Sinh viên tốt nghiệp ngành Quan hệ công chúng có thể làm về Marketing
Ngành Quan hệ công chúng và Marketing có sự tương đồng trong một số khía cạnh, nhưng cũng có những đặc điểm riêng biệt.
Trong nền kinh tế hiện đại, Marketing và Quan hệ công chúng (PR) là hai công cụ quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu, nhằm phát triển hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Những năm gần đây, hai ngành học này nằm trong top ngành “hot” của nhiều trường đại học, là lựa chọn của nhiều thí sinh. Thế nhưng, không ít người đang bị nhầm lẫn và chưa phân biệt rõ được sự khác nhau giữa ngành Quan hệ công chúng và ngành Marketing.
Phân biệt ngành Marketing và Quan hệ công chúng
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Mai Phương, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Truyền thông Số, Trường Đại học Gia Định cho biết, ngành Quan hệ công chúng và Marketing có sự tương đồng ở một số khía cạnh, nhưng cũng có những đặc điểm riêng biệt.
Trước hết, về chương trình đào tạo và kiến thức chuyên sâu, ngành Quan hệ công chúng sẽ đào tạo vững kỹ năng chuyên môn như xây dựng chiến lược, quản lý chiến lược quan hệ công chúng, xây dựng và quản trị thương hiệu cũng như quản trị rủi ro và xử lý khủng hoảng truyền thông.
Trong khi đó, ngành Marketing sẽ đào tạo các kỹ năng như đo lường hiệu quả truyền thông, quản trị và phát triển sản phẩm mới, phân tích đối thủ, tiếp thị nội dung.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Mai Phương, mục tiêu chính của 2 ngành này cũng có nhiều sự khác biệt, ngành Quan hệ công chúng sẽ tập trung vào việc quản lý và xây dựng mối quan hệ tích cực với cộng đồng, báo chí, và các đối tác khác để tạo ra hình ảnh tích cực.
Còn ngành Marketing tập trung vào việc tối ưu hóa giá trị của sản phẩm hoặc dịch vụ để đạt được mục tiêu kinh doanh.
Bên cạnh đó, ở khía cạnh phương tiện truyền thông, nếu Quan hệ công chúng thường liên quan đến quan hệ với báo chí và các kênh truyền thông khác thì Marketing lại sử dụng nhiều kênh truyền thông để quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ.
Theo cô Phương, người học ngành Quan hệ công chúng và Marketing cần chuẩn bị những kỹ năng, năng lực như: Kiến thức và kỹ năng chuyên môn trong ngành; các kỹ năng mềm: giao tiếp, thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết vấn đề.
Bên cạnh đó, sinh viên cần rèn luyện tư duy logic để có thể phân tích dữ liệu và đưa ra những quyết định sáng suốt.
Cùng chia sẻ về 2 ngành học này, Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngành Quan hệ công chúng và ngành Marketing là 2 ngành học có số lượng thí sinh lựa chọn theo học ngày càng tăng.
Tuy nhiên, có khá nhiều quan điểm khác nhau về sự tương đồng hay không tương đồng giữa 2 ngành Quan hệ công chúng và Marketing, nhiều thí sinh mơ hồ và nhầm lẫn.
Về chương trình đào tạo, ngành Marketing là học những kiến thức mang tính phổ quát hơn, còn ngành Quan hệ công chúng là học các kiến thức chuyên môn sâu về những kỹ năng, phẩm chất, công việc cụ thể của người làm quan hệ công chúng mà trọng tâm là các mối quan hệ của doanh nghiệp, tổ chức với các đối tượng có liên quan.
Cũng theo thầy Nguyên, để phân biệt ngành Quan hệ công chúng và ngành Marketing, các bạn thí sinh cần tìm hiểu kỹ về mục tiêu của từng ngành, tính chất công việc, phạm vi công việc, kết quả đem lại.
Tiến sĩ Nguyễn Mai Phương thông tin: “Ngành Marketing và Quan hệ công chúng đang được Trường Đại học Gia Định xác định đầu tư trọng điểm cho tương lai.
Bởi trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang ngày một phát triển, hướng tới nền kinh tế trẻ, năng động thì nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp với hai ngành này ngày càng cao.
Tỷ lệ sinh viên nhập học của 2 ngành này có xu hướng sẽ tăng trong các năm tới, vì thế, trường đang tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy”.
Tuy nhiên, quá trình đào tạo ngành Quan hệ công chúng và Marketing cũng gặp phải một số thách thức ban đầu. Tiến sĩ Nguyễn Mai Phương cho biết, trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, cần điều chỉnh, cập nhật chương trình đào tạo để sinh viên ra trường có thể thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng trong ngành, bao gồm cả các xu hướng công nghệ mới.
Bên cạnh đó, trường phải tìm kiếm, phát triển và duy trì mối quan hệ với các đơn vị truyền thông bên ngoài, cũng như tăng cường sự hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, để tạo điều kiện, mở rộng cơ hội cho sinh viên được thực tập, thực tế tại doanh nghiệp từ sớm.
Nếu chủ động học tập, đi thực tế tại các doanh nghiệp sẽ giúp các em trưởng thành nhanh hơn và có nhiều cơ hội cộng tác làm việc, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp”.
Tốt nghiệp ngành Quan hệ công chúng và Marketing, cơ hội làm việc ra sao?
