hẫng, đôi khi là chông chênh.

Ngoài ra việc tiếp cận với ngành Ngôn ngữ học, đặc biệt là khi học sâu vào chuyên ngành sẽ gây khó khăn nếu bản thân người học có năng lực chưa tốt về các ngoại ngữ liên quan như tiếng Trung, tiếng Anh…

Môi trường học tập của trường rất đa dạng, sau 3 năm học tập và sinh hoạt tại trường, bản thân em cũng tham gia, đạt thành tích trong một số hoạt động như: Đạt học bổng cấp trường 2 kỳ: học kỳ I năm 2021-2022, học kỳ 2 năm 2022-2023; Liên chi Hội trưởng Khoa Ngôn ngữ học; Phó bí thư Liên chi Đoàn Khoa Ngôn ngữ học; Chi hội trưởng lớp K66; Trưởng Ban truyền thông Khoa Ngôn ngữ học…”. Uyên thông tin thêm.

Để đạt được những thành tích tốt trong học tập cũng như trong các hoạt động ngoại khóa, Uyên cho biết, khi tiếp cận sâu ngành Ngôn ngữ học cảm thấy rất thú vị, cho mình thêm những tri thức chuyên sâu về Tiếng Việt như là về lịch sử hình thành ngôn ngữ, các phương ngữ, ngôn ngữ dân tộc thiểu số, ứng dụng của ngành trong thực tiễn…. những điều mà gần như nếu không phải sinh viên của Khoa thì mình sẽ không được tiếp cận và biết đến.

Về kinh nghiệm trong quá trình học tập tại trường, các bạn nên học cách sắp xếp và quản lý thời gian thật hợp lý để có thể vừa học, vừa tham gia các hoạt động cộng đồng và vừa có thể đi làm để kiếm thêm thu nhập và lĩnh hội các kinh nghiệm xã hội.

Đối với kinh nghiệm học tập, các bạn nên chăm chỉ đọc sách, giáo trình, tài liệu môn học, chú ý nghe giảng trên lớp và có cách ghi chép lại một cách khoa học những gì mình đã tiếp thu. Đối với nội dung mà mình chưa nắm chắc hoặc còn phân vân đừng ngại mà hãy mạnh dạn đặt câu hỏi cho giảng viên hoặc các anh chị khóa trên để mình có thể tiếp thu tốt hơn.

Về định hướng ngành nghề sau khi tốt nghiệp, Uyên chia sẻ, cơ hội việc làm với các bạn sinh viên khoa Ngôn ngữ học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là rất rộng mở. Bản thân mình, khi tốt nghiệp sẽ dự định làm việc ở lĩnh vực truyền thông - một định hướng liên ngành của Khoa.

Thu Trang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/sinh-vien-tot-nghiep-nganh-ngon-ngu-hoc-co-co-hoi-thang-tien-cao-post241210.gd