So biển độc đến mức độ nào?

So biển chứa chất kịch độc nhưng hầu như năm nào cũng có người ăn phải so biển do nhầm với sam.

Hàng loạt vụ ăn nhầm so biển

Tối 4.2, một nhóm khoảng 10 người đến quán hải sản ở thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa, gọi hai con sam biển hấp. Khi ăn được khoảng 30 phút, 3 người trong nhóm thấy tê đầu lưỡi, rồi nôn ói, những người khác biểu hiện như bị choáng, rất mệt mỏi, tất cả được đưa tới Trung tâm y tế thị xã Ninh Hòa. Ngày sau, 3 người có biểu hiện nặng, phải chuyển bệnh viện tỉnh. Trong đó, một nạn nhân nam 35 tuổi, khi đến tỉnh đã ngừng tim, ngừng thở, hôn mê sâu, phải đặt nội khí quản, thở máy. Ngày 6.2, một nam 16 tuổi trở lại bình thường, chuyển khoa Nội thần kinh và người thứ 3 là nhân viên của quán ăn đã tỉnh, nhưng vẫn phải điều trị, theo dõi ở khoa hồi sức tích cực. Ngày 7.2 bệnh nhân nặng nhất được rút ống thở, tự thở được, chỉ số sinh tồn hồi phục. Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Khánh Hòa đã lấy thông tin và nghi ngờ nhóm người này ăn nhầm so biển.

Hàng năm vẫn xảy ra những vụ ăn nhầm so biển nguy kịch tính mạng. Cuối tháng 12.2022, huyện Ba Tri, Bến Tre, một người tử vong do ăn nhầm so biển. Tháng 6.2016, 4 người cùng một nhà (có 2 trẻ dưới 10 tuổi) ở xã Phước Long, Bình Đại, thuộc tỉnh này ăn phải so biển, đã nguy kịch đến mức tê tay chân, huyết áp tụt, khó thở... Hai trẻ phải chuyển bệnh viện Nhi đồng 1, thành phố Hồ Chí Minh; hai người cao tuổi là bà N.T.C, 57 tuổi và ông N.V.N, 51 tuổi nằm bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu thuộc tỉnh. May mà tất cả qua được.

Ngày 26.7.2022, Trung tâm y tế huyện Hải Hà, Quảng Ninh, cấp cứu anh B.V.T, 34 tuổi, ở xã Quảng Phong thuộc huyện, ngộ độc so biển, đến viện đã suy hô hấp cấp. Phải đặt ống nội khí quản, thở máy xâm nhập, rửa dạ dày, bơm than hoạt, bài niệu tích cực, cân bằng nước - điện giải… Anh này cũng may mắn qua được. Trung tâm y tế huyện cho biết, 6 tháng đầu năm 2022 phải cấp cứu một số ca ngộ độc so, cá nóc…

Năm 2020 có khá nhiều vụ ăn phải so biển: Gia đình ông D.M.T, ở xã Thanh An, Dầu Tiếng, Bình Dương, đi du lịch Vũng Tàu, mua về 5 con "sam" biển. Tối 9.3, ông nướng "sam", mời hàng xóm. Ăn xong, tất cả mọi người đều đau bụng và rất mệt mỏi. Bé D.N.T, 8 tuổi, con gái ông T, ngộ độc nặng, được đưa đến bệnh viện Cao su Dầu Tiếng cấp cứu nhưng không cứu được. Trong tiệc liên hoan cuối tuần với bạn, anh T.V.T, 27 tuổi, ở Quảng Ninh, đã ăn con so biển có nhiều trứng. Tiệc chưa tàn đã thấy tê bì tay, chân; tê nóng môi, lưỡi; nôn thốc tháo, vào bệnh viện Bãi Cháy cấp cứu do suy hô hấp nặng, tình trạng hết sức nguy kịch. Phải đặt ống nội khí quản tức khắc, gây nôn hết thức ăn và rửa dạ dày khẩn cấp; điều trị thải độc bằng thuốc bài niệu... May mà cấp cứu kịp thời nên qua được nguy kịch. Trước đây, bệnh viện Bãi Cháy cũng đã cấp cứu một số ca ngộ độc so biển do nhầm lẫn với sam. Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển, thành phố Uông Bí, Quảng Ninh, cấp cứu anh Đ.V.B, 40 tuổi, cũng ở Quảng Ninh. Anh này biết là so độc nhưng vẫn tự chế biến để ăn. Sau ăn khoảng 2 - 3h, thấy tê lưỡi, mệt mỏi, nôn nhiều, lơ mơ; gia đình đưa đi cấp cứu. Năm 2014, bệnh viện này cấp cứu 5 người ở Yên Thanh, Uông Bí, ngộ độc so biển trong một bữa liên hoan tại gia.

So biển (Carcinoscorpius rotudicauda) có chất Tetrodotoxin cực độc. Ảnh: onlinelibrary.wiley.com

So biển (Carcinoscorpius rotudicauda) có chất Tetrodotoxin cực độc. Ảnh: onlinelibrary.wiley.com

So biển có chất cực độc

So biển (Carcinoscorpius rotundicauda) và một số loài sinh vật biển: cá nóc; bạch tuộc đốm xanh, bạch tuộc mini (ruốc chân dài: đầu tròn như quả ổi, to cỡ ngón chân cái người lớn hoặc trẻ nhỏ, bộ xúc tu dài); ốc tù và, ốc hương Nhật Bản, ốc tù và gai miệng đỏ, ốc bùn răng cưa (ốc bùn bóng, ốc răng cưa), ốc phổi, ốc ngọc; vài loài lưỡng cư: sa giông da nhám, sa giông bụng cam (sa giông California) và cá sấu hỏa tiễn sống ở nước ngọt đều có chất Tetrodotoxin (TTX) cực độc. Các nghiên cứu khoa học thấy rằng, một số loài vi khuẩn ký sinh trong các động vật biển nói trên như Epiphytic bacterium, Vibrio species, Pseudomonas species sinh ra chất Tetrodotoxin. Đây là chất độc thần kinh, độc lực mạnh thứ hai trong các chất độc đã biết, sau chất Batrachotoxin có trong ếch phi tiêu vàng Colombia, mạnh gấp 1.000 lần Kalicyanur (KCN).

