Số ca F0 vẫn tăng mạnh, nhiều địa phương tăng tốc tiêm vaccine

Trong khoảng một tuần qua, số lượng ca nhiễm mới tại cộng đồng ở nhiều địa phương vẫn có xu hướng tăng cao.

Theo công bố của Bộ Y tế, trong 7 ngày qua, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước dao động khoảng 13.649 ca/ngày. Đây là số lượng khá cao, tương đương giai đoạn đỉnh điểm của cả nước trong đợt bùng phát hồi cuối tháng 8, đầu tháng 9.

Đặc biệt, nhiều địa phương vẫn tích cực nâng cao mức kiểm soát dịch, ngăn chặn các ổ dịch bùng phát trong cộng đồng.

Hà Nội, Sóc Trăng, Tây Ninh vượt 700 ca/ngày

Ngày 3/12, Tây Ninh ghi nhận 778 ca dương tính với SARS-CoV-2. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp địa phương này có trên 700 ca bệnh/ngày.

Đáng chú ý, đa số ca nhiễm đều được phát hiện qua test sàng lọc. Điều này cho thấy mức độ lây nhiễm nCoV trong cộng đồng tại Tây Ninh vẫn còn khá cao.

Trước sức ép lớn về số lượng F0 mới nhiễm ở Tây Ninh, mới đây, 50 cán bộ, nhân viên y tế Hải Phòng đã tình nguyện vào chi viện địa phương này. Ngoài ra, Bộ Y tế, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, ngành y tế các tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh đã cử cán bộ, chuyên gia y tế đến hỗ trợ Tây Ninh.

Tình hình dịch ở Hà Nội trong khoảng một tuần qua đang "nóng" dần với số lượng F0 cộng đồng liên tục tăng cao. Ngày 3/12, Hà Nội thông báo 542 ca dương tính mới, trong đó F0 cộng đồng là 161 người.

Theo Sở Y tế Hà Nội, thành phố vẫn đang nỗ lực giám sát người về từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Địa phương này vẫn giữ phương án truy vết người tiếp xúc gần và cách ly tập trung, các F0 được chuyển điều trị tại cơ sở y tế.

Tuy nhiên, ổ dịch mới bùng phát ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương khiến nhiều người lo ngại khi F0 được phát hiện đa số là sản phụ đang điều trị bệnh lý nền, có nguy cơ cao chuyển biến nặng.

Theo đánh giá của ngành y tế tỉnh Sóc Trăng, hiện nay, diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh còn phức tạp. Trong 7 ngày gần đây, trung bình mỗi ngày tỉnh này có khoảng trên 700 ca dương tính với Covid-19.

Số ca nhiễm tăng rất nhanh từ đầu tháng 11 đến nay. Đáng lo ngại, số ca nhiễm được phát hiện qua sàng lọc cộng đồng rất cao. Ngoài ra, số lượng F1 qua truy vết rất cao cũng gây áp lực lớn cho các địa phương.

Áp lực của hệ thống điều trị

UBND Hà Nội dự báo số ca nhiễm sẽ tiếp tục tăng nhanh khi hoạt động kinh tế - xã hội, giao thương, di chuyển của người dân từ các địa phương trên cả nước về thành phố trong những tháng cuối năm tăng cao.

Theo đánh giá của Sở Y tế Hà Nội, hiện số lượng bệnh nhân F0 nặng, nguy kịch tại thành phố này chiếm tỷ lệ không nhiều (khoảng 0,8%), nhưng việc tăng nhanh số ca nhiễm mới cũng là áp lực lớn cho các cơ sở y tế. Do đó, Hà Nội cần triển khai ngay những biện pháp cấp bách thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Tối 3/12, Hà Nội đã công bố hướng dẫn cách ly, quản lý, khám và điều trị F0 tại nhà. Tuy nhiên, các điều kiện đi kèm để F0 được cách ly tại nhà còn khá nghiêm ngặt.

Cần Thơ cũng đang chịu sức ép rất lớn từ số lượng F0 mới ngày càng cao. Theo báo cáo của Sở Y tế TP Cần Thơ, trong ngày 3/12, thành phố ghi nhận 1.153 ca nhiễm, chủ yếu là người đang cách ly tại nhà và sàng lọc ở cơ sở y tế.

Toàn thành phố có đến 23.603 người đang cách ly tại nhà, trong đó 11.828 F0. Trong hệ thống điều trị của ngành y tế Cần Thơ, tầng 2 là những cơ sở y tế điều trị F0 không đủ điều kiện cách ly tại nhà hoặc có diễn biến vượt chuyên môn của y tế địa phương. Công suất tầng 2 là 2.750 giường, số F0 đang điều trị đã tăng 2.493 bệnh nhân.

Đáng chú ý, tầng 3 chuyên điều trị F0 mức độ nặng, nguy kịch, bệnh nhân có bệnh lý nền theo chuyên khoa, bệnh lý cần cấp cứu với công suất 350 giường. Tầng 3 của hệ thống y tế ở Cần Thơ đã kín giường với 350 ca nặng điều trị.

Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn ngày 1/12, Bí thư Thành Ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh cho biết dù đang triển khai điều trị F0 tại nhà, lực lượng tại các trạm y tế phường rất mỏng.

Molnupiravir đã được Bộ Y tế cấp cho địa phương, nhưng số F0 sử dụng thuốc kháng virus này chưa nhiều. Trong những ngày qua, lượng ca mắc mới tăng nhiều, số bệnh nhân cần cấp cứu có xu hướng tăng. Do đó, Cần Thơ cần Bộ Y tế hỗ trợ trong điều trị bệnh nhân Covid-19, đặc biệt là F0 nặng.

