Số ca Covid-19 mới ở Malaysia giảm sâu, Thái Lan tiêm vắc xin diện rộng
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tối 7/6 tuyên bố sẽ tiêm vắc xin Covid-19 miễn phí cho toàn bộ người trưởng thành của nước này.
Theo hãng thông tấn Reuters, việc tiêm chủng sẽ bắt đầu từ 21/6 tới. "Tất cả mọi người, dù có thu nhập cao hay thấp, đều sẽ được tiêm chủng miễn phí", ông Modi khẳng định. Ông cũng cho biết chính phủ sẽ tiếp quản việc điều hành chương trình tiêm chủng từ chính quyền các bang.
Chính phủ Ấn Độ trước đây chỉ cung cấp vắc xin Covid-19 miễn phí cho người cao tuổi và lực lượng tuyến đầu. Trong khi đó, việc tiêm vắc xin cho các đối tượng từ 18 đến 45 tuổi vẫn được tính phí bởi chính quyền bang hoặc các bệnh viện tư nhân.
Giới chức y tế Ấn Độ cho biết họ có thể tiêm tới 10 triệu liều vắc xin Covid-19/ngày trong tháng 7 và tháng 8 tới, so với con số dưới 3 triệu liều/ngày ở thời điểm hiện tại. Nước này đang sử dụng phổ biến 2 loại vắc xin là Covishield (tên gọi khác của vắc xin AstraZeneca) và Covaxin. Vắc xin Sputnik V của Nga dự kiến được đưa vào sử dụng thương mại ở Ấn Độ trong tháng 6.
Một số bang tại Ấn Độ dự kiến nới lỏng các biện pháp hạn chế trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 mới đang giảm đáng kể. Theo trang thống kê Worldometers, quốc gia Nam Á hôm 7/6 chỉ ghi nhận trên 101.232 ca nhiễm Covid-19 mới.
Thái Lan khởi động việc tiêm chủng diện rộng
Thái Lan sáng 7/6 đã khởi động chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 trên diện rộng nhằm ngăn chặn đợt bùng phát thứ 3 và tái khởi động ngành du lịch. Chiến dịch lần này đặt mục tiêu tiêm 6 triệu liều vắc xin trong tháng 6. Giai đoạn đầu sẽ tập trung tại Bangkok và Phuket.
Giới chức thủ đô Bangkok đã triển khai 25 điểm tiêm chủng xung quanh thành phố, trong các trung tâm thương mại và siêu thị, nhằm hoàn thành kế hoạch tiêm chủng cho tối đa 70.000 người/ngày bằng vắc xin AstraZeneca được sản xuất trong nước.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Thái Lan đang phải hứng chịu nhiều chỉ trích vì chiến lược tiêm chủng chậm chạp. Cho đến nay, chỉ có hơn 3 triệu người, chiếm gần 0,5% trong tổng dân số hơn 70 triệu người của Thái Lan, được tiêm ít nhất một liều vắc xin Covid-19.
Chính phủ Thái Lan hy vọng chiến dịch tiêm chủng sẽ cho phép nước này nới lỏng hạn chế vào cuối năm nay. Phuket dự kiến mở cửa từ tháng sau, với mục tiêu 70% cư dân địa phương và du khách sẽ được tiêm chủng đầy đủ, và không một ai phải cách ly khi đến thành phố này.
Malaysia lần đầu ghi nhận dưới 6.000 ca nhiễm mới
Theo Channel News Asia, Malaysia ghi nhận 5.271 ca nhiễm Covid-19 mới trong ngày 7/6. Đây là lần đầu tiên sau gần 3 tuần, nước này ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày dưới mốc 6.000.
Tuy nhiên, quan chức Bộ Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah cảnh báo, số ca nhiễm và tử vong mới bởi Covid-19 của nước này không có mối liên hệ với các ca nhiễm hay ổ dịch trước đó.
Số liệu từ Bộ Y tế Malaysia cho thấy từ ngày 30/5 đến 5/6, có hơn 84% ca nhiễm Covid-19 mới không tìm được nguồn lây. Trong tổng số 641 ca tử vong vào khoảng thời gian trên, có đến 559 ca không truy vết được lịch sử lây nhiễm.
Malaysia đang trải qua tuần phong tỏa thứ 2 trên cả nước. Trong thời gian này, chỉ các thành phần kinh tế thiết yếu mới được phép hoạt động.
Đài Loan gia hạn lệnh phong tỏa mềm
Chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) hôm 7/6 cho biết sẽ gia hạn các quy định hạn chế nhằm kiểm soát dịch Covid-19 thêm 2 tuần, kéo dài cho tới ngày 28/6. Số ca nhiễm mới theo ngày tại hòn đảo này đang có chiều hướng giảm dần, hôm 7/6 là 211.
Dù vậy, trong thông báo mới nhất, chính quyền Đài Loan nhận định “dịch bệnh ở thời điểm hiện tại vẫn chưa đạt mức ổn định”. Hiện cũng chỉ có 3% trong tổng số 23,5 triệu dân của hòn đảo này đã được tiêm vắc xin Covid-19, trong đó đa số mới tiêm liều đầu tiên.
Đài Loan sẽ bắt đầu phân phối 1,24 triệu liều vắc xin AstraZeneca do Nhật Bản trao tặng trong tuần này. Mỹ hôm 6/6 tuyên bố sẽ tặng Đài Loan 750.000 liều vắc xin từ chương trình chia sẻ vắc xin mới được Washington công bố.
Việt Anh