Tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động

Giải quyết việc làm cho người lao động là mục tiêu hàng đầu trong công tác giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, phát triển KT-XH địa phương.

Người lao động làm việc tại Xí nghiệp Chế biến song mây xuất khẩu Hòa Hiệp. Ảnh: KIM CHI

Người lao động làm việc tại Xí nghiệp Chế biến song mây xuất khẩu Hòa Hiệp. Ảnh: KIM CHI

Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương của tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm duy trì, tạo việc làm mới, giúp người lao động (NLĐ) tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Mạnh dạn vay vốn tạo việc làm

Trước đây, ông Nguyễn Ngọc Sanh (thôn Phú Hội, xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân) làm nhiều nghề để mưu sinh, chăm lo cho gia đình nhưng kinh tế gia đình vẫn bấp bênh, túng thiếu. Tình cờ ông biết được nhiều người nuôi chim trĩ mang lại hiệu quả kinh tế cao nên mạnh dạn vay vốn, học cách nuôi theo mô hình này.

Ông Sanh chia sẻ: “Trước đây tôi đi làm nhiều nơi, đặc biệt là các tỉnh phía Nam. Ở đây tôi thấy nhiều nông dân từ hai bàn tay trắng, nhờ nuôi chim trĩ, họ vươn lên khá giả. Sau đó tôi về quê, tìm nguồn vốn, đầu tư xây dựng chuồng trại ngay tại mảnh đất vườn nhà và mua 250 cặp chim trĩ về nuôi. Lúc đầu vì ít kinh nghiệm nên con giống chết gần một nửa. Không nản chí, tôi tiếp tục học hỏi trên mạng và kết nối các hộ nuôi chim trĩ để học hỏi kinh nghiệm. Từ đó mô hình dần đi vào ổn định”.

Từ hiệu quả kinh tế đem lại, mô hình nuôi chim trĩ của gia đình ông Sanh đang được Hội Nông dân xã Xuân Phước từng bước nhân rộng trong các hội viên, góp phần đa dạng hóa mô hình trang trại trên địa bàn xã, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân.

Ông Nguyễn Mẹo, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Phú Hội cho biết: Trên địa bàn thôn có nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn vay vốn, đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Nhiều hộ từ nghèo khó vươn lên làm giàu bằng cách vay vốn, phát triển mô hình nuôi chim trĩ và một số mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện của địa phương.

Gia đình chị Nguyễn Thị Hào (thôn Tân An, xã Ea Bar, huyện Sông Hinh) trước đây luôn thiếu trước hụt sau, phải chạy ăn từng bữa. Vượt qua nhiều khó khăn, giờ đây gia đình chị đã có cuộc sống ổn định, thu nhập khá. Chị Hào cho biết: “Thông qua các cấp hội, tôi vay 50 triệu đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sông Hinh xây dựng và phát triển mô hình vườn ao chuồng khép kín.

Với hơn 8.000m2 đất, tôi đầu tư trồng rau hữu cơ và chăn nuôi gà sao, vịt siêu thịt, đào ao nuôi cá nước ngọt. Tôi cần mẫn tìm hiểu cách trồng trọt, chăn nuôi khép kín, không lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh, thuốc tăng trọng. Sau một thời gian dày công chăm sóc, mô hình đã cho thu nhập ổn định”.

Hiện nay, tại trang trại của gia đình chị Hào các loại rau được thu hái quanh năm. Ao cá rộng trên 500m2, thả nuôi nhiều loại và xuất bán thường xuyên; đàn gà sao và vịt đã phát triển hơn 1.000 con. Mỗi năm trừ chi phí, mô hình kinh tế gia trại của gia đình chị đem lại thu nhập từ 100-200 triệu đồng.

Ông Phan Đại Thắng, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: Trong những năm qua, công tác hỗ trợ tạo việc làm cho NLĐ làm việc tại địa phương trên địa bàn tỉnh được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ban ngành, cùng với các địa phương triển khai thực hiện. Theo đó, hàng ngàn lao động được vay vốn tạo việc làm, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Số lượng lao động được tạo việc làm tại địa phương hằng năm đạt kế hoạch đề ra. Trung bình mỗi năm giải quyết việc làm trên 24.000 lao động, trong đó tạo việc làm mới tăng thêm bình quân mỗi năm trên 4.467 lao động.

