Số ca mắc COVID-19 tại châu Âu tăng gấp đôi sau 5 tuần

Theo số liệu tổng hợp của hãng Reuters, châu Âu sau gần 9 tháng mới chạm mốc 5 triệu ca mắc COVID-19, nhưng sau đó chỉ hơn một tháng đã ghi nhận mốc 5 triệu ca tiếp theo.

Số ca mắc COVID-19 ở châu Âu đã tăng gấp đôi chỉ trong 5 tuần qua, đưa tổng số ca bệnh ở châu lục này tính đến ngày 1/11 vượt ngưỡng 10 triệu ca.

Các nước Tây Âu chứng kiến số ca mắc COVID-19 cao nhất trong khu vực (hơn 30%), trong khi Nam Âu ghi nhận số ca tử vong cao nhất (khoảng 32%). Tại Đông Âu, Nga là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19.

Châu Âu tăng cường chống dịch

Để kiềm chế tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tăng đột biến, nhiều chính phủ châu Âu đã phải tái áp đặt các biện pháp phong tỏa.

Bất chấp những lời kêu gọi của giới doanh nghiệp, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tuyên bố lệnh phong tỏa trong vòng 4 tuần trên toàn vùng England khi số ca nhiễm COVID-19 tại Anh nói riêng và châu Âu nói chung tăng mạnh trở lại trong những tuần qua.

Anh là một trong những quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch COVID-19, với hơn 46.800 ca tử vong trong tổng số hơn 1 triệu ca mắc COVID-19. Quyết định áp đặt phong tỏa lần hai tại England được đưa ra sau khi các bệnh viện thông báo có thể rơi vào tình trạng quá tải trong những tuần tới nếu chính phủ không hành động mạnh mẽ.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã ban hành một loạt biện pháp phong tỏa, theo đó các quán bar, quán cà phê, nhà hàng cùng các cơ sở giải trí như nhà hát, rạp chiếu phim... buộc phải đóng cửa. Các biện pháp này có hiệu lực từ ngày 2/11 đến hết tháng. Bà Merkel đánh giá, khoảng 30% người dân Đức nằm trong nhóm rủi ro vì dịch COVID-19.

Trong khi đó, Chính phủ Bỉ cũng dự kiến sẽ công bố nhiều biện pháp hạn chế mới khi tỷ lệ nhiễm virus tại nước này tính trên đầu người đang ở mức cao nhất thế giới.

Trước đó, Pháp, Bồ Đào Nha và Áo cũng thông báo phong tỏa từng phần hoặc toàn bộ đất nước bắt đầu từ tuần này. Chính phủ Bồ Đào Nha thậm chí đang cân nhắc tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế nhằm siết chặt các biện pháp chống dịch hiện nay. Thủ tướng Antonio Costa tuyên bố: "Chúng tôi đề xuất sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp với mục đích ngăn chặn dịch bệnh, tránh xảy ra những đáng tiếc về mặt pháp lý". Theo kế hoạch này, các biện pháp phong tỏa chống dịch đã được áp đặt tại các khu vực miền Bắc Bồ Đào Nha sẽ được mở rộng ra phạm vi toàn lãnh thổ hoặc 70% dân số quốc gia 7,1 triệu dân này.

Giới chức bang Geneva (Thụy Sĩ) ngày 2/11 cũng thông báo sẽ đóng cửa toàn bộ quán bar, nhà hàng và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực không thiết yếu kể từ ngày 3/11. Các bệnh viện cũng được cảnh báo về tình trạng quá tải và phải đưa ra quyết định khó khăn khi lựa chọn tiếp nhận bệnh nhân điều trị theo mức độ bệnh.

Chính phủ Hy Lạp cũng thông báo áp đặt phong tỏa hai tuần tại thành phố Thessaloniki lớn thứ hai cả nước và Serres ở miền Bắc nhằm kiềm chế tốc độ lây nhiễm. Người phát ngôn Chính phủ cho biết số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này thấp nhất so với các nước châu Âu khác, tuy nhiên sự gia tăng đáng báo động từ đầu tháng 10 khiến giới chức lo ngại dịch có thể bùng phát mạnh.

Giám đốc điều hành Chương trình khẩn cấp y tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Mike Ryan cho rằng, các chính phủ ở châu Âu đang phải đối mặt với một "tình huống rất khó khăn" trong việc kiểm soát số ca mắc COVID-19 gia tăng khi nhiều người dân tỏ ra mệt mỏi với những hạn chế mới trong cuộc sống hàng ngày. Ông Ryan nhấn mạnh cần đẩy lùi virus SARS-CoV-2, giải tỏa sức nóng của dịch bệnh nhưng sự lựa chọn của các chính phủ hiện rất hạn chế.

Thế giới ghi nhận hơn 47 triệu ca mắc COVID-19

Theo trang worldometers.info, tính đến 10h sáng 3/11 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 47.319.160 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có hơn 1,2 triệu ca tử vong. Hơn 34 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi vẫn còn hơn 12 triệu bệnh nhân đang được điều trị.

Mỹ là quốc gia chịu tác động mạnh nhất với 9.567.543 ca mắc bệnh và 236.997 ca tử vong. Theo hãng tin Reuters (Anh), số ca mắc mới COVID-19 tại Mỹ trong tuần qua đã tăng lên mức cao chưa từng thấy, với mức tăng 18% lên hơn 575.000 ca, trong khi số ca tử vong tăng 3%.

Tiếp đó là Ấn Độ với 8.266.914 triệu ca mắc, trong đó có 123.139 ca tử vong. Brazil đứng thứ 3 với 5.545.206 ca mắc, trong đó có 160.272 ca tử vong.

BT

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/so-ca-mac-covid19-tai-chau-au-tang-gap-doi-sau-5-tuan/412871.vgp