SỔ...

Tại Phiên họp thứ 44 diễn ra ngày 22-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với đề xuất của Chính phủ, bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy để chuyển sang quản lý bằng mã số định danh cá nhân, trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thông tin này được đại đa số người dân vui mừng, bày tỏ thái độ đồng tình, ủng hộ. Khi luật có hiệu lực, vấn đề này sẽ tạo sự thay đổi căn bản, thể hiện bước tiến quan trọng trong quản lý nhà nước về dân cư, dân số từ Trung ương đến đơn vị hành chính cấp cơ sở theo hướng tiện ích nhất cho người dân…

 Ảnh minh họa. TTXVN.

Ảnh minh họa. TTXVN.

Trong đời sống công dân và hộ gia đình, “sổ” là một thành tố tất yếu không thể thiếu. Cuộc sống của đại bộ phận các thế hệ người dân từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay có 3 cuốn sổ thuộc hàng tối quan trọng, đó là sổ mua lương thực (sổ gạo), sổ hộ khẩu và sổ đỏ (tức giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất). Sổ gạo gắn bó mật thiết và là vật quan trọng hàng đầu của những người hưởng lương sống trong thời kỳ bao cấp. Kể từ khi đất nước đổi mới, vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sổ gạo và các hình thức tem, phiếu tương tự biến mất khỏi đời sống xã hội. Ngày nay, mỗi lần nhắc đến cuốn sổ “quyền lực” ấy, những người đã trải qua thời kỳ bao cấp vẫn không khỏi ngậm ngùi, hoài niệm về những năm tháng cơ hàn, vất vả, khó khăn… Cuốn sổ trở thành vật kỷ niệm, chứa đựng những ký ức không thể nào quên.

Sổ gạo kết thúc sứ mệnh cũng là lúc đời sống kinh tế-xã hội của đất nước chuyển qua giai đoạn phát triển mới. Toàn Đảng, toàn dân xóa bỏ tư duy trì trệ, lạc hậu, kìm hãm sự phát triển, vững tin thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập, đưa vị thế đất nước ngày càng cao trên trường quốc tế. Chính vì vậy, thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên trong thời kỳ đất nước đổi mới, hội nhập chỉ biết đến loại sổ này qua sách báo.

Sau sổ gạo, đến sổ hộ khẩu. Lộ trình để sổ hộ khẩu hiện nay chính thức loại khỏi đời sống xã hội còn phải cần thêm một thời gian nữa, sau khi Luật Cư trú (sửa đổi) được Quốc hội thông qua và có hiệu lực. Đây là một trong những chính sách có ý nghĩa bước ngoặt trong ứng dụng khoa học công nghệ vào đời sống ở nước ta. Cũng như sổ gạo trước đây, sổ hộ khẩu sẽ lại trở thành “chứng nhân lịch sử” của một giai đoạn phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Trên thực tế, hiện nay rất nhiều loại sổ giấy, từ những cuốn sổ dùng cho cá nhân học tập, công tác đến sổ sách quản lý ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các cấp, các ngành… đều đã được thay thế bằng công nghệ thông minh. Việc bỏ sổ hộ khẩu bằng giấy, chuyển sang áp dụng công nghệ thông minh trong quản lý xã hội là một xu hướng và đòi hỏi tất yếu từ thực tiễn. Đến một lúc nào đó, khi hội tụ đủ điều kiện, cuốn sổ quan trọng thứ ba-sổ đỏ, cũng sẽ phải được thay thế bằng một hình thức khác mà vẫn bảo đảm được quyền lợi chính đáng của người sở hữu. Đó cũng là xu hướng cần nghiên cứu.

Sổ, dù được tạo ra bằng vật liệu gì hay bằng công nghệ, suy cho cùng cũng chỉ là phương tiện quản lý. Việc xóa bỏ một loại sổ không đơn thuần theo nghĩa cơ học là thay đổi một hình thức quản lý, mà đó chính là dấu mốc quan trọng khẳng định sự phát triển của trình độ quản lý, tiềm lực kinh tế-xã hội và vị thế của đất nước. Thay đổi một chính sách ở tầm vĩ mô sẽ tác động toàn diện đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thế nên bên cạnh những điều chỉnh chính sách ở tầm vĩ mô phù hợp với xu thế phát triển, điều quan trọng không kém là phải tập trung nâng cao dân trí, giáo dục, trang bị kỹ năng thích ứng cho các tầng lớp nhân dân. Sự thay đổi ấy không chỉ mang đến tiện ích cho người dân mà thông qua đó để mỗi công dân thêm tự hào, tin tưởng, xác định rõ hơn trách nhiệm đối với cộng đồng, quốc gia, dân tộc.

PHAN TÙNG SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/so-616112