Để phân biệt được ngành Marketing và ngành Quan hệ công chúng khác, có thể nhìn ở vị trí việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Thạc sĩ Lương Quý Ngọc, Giám đốc chương trình ngành Marketing, Trường Đại học Gia Định cho hay, hằng năm, số lượng sinh viên tốt nghiệp ngành Marketing thường có cơ hội làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau, cụ thể như là chuyên viên hay nhà quản trị các bộ phận có liên quan đến hoạt động marketing, thị trường, khách hàng, thương hiệu và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, sinh viên sau khi ra trường có thể làm công tác nghiên cứu và giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học, các viện nghiên cứu hay làm việc tại các cơ quan nhà nước ở vị trí chuyên viên phân tích, dự báo, tư vấn chính sách; quản lý thị trường…
Còn với ngành Quan hệ công chúng, Tiến sĩ Nguyễn Mai Phương chia sẻ, sinh viên ra trường sẽ có khả năng tác nghiệp độc lập cũng như kỹ năng teamwork (làm việc nhóm).
Chính vì vậy, các em sẽ có nhiều cơ hội việc làm ở lĩnh vực truyền thông, truyền thông nội bộ của các công ty lớn nhỏ, công ty tư nhân hoặc công tác tại phòng truyền thông của doanh nghiệp - thuộc tập đoàn Đa quốc gia đến các cơ quan Nhà nước.
Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Huyền, Giám đốc Chương trình Quản trị công nghệ truyền thông, Trường Đại học Hoa Sen, việc lựa chọn làm việc trong ngành Quan hệ công chúng hay ngành Marketing tùy thuộc vào phẩm chất, đam mê và năng lực cá nhân.
Nếu sinh viên có mong muốn tập trung vào việc tìm kiếm và xây dựng phát triển mối quan hệ giữa các cá nhân với doanh nghiệp, với cộng đồng có thể chọn theo học ngành Quan hệ công chúng.
Còn nếu sinh viên mong muốn chọn những hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng thông qua các chiến lược, kế hoạch marketing của doanh nghiệp nên theo học ngành Marketing.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tiếp thị kỹ thuật số, sự khác biệt giữa hai ngành này không quá đậm nét. Hơn nữa hai ngành lại bổ sung cho nhau. Thêm vào đó, sự dịch chuyển và linh hoạt bước từ khu vực ngành nghề này sang khu vực ngành nghề khác hay một ngành có thể làm nhiều nghề - một nghề đến từ nhiều ngành là câu chuyện quen thuộc hiện nay, đòi hỏi người lao động cần thích ứng.
Vậy nên, một sinh viên tốt nghiệp ngành Quan hệ công chúng nếu muốn dịch chuyển sang khu vực Marketing hay ngược lại, làm cùng một vị trí vẫn có thể được nếu sinh viên sẵn sàng bổ túc thêm những kiến thức và kỹ năng cần thiết.
Bàn về cơ hội phát triển cũng như định hướng nghề nghiệp của 2 ngành học trên, Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên chia sẻ: “Hàng năm, sinh viên tốt nghiệp ngành Quan hệ công chúng và Marketing có cơ hội công việc khá đa dạng với mức lương từ 12 triệu đến trên 20 triệu và cao hơn, thường làm việc trong các cơ quan truyền thông (đài truyền hình, cơ quan thông tấn báo chí, công ty truyền thông, các agency quan hệ công chúng truyền thông) hoặc làm việc tại bộ phận truyền thông, marketing, bộ phận chăm sóc khách hàng, quản trị nhãn hàng, quản trị thương hiệu, nghiên cứu thị trường của các công ty, doanh nghiệp.
Một số sinh viên chọn làm freelancer (tự do) trong môi trường truyền thông xã hội Social Media, sản xuất content, tham gia các ekip sản xuất chương trình, trở thành người đại diện cho các KOL, nghệ sĩ, hoặc làm về tổ chức sự kiện”.
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên cũng cho biết, nhà trường luôn tạo điều kiện cho sinh viên các hoạt động kết nối, hợp tác doanh nghiệp, đảm bảo nơi thực tập và giới thiệu việc làm cho sinh viên.
Nhà trường có trung tâm hợp tác doanh nghiệp đảm bảo cung cấp các vị trí thực tập cho sinh viên tại Việt Nam và quốc tế, mỗi năm học luôn có nhiều hoạt động ngày hội, tuần lễ phỏng vấn từ doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, trường cũng hướng dẫn sinh viên những kiến thức và kỹ năng trước khi tham gia thị trường lao động, phỏng vấn tuyển dụng sinh viên, giới thiệu nghề nghiệp đến sinh viên.
Sinh viên có thể tham gia thực tập tại các doanh nghiệp trong nước hoặc thực tập tại các doanh nghiệp quốc tế như Nhật, Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc… sau thời gian thực tập sinh viên có thể được các doanh nghiệp tiếp nhận vào làm việc chính thức sau khi tốt nghiệp.
Còn tại Trường Đại học Hoa Sen, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết, nhà trường luôn xây dựng mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp thông qua Trung tâm Trải nghiệm Việc làm Sinh viên. Chính vì vậy, các bạn sinh viên tìm được doanh nghiệp thực tập và thậm chí nhiều bạn sinh viên có việc làm từ năm thứ hai, thứ ba khi đang theo học tại trường.
Mặt khác, các thầy cô là những người vừa giảng dạy - vừa công tác trong lĩnh vực Quan hệ Công chúng và Marketing cũng là cầu nối đưa các bạn đến với những công ty lớn, có tiếng trong hai lĩnh vực này.