Số ca corona thấp ngoài TQ có thể chỉ là 'phần nổi của tảng băng'

So với số ca nhiễm lớn tại Trung Quốc, số trường hợp nhiễm virus corona trên thế giới là rất nhỏ. Chuyên gia của Đại học Cambridge cho rằng đây có thể chỉ là phần nổi bên trên.

Trao đổi nhanh với Zing.vn về khả năng bùng phát dịch bên ngoài Trung Quốc, tiến sĩ Chris Smith, nhà virus học của Khoa Bệnh lý học, Đại học Cambridge, Anh, cho rằng số ca nhiễm chưa ghi nhận nhiều vì các nước không “tìm kiếm” ca nhiễm, mà chỉ đang xét nghiệm những người đến từ các vùng nhất định, và nhiều ca bệnh có thể xuất hiện trong thời gian tới.

“Khó biết phần chìm tảng băng lớn cỡ nào”

- Ông đánh giá sao về khả năng dịch bệnh bùng phát ở ngoài Trung Quốc như tổng giám đốc WHO đã nêu?

- Tôi nghĩ nhiều khả năng dịch bệnh sẽ bùng phát ở các nước khác. Biểu hiện của bệnh khá đa dạng, từ nhẹ, khó phát hiện (80% số ca) đến nặng (20% số ca), cùng thời gian ủ bệnh dài (có thể lên đến 24 ngày nếu các khảo sát mới nhất được chứng minh), đồng nghĩa với việc nhiều người nhiễm bệnh có thể đã rời khỏi vùng dịch và mang virus tới các nước khác.

 Tiến sĩ Chris Smith, nhà virus học của Khoa Bệnh lý học, Đại học Cambridge, Anh. Ảnh: PIXSELL.

Tiến sĩ Chris Smith, nhà virus học của Khoa Bệnh lý học, Đại học Cambridge, Anh. Ảnh: PIXSELL.

Những ngày đầu dịch bệnh là đáng lo ngại, khi mỗi ngày có hàng nghìn người bay các chuyến từ Vũ Hán đi quốc tế trong giai đoạn đó.

Chúng ta đang cách ly những người phù hợp các đặc điểm nhất định về một ca nhiễm, như đến từ một số vùng nhất định. Người đến từ vùng khác thì không được xét nghiệm, vì vậy tôi lo rằng nhiều ca mới sẽ xuất hiện. Tiếc là những nước có nguồn lực hạn chế sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.

- Nếu số ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc thực sự là “phần nổi của tảng băng”. Vậy “tảng băng” đó lớn cỡ nào?

- Chúng ta vẫn chưa biết vì nhiều nước hiện không chủ động tìm thêm ca nhiễm.

Chẳng hạn, ở Anh, chỉ những người phù hợp với định nghĩa hiện thời về một ca nghi nhiễm là được xét nghiệm (tức có triệu chứng, và đã tới ít nhất một trong 9 nước gần đây, hoặc tiếp xúc với người có triệu chứng và từng tới các nước trên). Vì vậy, nếu bạn ở Anh và vô tình bị lây virus trên đường phố chẳng hạn, nhưng không thuộc các dấu hiệu trên, chúng tôi cũng không biết để xét nghiệm cho bạn.

 Đường phố Bắc Kinh vẫn vắng hơn thường lệ trong bức ảnh ngày 11/2. Ảnh: AP.

Đường phố Bắc Kinh vẫn vắng hơn thường lệ trong bức ảnh ngày 11/2. Ảnh: AP.

- Lo ngại lớn nhất hiện nay là các ca “giấu bệnh”, và chủng virus corona mới có thể đã có “lây nhiễm vô hình”. Ông đánh giá sao về kịch bản này?

- Cho đến nay, đối với những ca đã xác nhận, các nước đều lần dấu vết người bệnh khá tốt, dựa vào lịch trình đi lại, danh sách chuyến bay… Nhưng một khi virus lây rộng ra cộng đồng - khả năng có thể đã xảy ra - sẽ gần như không thể kiểm soát được tất cả. Cách duy nhất lúc đó chỉ có thể là mở rộng định nghĩa một ca nghi nhiễm, mở rộng đối tượng phải xét nghiệm rồi cách ly, kiểm soát tương ứng.

Trung Quốc đã “mua thêm thời gian” cho thế giới

- Việt Nam đã lập bệnh viện dã chiến và chuyển một số nơi thành cơ sở cách ly với tổng cộng hàng nghìn giường. Theo ông, các nước nên chuẩn bị thế nào cho tình huống dịch bùng phát?

- Ngoài 80% ca nhiễm nhẹ, số ca nhiễm nặng 20% sẽ cần chăm sóc y tế khá căng thẳng. Ngay cả ở Anh, chúng tôi cũng không có đủ điều kiện để cứu sống bệnh nhân nếu số ca nhiễm lên tới quy mô như ở Vũ Hán. Ở bệnh viện Đại học Cambridge, một bệnh viện lớn, chúng tôi cũng chỉ có vài chục giường săn sóc tích cực (nơi bệnh nhân có thể thở bằng máy), và điều kiện cách ly cũng hạn chế.

Tôi nghĩ nếu dịch bùng phát lớn dù ở Anh, Việt Nam, hay nơi nào khác, cũng sẽ gây áp lực đáng kể lên các cơ sở y tế. Chỉ cách ly người bệnh thôi chưa đủ, mà một số bệnh nhân cần hỗ trợ máy thở, và đó là yếu tố khá giới hạn.

 Công nhân chỉ đường bên ngoài một bệnh viện ung bướu ở Vũ Hán hôm 15/2. Ảnh: AP.

Công nhân chỉ đường bên ngoài một bệnh viện ung bướu ở Vũ Hán hôm 15/2. Ảnh: AP.

- Khi nào dịch bệnh sẽ đạt đỉnh ở Trung Quốc?

- Biểu đồ số ca nhiễm ở Trung Quốc đang rất “dốc”, với hàng nghìn ca mới được công bố mỗi ngày. Việc họ cách ly, phong tỏa đã có kết quả là làm chậm sự lây lan, “mua thêm thời gian” cho thế giới. Nhưng số ca nhiễm quá lớn, và không rõ họ có thể kéo dài mãi việc cách ly, phong tỏa như hiện nay hay không.

- Những hiểu biết về chủng virus corona mới vẫn trong giai đoạn đầu. Chúng ta còn những câu hỏi quan trọng nào cần tìm lời giải?

- Các dữ liệu về dịch bệnh vẫn trong giai đoạn đầu, những tuần tới sẽ rất quan trọng cho việc tìm hiểu về bệnh cũng như dự đoán sự lây lan bên ngoài Trung Quốc.

Chúng ta vẫn cần tìm hiểu nguồn gốc của bệnh, gánh nặng thực sự của bệnh (để tính toán tỷ lệ tử vong, mức độ nguy cơ), tỷ lệ hồi phục. Liệu virus có đột biến trên người hay không? Liệu nó có trở thành một chủng virus corona gây bệnh cho con người theo mùa, hay nó sẽ dần biến mất.

- Xin chân thành cảm ơn ông.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/so-ca-corona-thap-ngoai-tq-co-the-chi-la-phan-noi-cua-tang-bang-post1046624.html