SIPRI: Các cuộc khủng hoảng thúc đẩy buôn bán vũ khí toàn cầu gia tăng
Mỹ vẫn dẫn đầu trên thị trường vũ khí toàn cầu, trong khi Trung Đông, nơi đang diễn nhiều xung đột, tăng cường nhập khẩu vũ khí.
Thế giới đang xáo trộn và đó cũng là điều kiện để giao dịch vũ khí toàn cầu diễn ra sôi động. Không có nước nào xuất khẩu nhiều thiết bị quân sự hơn Mỹ. Và cũng không có quốc gia nào nhập khẩu nhiều vũ khí hơn Saudi Arabia. Đó là hai kết luận được nêu trong báo cáo phân tích về các xu hướng của thị trường vũ khí toàn cầu trong 5 năm qua của Viện Nghiên cứu Hòa Bình Quốc tế (SIPRI) tại Stockholm mới được công bố trong tháng này.
Nếu đối chiếu số liệu giai đoạn 2015 – 2019 và 2010-2014, có thể thấy, giao dịch vũ khí toàn cầu tăng trên 5% và tăng 20% so với giai đoạn 2005-2009. Tuy nhiên, tỉ lệ tăng trưởng buôn bán thiết bị quân sự có sự khác biệt lớn giữa các vùng lãnh thổ.
Báo cáo của SIPRI còn cho thấy kể từ năm 2015, xuất khẩu vũ khí sang khu vực Trung Đông tăng trên 61% so với 5 năm trước.
Chuyên gia nghiên cứu về vũ trang của SIPRI, Pieter Wezeman, nhận định đây là “vấn đề đáng quan ngại nếu xét đến cục diện khi có nhiều xung đột trong khu vực và tình hình những xung đột này có nguy cơ leo thang, ví dụ xung đột giữa Iran và Saudi Arabia”.
Mỹ, Nga, Pháp: 3 nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới
Nguồn cung cấp vũ khí chính trên thế giới vẫn là Mỹ, nước đă tăng xuất khẩu vũ khí 23%. Saudi Arabia vẫn là nước nhập khẩu vũ khí lớn, Australia đứng thứ 2 và kế tiếp là Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UEA). Nhìn chung, trên 1/3 tổng số vũ khí được giao dịch trên toàn thế giới hiện nay được chế tạo tại Mỹ.
Ông Wezeman nhấn mạnh đến một lý do: “Mỹ dĩ nhiên là một nền công nghiệp chế tạo vũ trang lớn. Điều quan trọng đối với một ngành công nghiệp vũ khí đó là có nhiều khách hàng để đạt được sự bền vững tối đa về mặt kinh tế.”
Ngoài ra, chuyên gia này còn cho biết thêm Washington coi xuất khẩu vũ trang là “một phần quan trọng trong chính sách an ninh và đối ngoại của nước này. Xuất khẩu vũ trang để kết bạn, tạo ra các đồng minh và đảm bảm rằng Mỹ có thể hợp tác với các nước khác trong các hoạt động quân sự.”
5 nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong giai đoạn 2015-2019, theo báo cáo của SIPRI, là Mỹ (kiểm soát 36% thị phần xuất khẩu vũ khí toàn cầu), kế tiếp là Nga (21%), Pháp (7,9%), Đức (5,8%), Trung Quốc (5,5%).
Nga vẫn là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai trên thế giới, song khoảng cách đang gia tăng. Xuất khẩu vũ khí của Nga đã giảm 18% trong 5 năm qua. Pháp vươn lên là quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn thứ 3 khi xuất khẩu thiết bị quân sự của nước này trong giai đoạn 2015-2019 tăng 72% so với giai đoạn 5 năm trước đó.
Ông Max Mutscher, nhà khoa học chính trị, thuộc Trung tâm Chuyển đổi Quốc tế (BICC) - tổ chức nghiên cứu về hòa bình và xung đột của Đức, cho hay thị phần của Pháp tăng một phần nhờ những thành công trong hoạt động bán máy bay chiến đấu Rafale. “Pháp đã ký được một vài hợp đồng bán máy Rafale lớn, trong đó phải kể đến với các nước như Ai Cập, Quatar và Ấn Độ. Và khi bạn đang bán các hệ thống vũ khí vô cùng tân tiến và tinh vi như vậy trong lĩnh vực chiến đấu cơ và tàu lục chiến, thì hiển nhiên số tiền thu được về sẽ tăng theo cấp số nhân”, ông Mutscher diễn giải.
