Số ca mắc Covid-19 tại Bắc Giang sẽ tăng nhanh
Trong 7-10 ngày tới, Bắc Giang sẽ bước vào thời điểm dịch phát triển mạnh hay còn gọi là giai đoạn cấp tính của Covid-19. Do đó, số bệnh nhân sẽ tăng nhanh.
Đến sáng nay (16/5), Bắc Giang đã trở thành địa phương có số ca mắc Covid-19 cao nhất Việt Nam trong đợt bùng dịch này (314 ca).
Trong buổi làm việc tối muộn hôm qua tại Bắc Giang, các chuyên gia của đoàn Bộ Y tế nhận định việc phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương này còn nhiều vướng mắc, đồng thời đưa ra một số giải pháp cụ thể.
Chưa quản lý chặt diện tiếp xúc ca bệnh
Theo ông Từ Quốc Hiệu, Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang, nếu gộp mẫu, tỉnh tối đa có thể làm được khoảng 7.500 mẫu/ngày. Vừa qua, Quảng Ninh đã hỗ trợ để nâng con số này lên thêm khoảng 10.000 mẫu/ngày.
Với chiến lược sàng lọc để đảm bảo tốc độ truy vết, Bắc Giang buộc phải làm test nhanh thay vì lấy mẫu xét nghiệm rRT-PCR. Tỉnh phải làm test nhanh hàng ngày để phát hiện F0 kịp thời, đưa đi cách ly sớm nhất.
"Tuy nhiên, việc làm này yêu cầu rất nhiều test kit. Số lượng test kit của Bắc Giang còn rất ít, khoảng 3.000 bộ", ông Hiệu nói.
Về điều trị, ông Hiệu cho biết các bệnh viện của Bắc Giang có quy mô khá nhỏ. Mỗi bệnh viện chỉ tiếp nhận được từ 150 đến 250 bệnh nhân. Khu hồi sức để tập trung điều trị bệnh nhân nặng chỉ có khoa truyền nhiễm của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên, cơ sở y tế này cũng chỉ được trang bị đến máy thở, chưa có ECMO.
Do đó, Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ tỉnh nâng cao năng lực điều trị thông qua các phương tiện, vật tư, xây dựng bệnh viện dã chiến cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong điều trị bệnh nhân Covid-19.
Tiến sĩ Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nhận định ổ dịch tại Bắc Giang có tốc độ lây rất nhanh và xuất hiện sự lây nhiễm chéo giữa các phân xưởng, công ty.
Trong khi đó, ông Tấn cho hay công tác liên lạc, truy vết người tiếp xúc tại Bắc Giang thực hiện chưa tốt. Cụ thể, đội truy vết của Cục Y tế Dự phòng đã gọi điện thoại đến ngẫu nhiên 60 người liên quan và họ cho biết chưa được địa phương quản lý chặt chẽ.
“Bắc Giang có mật độ và số lượng công nhân đông. Khi công nhân về nơi lưu trú thì không được quản lý kịp. Tỉnh cần lưu ý chuyển danh sách cho huyện, xã để phối hợp truy vết chống dịch. Nếu không nắm được danh sách, có thể những người này sẽ lây nhiễm cho người khác”, ông Tấn nhấn mạnh.
Dập dịch ở khu công nghiệp nhưng không quên cộng đồng
Sau khi kiểm tra tại các điểm cách ly tập trung và khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, ông Dương Chí Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế, nhận định nguy cơ lây nhiễm virus tại đây là rất lớn.
"Công ty này sản xuất điện tử, khoảng cách giữa các công nhân rất gần, chỉ khoảng 0,5 m. Ngoài ra, đặc thù của sản xuất điện tử là dây chuyền chạy liên tục, công nhân ngồi sát nhau, trần thấp, sử dụng điều hòa chung trung tâm. Những yếu tố này khiến việc đảm bảo phòng, chống dịch là rất khó", ông Nam cho hay.
Ngoài ra, một điểm đáng chú ý là các công ty tại khu công nghiệp này có những đơn vị cung cấp suất ăn cho công nhân. Tỉnh phải nhanh chóng truy ra các đơn vị này để đánh giá việc giao, nhận thực phẩm ra sao, nguy cơ lây nhiễm như thế nào.
Dù vậy, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Đặng Quang Tấn nhấn mạnh tỉnh Bắc Giang dồn sức dập dịch ở khu công nghiệp nhưng không được bỏ quên truy vết tại cộng đồng.
“Nếu trong cộng đồng vẫn còn người mang mầm bệnh thì sẽ nguy hiểm vô cùng. Chúng tôi đề nghị tỉnh triển khai giám sát toàn bộ người có biểu hiện ho, sốt, quản lý khai báo y tế, đưa đi cách ly và lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 ở khu vực nguy cơ cao”, ông Tấn đề nghị.
Đồng quan điểm, ông Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, nhận định các biện pháp khẩn cấp được tỉnh Bắc Giang triển khai thời điểm đầu là rất nhanh và cơ bản. Tuy nhiên, tỉnh cần tiếp tục truy vết, đặc biệt là trong cộng đồng thay vì chỉ chú ý đến trong công ty, khu công nghiệp.
"Ngay tối nay, tỉnh đã phải bắt đầu rà soát ngay trong cộng đồng để phát hiện và đưa nhưng trường hợp liên quan đi cách ly tập trung. Nếu để lây nhiễm virus ra cộng đồng, mối nguy hiểm là rất lớn", Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nhấn mạnh.
Chuẩn bị kịch bản đối phó số ca nhiễm lớn
Theo ông Dương, trong 7-10 ngày tới, Bắc Giang sẽ bước vào giai đoạn dịch phát triển mạnh hay còn gọi là giai đoạn cấp tính của dịch. Do đó, số bệnh nhân sẽ tăng nhanh. Nguyên nhân là những ca bệnh đã lây nhiễm, virus đến thời gian ủ bệnh sẽ nở ra.
Với tình hình đó, nhu cầu xét nghiệm nhanh, rộng ở tỉnh Bắc Giang là rất lớn. Bởi vậy, bên cạnh tăng công suất xét nghiệm, việc bố trí nhân sự lấy mẫu cũng là rất quan trọng. Ông Dương cho rằng tỉnh bằng mọi cách cần nhanh chóng huy động, tập hợp đội ngũ với số lượng người đông hơn cho việc lấy mẫu, đáp ứng công tác chống dịch lâu dài.
Ngoài ra, tổ Covid-19 cộng đồng hay tổ an toàn Covid-19 tại khu công nghiệp cũng cần được thành lập ngay để đảm bảo kiểm soát được mức độ lây lan của virus.
Về vấn đề điều trị, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, cho rằng việc để lọt các ca bệnh vào cơ sở y tế thời gian tới sẽ làm thảm họa. Ông Khoa đề xuất tỉnh nhanh chóng kích hoạt bệnh viện dã chiến số 2 đặt tại Bệnh viện tỉnh Bắc Giang.
Với các bệnh nhân nặng, Bắc Giang nên điều phối chuyển tới điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang do cơ sở y tế này đảm bảo cơ sở vật chất và năng lực tốt hơn.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/so-ca-mac-covid-19-tai-bac-giang-se-tang-nhanh-post1215901.html