Sinh viên xuất sắc vẫn bị doanh nghiệp 'từ chối' tuyển dụng

AI (trí tuệ nhân tạo) đang cố gắng trở thành giống như con người nhưng nhiều sinh viên hiện nay lại tự muốn biến mình thành AI.

Ngày 23-4, tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã diễn ra ngày hội việc làm năm 2023 dành cho sinh viên, người lao động tại TP.HCM và một số địa bàn lân cận.

Ngày hội đã thu hút 57 doanh nghiệp đến trực tiếp giới thiệu và phỏng vấn, tuyển dụng với hơn 5.000 đầu việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Đáng chú ý, trong khuôn khổ ngày hội, tại Talkshow “Bùng nổ công nghệ - Rủi ro suy thoái kinh tế và cơ hội việc làm hiện nay”, các chuyên gia về nhân sự, nhà quản lý giáo dục đã có những chia sẻ thú vị và thiết thực về những xu hướng, thách thức trong tuyển dụng cũng như cơ hội việc làm cho sinh viên.

Theo PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, sắp tới, đối với các ngành nghề đào tạo và nhu cầu của xã hội sẽ có hai xu hướng chính.

Thứ nhất, những ngành hoàn toàn mới sẽ ra đời để đáp ứng nhu cầu kinh tế, xã hội trong kỷ nguyên công nghệ số và đổi mới sáng tạo hiện nay. Bản thân các trường ĐH những năm gần đây cũng đã mở các ngành liên quan đến công nghệ, đổi mới sáng tạo và luôn thu hút lượng lớn thí sinh đăng ký vào học với mức điểm chuẩn cao.

Thứ hai, những ngành đào tạo truyền thống phải tự đổi mới mình để có thể thích nghi với sự đào thải của nền kinh tế, ví dụ ngày xưa viết thư tay rồi đến email và ngày nay chỉ cần ra lệnh là sẽ có AI (trí tuệ nhân tạo) viết sẵn. Đơn cử các ngành như marketing, tài chính, kinh doanh…bắt buộc phải ứng dụng công nghệ cao để nâng cao hiệu quả, đáp ứng năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo chia sẻ tại talkshow sáng 23-4. Ảnh: P.ANH

PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo chia sẻ tại talkshow sáng 23-4. Ảnh: P.ANH

PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo cho biết, khi đi tư vấn tuyển sinh năm nay, phần lớn phụ huynh, học sinh thường đặt ra câu hỏi rằng “ngành nghề nào sẽ bị thay thế bởi AI, ngành nghề nào sẽ lên ngôi?”. Tuy nhiên, theo ông, đó là cách đặt vấn đề sai vì bất kỳ ngành nào cũng có thể bị AI thay thế và cũng có thể không có ngành nghề nào bị thay thế cả.

Bởi có những thứ AI làm tốt hơn chúng ta nhưng có những thứ không có máy móc nào làm thay được vì máy móc không thể có lòng trắc ẩn, sự thấu cảm, giao tiếp linh hoạt và tính người trong tư duy.

PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo thẳng thắn: “AI đang cố gắng trở thành giống như con người nhưng nhiều sinh viên hiện nay lại tự muốn biến mình thành AI, tức làm việc không khác nào cái máy. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp không hề thích những sinh viên ra trường với thành tích từ 9 chấm đâu. Cái họ cần là những sinh viên năng động, sáng tạo, biết cách giao tiếp, thấu hiểu cấp trên và khách hàng, nhiều kỹ năng trải nghiệm các hoạt động xã hội…dù học lực chỉ 6 chấm cũng được”.

Từ đó, PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo khuyên: “Sinh viên đừng sợ những cái gọi là chatGPT, AI. Các em phải tự tin học tập, rèn luyện kỹ năng, tận dụng cơ hội khi còn ở trường ĐH để học hỏi thật tốt từ thầy cô, trang thiết bị hiện đại thì sẽ không lo thất nghiệp hay bị AI thay thế”.

Đồng quan điểm này, PGS-TS Nguyễn Trường Thịnh, Viện trưởng Viện công nghệ thông minh tương tác của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng không có sự biến mất của ngành nghề nào cả mà chính là sự linh hoạt, chuyển đổi cái này sang cái khác, ngành này sang ngành nghề khác. Do đó, quan trọng là sinh viên hay bất kỳ ai cũng phải học làm sao cho linh hoạt, để thích nghi với bất kỳ sự thay đổi nào trong thời đại công nghệ số.

Sinh viên đặt câu hỏi với các chuyên gia. Ảnh: P.ANH

Sinh viên đặt câu hỏi với các chuyên gia. Ảnh: P.ANH

Ở góc độ là chuyên gia về nhân sự tại doanh nghiệp, ông Bùi Quang Vinh cho biết hiện nay, doanh nghiệp có xu hướng tuyển dụng những người có đầy đủ kỹ năng hơn. Như tại doanh nghiệp ông đang quản lý, trước đây có thể tuyển ba người với ba kỹ năng khác nhau vào làm về công tác nhân sự nhưng hiện nay chỉ cần tuyển một người nhưng có đầy đủ các kỹ năng đó.

“Khi đó, bằng kỹ năng của mình, họ có thể tận dụng công nghệ như chatGPT để hỗ trợ công tác chuyên môn tốt hơn. Cho nên chúng ta hãy học và rèn luyện kỹ năng để làm sao biến chatGPT, AI thành nô lệ cho mình chứ đừng biến mình thành nô lệ cho chúng” – ông Vinh lưu ý.

Ông Vinh cũng thẳng thắn rằng hiện nay doanh nghiệp đang rất đau đầu với thế hệ tuổi 1997 trở về sau vì nhảy việc như chong chóng, trong khi kỹ năng của các bạn còn thiếu. Điều này rất sai lầm, vì các doanh nghiệp khi tuyển dụng luôn kỳ vọng tính chung thủy của nhân sự. Các em cần thời gian để gắn bó công việc, học hỏi, rèn luyện vững các kỹ năng theo từng vị trí việc làm, khi đó cơ hội thăng tiến và thành công nhiều hơn.

Quý 2 năm 2023, TP.HCM sẽ cần 67.000 đến 73.000 chỗ làm mới

TS Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết trong quý 1 năm 2023, TP.HCM đã giải quyết việc làm cho hơn 69.654 người, đạt gần 27% kế hoạch năm và tạo ra hơn 35.575 chỗ làm việc mới.

Dự báo trong quý 2 năm 2023, TP.HCM sẽ cần 67.000 đến 73.000 chỗ làm việc mới. Trong đó, nhu cầu nhân lực ở lao động qua đào tạo chiếm 86,92%. Cụ thể, trình độ ĐH trở lên chiếm 20,17% cao đẳng chiếm gần 19%, và trình độ trung cấp 20,43%, lao động chưa qua đào tạo lao động phổ thông chiếm 13,08%.

PHẠM ANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/sinh-vien-xuat-sac-van-bi-doanh-nghiep-tu-choi-tuyen-dung-post730096.html