Đức có thực sự 'tiết chế' xuất khẩu vũ khí của Đức?
Đức tiếp tục giữ vị trí thứ 4 trong danh sách các nước cung cấp vũ khí quan trọng nhất thế giới, đưa Đức là một trong năm nước kiểm soát trên 3/4 giao dịch thiết bị quân sự toàn cầu.
Chính phủ Đức đã từng tuyên bố sẽ theo đuổi chính sách 'tiết chế' xuất khẩu vũ trang. Song trên thực tế, trong giai đoạn 2015-2019, xuất khẩu vũ khí của Đức đã tăng 17% cho dù Saudi Arabia, vốn trước đây là khách hàng lớn của các nhà chế tạo vũ khí Đức, đã được liệt kê vào “danh sách đen” vào mùa thu năm 2018. Đức đã ngừng xuất khẩu vũ khí cho nước vùng Vịnh này sau khi nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi bị sát hại.
Ngoài việc tăng xuất khẩu vũ khí, ông Mutscher cho hay, nước thành viên NATO Đức còn đang cung cấp một số lượng đáng kể vũ khí cho các nước ngoài khối NATO hay còn gọi là các nước thứ 3. Ông Mutscher chỉ ra rằng: “Trong báo cáo SIPRI tháng 3/2020, ví dụ chúng ta có Algeria đứng thứ 3 về tiếp nhận vũ khí của Đức, kế tiếp là Hàn Quốc và Hy Lạp.”
Quatar và Ai Cập cũng là những nước nhập khẩu vũ khí quan trọng của Đức trong những năm gần đây, ông Muschler cho hay. Ngoại trừ năm 2019, trong một vài năm qua các nước thứ 3 tiếp nhận trên 50% lượng vũ khí xuất khẩu của Đức. “Và con số này còn bao gồm các nước thứ 3 đang có các vấn đề về nhân quyền hay tham gia chiến tranh ở các nước láng giếng như Yemen”, ông Mutscher nói.
Báo cáo tổng kết xuất khẩu vũ khí Đức được công bố vào tháng 11/2019 càng khẳng định điều này. Trong nửa đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu vũ khí, bao gồm tên lửa, các phụ tùng tên lửa, và các hệ thống theo dõi mục tiêu, của Đức sang Ai Cập đạt trên 800 triệu euro (913 triệu USD). Xuất khẩu radar theo dõi của Đức sang UAE, nước tham gia tích cực vào cuộc chiến tranh tại Yemen, cũng được phê chuẩn.
Các nhà sản xuất vũ khí “bội thu”
Ông Armin Papperger, CEO công ty sản xuất vũ khí lớn nhất của Đức Rheinmetall, phấn khởi với cái ông gọi là “chu kỳ lợi nhuận khủng” đối với ngành chế tạo vũ khí khi công bố con số lợi nhuận tăng đột biến. Ông Papperger mô tả đây là “một thời điểm hiếm có đối với hoạt động mua vũ khí, đạn dược hay phương tiện.”
Là công ty đứng thứ 22 trong danh sách các nhà cung cấp thiết bị quân sự toàn cầu, công ty quốc phòng này hưởng lợi từ thực tiễn nhiều nước do cảm thấy đang bị tụt hậu về phương diện mua sắm thiết bị quân sự đang đẩy mạnh chi tiêu ngân sách để đuổi kịp và các nước này không chỉ nằm trong khối NATO. NATO đang nỗ lực triển khai để đạt chỉ tiêu chi phí quân sự của khối là 2% GDP đối với từng nước thành viên.
Báo cáo tổng kết thường niên của các nhà nghiên cứu SIPRI chú trọng đến các xu hướng quốc tế dài hạn. Số liệu của họ được tính toán dựa trên khối lượng các hợp đồng mua bán vũ khí chứ không theo giá trị tài chính. Vì thế, báo cáo của SIPRI kết hợp với những biến đổi và yếu tố thị phần được tính bằng tỉ lệ phần trăm. Báo cáo này không chỉ ra những con số tuyệt đối về giá trị các những hợp đồng chuyển giao vũ khí được tính bằng euro hay đô la.
Tuy nhiên, khi được hỏi, chuyên gia SIPRI Wezeman ước tính giá trị buôn bán vũ khí toàn cầu đạt khoảng 80 đến 100 ngàn tỉ USD mỗi năm. Điều này có nghĩa là buôn bán vũ khí chiếm chưa đầy 1% mậu dịch toàn cầu, ông Wezeman giải thích./.