Số ca Covid-19 trên thế giới vượt 300 triệu, Omicron khiến 34 quốc gia lập kỷ lục buồn
Tổng số ca mắc Covid-19 được ghi nhận trên toàn thế giới đã vượt 300 triệu vào hôm qua (7/1). Sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron khiến hàng chục quốc gia phải chứng kiến những kỷ lục buồn trong một tuần.
Trong 7 ngày qua, 34 quốc gia đã ghi nhận số ca mắc hàng tuần cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu, bao gồm 18 quốc gia châu Âu và 7 quốc gia châu Phi – theo số liệu chính thức của hãng tin AFP.
Mặc dù dễ lây lan hơn các biến thể Covid-19 trước đó nhưng dường như Omicron ít gây ra bệnh nặng hơn. Ngay cả khi nó khiến thế giới ghi nhận 13,5 triệu ca chỉ trong tuần trước, cao hơn 64% so với 7 ngày trước đó, tỷ lệ tử vong trung bình toàn cầu đã giảm 3%.
Cơ quan y tế cộng đồng của Pháp hôm qua cho biết nguy cơ nhập viện thấp hơn khoảng 70% đối với Omicron khi dẫn dữ liệu từ Mỹ, Anh, Canada và Israel.
Tuy nhiên, với, mức trung bình toàn cầu có khoảng 2 triệu ca mắc mới được phát hiện hàng ngày, các chuyên gia cảnh báo những con số này có nguy cơ áp đảo các hệ thống y tế.
Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng Omicron không nên được phân loại là nhẹ, vì nó “đang khiến người ta phải nhập viện và nó đang giết người”. “Trên thực tế, cơn sóng thần các ca bệnh rất lớn và nhanh chóng, nó đang áp đảo các hệ thống y tế trên toàn thế giới” – ông nói thêm.
Thúc đẩy tiêm vắc xin
Sự lây lan nhanh chóng của Omicron kể từ khi được phát hiện cách đây 6 tuần đã khiến nhiều quốc gia đẩy mạnh việc tiêm chủng nhiều hơn và một số quốc gia phải kiềm chế bằng các biện pháp hạn chế.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm qua cho biết quyền lui tới các quán bar và nhà hàng ở nước này sẽ chỉ dành cho những người đã được tiêm phòng đầy đủ hoặc đã khỏi bệnh hay đưa ra kết quả xét nghiệm âm tính. Tuy nhiên, người đã được tiêm bổ sung sẽ được miễn yêu cầu kiểm tra.
Tại nước láng giềng Áo, Thủ tướng Karl Nehammer đã có kết quả dương tính với xét nghiệm Covid-19. “Tôi ổn, không có gì phải lo lắng” – ông nói – “Tôi tiếp tục cầu xin mọi người hãy tiêm vắc xin”.
Tại Mỹ, những đơn kiện chống lại việc yêu cầu tiêm vắc xin mà chính quyền Tổng thống Biden đưa ra được Tòa án Tối cao xét xử vào hôm qua. Yêu cầu trên nhắm vào các doanh nghiệp sử dụng 100 người nhưng nó bị một số nhà lập pháp đảng Cộng hòa và chủ doanh nghiệp phản đối vì vi phạm quyền cá nhân và lạm dụng quyền lực của chính phủ.
Tuy nhiên, Thẩm phán Elena Kegan gợi ý rằng điều này có thể cần thiết để giảm thiểu rủi ro nghiêm trọng. Bà nói thêm “đến nay, đây là mối nguy hiểm về sức khỏe cộng đồng lớn nhất mà đất nước phải đối mặt trong nhiều thế kỷ”.
Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron đã có những bình luận gây tranh cãi, trong đó ông tuyên bố sẽ “chọc giận” người không tiêm chủng cho tới khi họ chịu đi tiêm.
Trong khi đó tay vợt số 1 thế giới Novak Djokovic đã trở thành tâm điểm cuộc tranh cãi của chính mình sau khi bị từ chối thi đấu tại Australia vì tình trạng tiêm vắc xin của anh.
Siêu lây nhiễm
Tại Ấn Độ, số ca mắc gia tăng do Omicron làm dấy lên lo lắng về sự trở lại những ngày đại dịch đen tối nhất đất nước vào năm ngoái khi hàng nghìn người chết vì Covid-19 mỗi ngày.
Giáo sư Gautam Menon của Đại học Ashoka của Ấn Độ từng nghiên cứu mô hình lây nhiễm Covid-19 nói rằng “điều này có thể gây căng thẳng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe ở mức tương đương hoặc tệ hơn so với làn sóng thứ 2”.
Tuy nhiên, Tòa án Tối cao của Calcutta đã bác bỏ đề nghị hủy bỏ một lễ hội lớn của người Hindu, mặc dù lo ngại virus có thể lây lan nhanh chóng trong số 500.000 người dự kiến sẽ tham gia.
Nhà bảo vệ môi trường Subhash Dutta cho biết người dân từ các bang trong nước sẽ tham gia lễ hội tôn giáo này, họ có thể mang theo các loại virus biến thể. Lễ hội tôn giáo này có thể trở thành sự lây lan siêu tốc nhất trong những ngày tới.