Sinh viên Trung Quốc không 'mặn mà' du học

Năm 1989, khoảng 1.600 trong 2.251 sinh viên Trung Quốc tốt nghiệp sang Mỹ và ở lại học tập, làm việc.

Sinh viên Trung Quốc tham gia lễ tốt nghiệp tại Mỹ.

Sinh viên Trung Quốc tham gia lễ tốt nghiệp tại Mỹ.

Hiện nay, xu hướng trên thay đổi theo chiều hướng giảm.

Theo một thống kê năm 2022, chỉ 7% người tốt nghiệp Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc, cả bậc cử nhân và cao học, tiếp tục theo đuổi nghiên cứu ở nước ngoài. Còn tại Đại học Bắc Kinh, 14% trong gần 3.200 sinh viên chọn du học. Con số này chỉ bằng một nửa so với năm 2017.

Một nhà vật lý giấu tên tại Đại học Thanh Hoa cho biết: “Trong 4 năm qua, phần lớn những sinh viên xuất sắc nhất của trường đã chọn ở lại Trung Quốc và chỉ số ít du học”. Câu chuyện của Thanh Hoa hay Bắc Kinh phản ánh xu hướng mới. Dù du học vẫn còn hấp dẫn nhưng ngày càng nhiều nhân tài Trung Quốc không mấy “mặn mà”.

Theo Bộ Giáo dục, từ khi Trung Quốc cải cách và mở cửa vào năm 2021, khoảng 8 triệu sinh viên đã du học. Bộ đánh giá đây là con số lớn, tác động mạnh mẽ đến cả hai chiều trong dòng chảy Mỹ - Trung. Giờ đây, trong xu hướng sinh viên Trung Quốc giảm, các nhà khoa học đang làm việc tại Mỹ cũng cảm nhận được làn sóng này.

Ông Zhao Yiping - Giáo sư Vật lý tại Đại học Georgia (Mỹ) cho biết, trước đây, hơn một nửa tân sinh viên trong khoa ông là người Trung Quốc. Năm nay, con số chỉ đếm trên đầu ngón tay và thay vào đó là sinh viên đến từ các nước đang phát triển như Nepal, Bangladesh.

“Chúng tôi muốn làm việc với sinh viên Trung Quốc vì nhìn chung, nền tảng học thuật của họ chắc chắn hơn”, ông Zhao nhìn nhận.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm trên mà nổi bật trong số đó là tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, đại dịch không phải nguyên nhân chính mà là do Trung Quốc đang trở thành cường quốc khoa học và công nghệ toàn cầu.

PGS Shen Wenqin - Đại học Bắc Kinh chia sẻ: “Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực học thuật. Nếu sinh viên bị hạn chế lấy bằng Khoa học máy tính ở Mỹ, nhiều khả năng họ sẽ không chuyển sang Đức hay Anh vì Trung Quốc cũng là cường quốc hàng đầu và sở hữu nhiều công ty công nghệ lớn”.

Bên cạnh đó, nhiều giảng viên trong các trường đại học hàng đầu Trung Quốc tốt nghiệp từ các trường danh tiếng như Stanford, MIT hay Harvard. Họ là những người có tầm nhìn toàn cầu và ủng hộ thúc đẩy hợp tác quốc tế trong giáo dục.

Ngoài ra, Trung Quốc đã và đang nâng cấp cơ cấu công nghiệp nhằm phát triển thành một nền kinh tế công nghệ tiên tiến, từ đó, tạo ra nhiều việc làm cho các chuyên gia công nghệ trẻ. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc không còn phụ thuộc vào phương Tây trong việc đào tạo nhân tài như trước đây.

Đứng trước xu hướng người trẻ Trung Quốc không còn tìm kiếm cơ hội học tập tại nước ngoài, các học giả bày tỏ quan điểm tích cực.

Theo PGS Shen, sự thay đổi trên mang lại lợi ích cho Trung Quốc. Trước đây, đất nước phải trải qua tình trạng “cạn” nhân tài do những sinh viên xuất sắc nhất ra nước ngoài và phần lớn không trở lại.

Tuy nhiên, nhiều học giả cũng lo ngại xu hướng giảm sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển khoa học của Trung Quốc. Trong nhiều thập kỷ qua, nước này đã gửi các tài năng trẻ đến các nước phát triển và duy trì trao đổi học thuật nhằm phát triển khoa học. Quá trình trao đổi chững lại có thể ảnh hưởng đến sự đổi mới.

Trung Quốc hiện nay khác xa so với những năm đầu thế kỷ 21. Theo báo cáo của tổ chức nghiên cứu và xếp hạng học thuật quốc tế Nature Index hồi tháng 6, Trung Quốc đã vượt Mỹ về số lượng công bố bài báo khoa học. Ngoài ra, theo bảng xếp hạng các trường đại học thế giới năm 2024 của THE, Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh đều tăng thứ bậc, lần lượt xếp hạng 12 và 14. Các trường đại học Trung Quốc đang dần rút ngắn khoảng cách với các cơ sở phương Tây và tiến gần hơn vào top 10.

Theo SCMP

Tú Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/sinh-vien-trung-quoc-khong-man-ma-du-hoc-post657955.html