Người dân tham quan mô hình nuôi chim trĩ của ông Nguyễn Ngọc Sanh (xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân). Ảnh: HOÀNG LÊ

Người dân tham quan mô hình nuôi chim trĩ của ông Nguyễn Ngọc Sanh (xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân). Ảnh: HOÀNG LÊ

Huy động mọi nguồn lực, đồng bộ các giải pháp

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra chỉ tiêu số lao động được tạo việc làm bình quân đạt 25.000 lao động/năm (có việc làm mới tăng thêm bình quân 4.700 người/năm), góp phần hạ tỉ lệ thất nghiệp toàn tỉnh xuống dưới 2% vào năm 2025. Để thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu này, UBND tỉnh đã phê duyệt và triển khai Đề án hỗ trợ tạo việc làm cho NLĐ tỉnh Phú Yên làm việc tại địa phương và làm việc có thời hạn ở nước ngoài giai đoạn 2023-2025.

Đề án đưa ra nhiệm vụ và giải pháp về lĩnh vực lao động, việc làm nhằm từng bước giải quyết nhu cầu tạo việc làm cho lao động tại địa phương cũng như khuyến khích và đẩy mạnh số lượng lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo.

Theo ông Hồ Văn Thục, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên, triển khai Đề án hỗ trợ tạo việc làm cho NLĐ tỉnh Phú Yên làm việc tại địa phương và làm việc có thời hạn ở nước ngoài giai đoạn 2023-2025, ngân hàng xác định nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm là căn bản, giữ vai trò chủ đạo.

Theo đó, thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ tạo việc làm, Quỹ quốc gia về việc làm, nguồn vốn trung ương và nguồn vốn địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay hỗ trợ tạo việc làm, ưu tiên cho vay ưu đãi đối với NLĐ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX, tổ hợp tác, hộ kinh doanh để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

Đồng thời ưu tiên cho vay đối với NLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, nhất là NLĐ là dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; thân nhân của người có công với cách mạng; người chấp hành xong án phạt tù… Trong đó, thực hiện chính sách hỗ trợ các dự án giải quyết được nhiều lao động vay vốn, tạo việc làm mới ổn định tại địa phương; cho vay kịp thời NLĐ có hộ khẩu thường trú tại Phú Yên có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài, có nhu cầu vay vốn.

Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Phan Đại Thắng cho biết: Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang tập trung huy động mọi nguồn lực tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ có việc làm ổn định tại địa phương; trong đó xác định nguồn vốn cho vay là nguồn lực quan trọng, giúp NLĐ có việc làm nhanh, kịp thời và ổn định, đặc biệt là những NLĐ gặp khó khăn do thiếu vốn sản xuất kinh doanh, được chính quyền địa phương tạo điều kiện bình xét vay vốn công khai tại nơi cư trú.

Cũng theo ông Phan Đại Thắng, để hoàn thành mục tiêu đề ra, các sở, ban ngành, UBND các địa phương trong tỉnh cũng đã tích cực, tăng cường chỉ đạo quản lý nhà nước về lao động, việc làm ở các cấp, các ngành, nhất là cấp cơ sở; thường xuyên nắm bắt thực tiễn để điều chỉnh các biện pháp giải quyết việc làm. Đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giải quyết việc làm bằng nhiều hình thức, nhằm nâng cao nhận thức của người dân và các chủ thể tham gia thị trường lao động; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, biện pháp phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển; khuyến khích các hoạt động hỗ trợ việc thành lập mới và chuyển hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp; phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, HTX kiểu mới, phát triển kinh tế tư nhân, nhằm thúc đẩy chuyển dịch lao động hợp lý, ổn định việc làm, tăng thu nhập.

Năm 2024, toàn tỉnh phấn đấu giải quyết việc làm cho 25.500 lao động. Trong đó tạo việc làm mới tăng thêm 5.000 lao động; đưa 450 NLĐ đi làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ người dân vay vốn để tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trong tỉnh từ nguồn vốn Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn ngân sách tỉnh ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội.

HOÀNG LÊ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/318235/tao-viec-lam-tang-thu-nhap-cho-nguoi-lao-dong.html