Slovakia gửi xe chiến đấu bộ binh cho Ukraine để đổi lấy xe tăng Đức
Thỏa thuận xe tăng với Đức cũng bao gồm đạn dược, huấn luyện và phụ tùng thay thế.
Theo trang tin EURACTIV.sk (Slovakia) ngày 24/8, Slovakia sẽ gửi 30 xe chiến đấu bộ binh BVP từ thời Liên Xô tới Ukraine để đổi lấy 15 xe tăng Leopard-2 của Đức trong một thỏa thuận được ký kết giữa Bratislava và Berlin hôm 23/8.
Thỏa thuận giữa Đức và Slovakia đã được đàm phán trong nhiều tháng. Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia Jaroslav Naď cho biết lô xe tăng đầu tiên sẽ được chuyển đến từ Đức vào cuối năm nay nhưng không cho biết khi nào Kiev sẽ nhận được xe chiến đấu bộ binh từ Bratislava.
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht nêu rõ trong một tuyên bố: “Tôi rất vui vì với thỏa thuận mới giữa Đức - Slovakia, chúng tôi đang đạt được tiến bộ khi thực hiện các thỏa thuận hoán đổi liên quan đến Ukraine".
Chính quyền Đức trước đây đã biện minh cho cách tiếp cận gián tiếp này vì nhiều vũ khí hạng nặng hiện đại của Đức sẽ khó vận hành đối với binh sĩ Ukraine, những người vốn được huấn luyện với các thiết bị thời Liên Xô.
Trước đây, Slovakia được cho là sẽ chuyển xe tăng T-72 cho Ukraine, nhưng quân đội Slovakia hiện vẫn giữ những chiếc xe tăng này. Đầu mùa Hè, một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Slovakia giải thích rằng thỏa thuận này đang gặp nguy hiểm vì Slovakia cho rằng đề nghị nhận 15 chiếc Leopard để đổi lấy 30 chiếc xe tăng T-72 là không thỏa đáng.
“Các quốc gia khác sẽ chuyển giao xe tăng hoặc các phương tiện chiến đấu cho Ukraine, và đổi lại, họ sẽ nhận được một nửa trong số đó từ Đức. Slovakia sở hữu 30 xe tăng T-72. Vì vậy, 15 xe tăng Leopard không phải là một lựa chọn cho chúng tôi, vì chúng tôi cần 30 xe tăng để biên chế cho tiểu đoàn xe tăng”, người phát ngôn trên nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia cho rằng thỏa thuận mới với Đức là có lợi cho Slovakia vì "Leopard là loại xe tăng hiệu quả hơn T-72". “Những chiếc xe tăng đó (Leopard) có giá trị đáng kể. Đây là một khoản đầu tư lớn của Đức trong việc củng cố quốc phòng của chúng tôi", ông Jaroslav Naď nói.