Theo Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ, liều chết trung bình (Lethal dose 50; LD50: liều lượng trung bình tính theo miligam trên kilogam trọng lượng cơ thể làm chết 50% động vật thực nghiệm) của Terodotoxin là 1 - 2miligam với người trưởng thành. Tetrodotoxin là chất độc thần kinh cực mạnh; tác động lên kênh trao đổi ion Natri của màng tế bào, ngăn cản phát sinh điện thế và dẫn truyền xung động, làm đứt đoạn dẫn truyền tín hiệu thần kinh; đặc biệt ở cơ vân.

Năm 1964, Toshio Narahashi (1927 - 2013), giáo sư dược, đại học Northwestern, bang Illinois và John W.Moore, đại học Duke, bang Bắc Carolina, Mỹ, là những người phát hiện cơ chế gây độc này. Terodotoxin rất bền vững, bị phá hủy rất chậm ở nhiệt độ sôi; sôi liên tục 6 giờ, độc tố giảm một nửa; chỉ bị phá hủy hoàn toàn ở 200 độ C trong 10 phút. Vì thế, đun nấu, nướng kỹ, phơi khô, sấy vẫn bị ngộ độc. Hàm lượng chất độc trong các loài chứa theo thứ tự giảm dần là trứng, tinh hoàn, gan, ruột, da, thịt, đặc biệt, lượng chất độc tăng cao vào mùa sinh sản. Khoa học đang cố gắng tổng hợp Tetrodotoxin để ứng dụng độc tính ngăn chặn tín hiệu thần kinh của nó cho điều trị giảm đau - một chất giảm đau không gây nghiện tiềm năng. Nhưng tạo ra phiên bản ổn định và tinh khiết của Tetrodotoxin là một thách thức lớn do cấu trúc phức tạp của nó. Hiện các nhà khoa học chỉ tạo ra một sản phẩm không ổn định và kém hiệu quả.

Khi ăn phải thức ăn chứa độc, Terodotoxin hấp thu nhanh và có nồng độ cao trong máu sau khoảng 20 phút, nhưng triệu chứng ngộ độc xuất hiện nhanh ngay 5 - 10 phút tính từ khi bắt đầu ăn hoặc có thể chậm đến 3 giờ sau. Nhẹ thì tê lưỡi, miệng, môi, mặt, ngón và bàn tay, ngón và bàn chân; nhức đầu; vã mồ hôi; đau bụng, nôn ói, tăng tiết nước bọt, đờm dãi, sùi bọt mép; chóng mặt, choáng váng; cảm giác bị ép lồng ngực; nói khó, nuốt khó; cứng hàm, cứng lưỡi; rối loạn ngôn ngữ; đồng tử giãn; liệt vận động nhãn cầu; run giật. Nặng thì li bì, lơ mơ, mệt lả; yếu cơ, mất phối hợp động tác, liệt mềm nhũn toàn thân; suy hô hấp, tím tái, khó thở, ngừng thở do liệt cơ hô hấp (cơ hoành và các cơ vùng ngực); giảm thân nhiệt và tụt huyết áp; tim đập chậm, trụy mạch; hôn mê; tử vong. Các triệu chứng toàn phát có thể kéo dài 4 - 24 giờ, tử vong 60% do tụt huyết áp và ngừng hô hấp nếu cấp cứu chậm; có trường hợp tử vong sau ăn 30 phút.

Sam và so biển là động vật giáp xác thân mềm. Họ Sam (Xophisuridae) toàn Thế giới có 4 loài, Việt Nam có 2 loài là Tachypleus tridentatus - Sam (dân vùng biển gọi là sam lớn, thường đi đôi) và Carcinoscorpius Rotundicauda - So (dân vùng biển gọi là sam nhỏ, đi lẻ, chỉ đi đôi vào mùa sinh sản). Sam được dùng làm thực phẩm, nhưng so lại có Tetrodotoxin kịch độc, làm chết người. Sam lớn hơn so, chiều dài thân sam khoảng 17 - 34 cm, trọng lượng có thể đến 3,8 kg; chiều dài thân so chỉ khoảng 20 - 25cm, cân nặng thường dưới 1 kg. Sam và so khá giống nhau nên ngay cả người bán chúng cũng nhầm. Đuôi là bộ phận giúp dễ phân biệt nhất giữa sam với so. Đuôi sam có thiết diện tam giác toàn bộ đến tận cuối đuôi; giữa sống đuôi có nhiều gai nhọn như lưỡi cưa. Đuôi so thiết diện hình tròn hoặc bầu dục, không có gai nhọn.

Vì thế, nếu không muốn tai họa tốt nhất không nên ăn khi không biết rõ hoặc tự mình phải kiểm tra. Hiện không có thuốc giải độc Tetrodotoxin. Nếu nghi ngộ độc các loại hải sản nói trên, cho nạn nhân uống thật nhiều nước; cho uống than hoạt (nếu có ) khi còn tỉnh, khạc nhổ được; cố gắng gây nôn tối đa càng nhanh càng tốt và đưa ngay đến cơ sở y tế có khă năng chống độc.

Bác sĩ Trần Kiên

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/so-bien-doc-den-muc-do-nao-179230301233127382.htm