Báo cáo về công tác phòng chống dịch trên địa bàn trong buổi làm việc với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long ngày 3/12, ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, cho biết trung bình trong một tuần trở lại đây, số ca mắc mỗi ngày khoảng từ 100-120.

Lãnh đạo ngành y tế nhận định diễn biến dịch trên địa bàn còn phức tạp, nhiều địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao. Trong khi tỷ lệ tiêm vaccine tại địa phương này còn thấp, 87% số dương tính được thống kê là chưa tiêm vaccine. Các trường hợp tử vong cũng đều chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19.

Trong bản tin của Bộ Y tế, Đồng Tháp liên tiếp thuộc danh sách 5 tỉnh, thành ghi nhận ca F0 nhiều nhất trong ngày.

Tại cuộc họp ngày 3/12, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cho rằng tình hình dịch bệnh của tỉnh vẫn chưa "hạ nhiệt", số ca nhiễm chưa giảm.

Do đó, ông chỉ đạo các địa phương tăng cường theo dõi tình hình dịch trên địa bàn, tập trung trong việc xác định nguồn lây bệnh để chủ động hơn trong công tác phòng, chống dịch.

Tính đến ngày 3/12, Đồng Tháp đã tiêm được 2.150.147 liều vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên, tỷ lệ tiêm mũi 2 đạt 73,94% dan số tỉnh.

Tỉnh Bình Định cũng sẵn sàng hệ thống điều trị trong tình huống số ca nhiễm vẫn tiếp tục tăng cao. Địa phương này đang chủ động mở rộng các cơ sở điều trị và bảo đảm nhân lực, sẵn sàng trạm y tế lưu động.

Ngày 3/12, Bình Định có 204 ca nhiễm mới, ngày 2/12 có 169 ca, ngày 1/12 là 234 ca và 30/11 có 186 ca.

Số ca tử vong tại TP.HCM từ cuối tháng 11 đến nay cũng có chiều hướng tăng nhẹ so với thời điểm cuối tháng 10. Theo lý giải của ngành y tế thành phố, lượng F0 tử vong chủ yếu là người cao tuổi, có bệnh nền và chưa tiêm vaccine phòng Covid-19.

Bên cạnh đó, thời gian này, TP.HCM cũng tích cực tiếp nhận F0 nặng được chuyển lên từ các địa phương khác, số lượng ca tử vong cũng chiếm tỷ lệ cao (trong tổng số ca tử vong tại thành phố).

Các địa phương tăng tốc tiêm vaccine Covid-19

TP.HCM đang thực hiện chiến dịch bảo vệ người cao tuổi trước nguy cơ lây nhiễm Covid-19, hướng đến mục tiêu giảm mắc và nguy cơ tử vong ở nhóm trường hợp này.

Trong chiến dịch này, thành phố tập trung lập danh sách và chăm sóc người có bệnh nền, người cần chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên. Những trường hợp này được rà soát để tiêm đủ liều vaccine cơ bản và ưu tiên mũi 3 sau 6 tháng.

 TP.HCM thực hiện chiến dịch bảo vệ người cao tuổi trước nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu.

TP.HCM thực hiện chiến dịch bảo vệ người cao tuổi trước nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu.

Hà Nội cũng tăng tốc tiêm vaccine cho nhóm người từ 50 trở lên. Đến nay, thành phố này đã tiêm cho 82,33% cho người dân trong nhóm tuổi này.

Sở Y tế Hà Nội nhận định trong những tháng mùa đông xuân cuối năm 2021 và đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố có khả năng bùng phát do sự xuất hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 (Delta, Omicron).

Trong văn bản ngày 3/12, Sở Y tế Hà Nội tiếp tục yêu cầu các đơn vị y tế đẩy mạnh giám sát, phát hiện sớm ca bệnh và xử lý triệt để ổ dịch.

Mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng thông báo tất cả người dân từ 12 tuổi trở lên tại tỉnh này khẩn trương liên hệ ngay trạm y tế xã, phường, thị trấn gần nhất đăng ký để được vaccine (nếu chưa tiêm hoặc đủ thời gian tiêm mũi 2).

Theo kế hoạch, Sóc Trăng sẽ kết thúc việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho những người từ 12 tuổi trở lên vào ngày 15/12. Sau đó, địa phương này sẽ áp đặt một số lệnh hạn chế với trường hợp (trong độ tuổi nêu trên) chưa tiêm vaccine.

Đắk Lắk nhiều ngày qua ghi nhận ca nhiễm tăng cao, song tỷ lệ tiêm đủ 2 liều vaccine ở người dân trên 18 tuổi còn khá thấp. Hiện tỷ lệ tiêm mũi 1 của tỉnh này đã đạt trên 95% nhưng mũi 2 mới khoang 54%.

Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo Bộ Y tế và tỉnh Đắk Lắk, Bộ trưởng Y tế lưu ý địa phương này cần tăng cường lực lượng đến từng ngõ, gõ từng nhà để tiêm vaccine cho người dân, đặc biệt là nhóm nguy cơ cao, ưu tiên người trên 50 tuổi.

Ngoài ra, ngành y tế tỉnh này cũng tăng cường tiêm vaccine phòng bệnh khác như bạch hầu để tránh tình trạng dịch chồng dịch.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/so-ca-f0-van-tang-manh-nhieu-dia-phuong-tang-toc-tiem-vaccine-post1281316.html