Số ca mắc COVID-19 trong ngày ở Nhật Bản vượt ngưỡng 13.000 ca
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Ngày 12/1, số ca mắc mới COVID-19 theo ngày của Nhật Bản vượt ngưỡng 13.000 ca, lần đầu tiên trong hơn 4 tháng, trong bối cảnh làn sóng dịch thứ sáu do biến thể Omicron gây ra tiếp tục lan rộng khắp đất nước.
Cụ thể, Nhật Bản ghi nhận 13.244 ca mắc mới trên toàn quốc, trong đó thủ đô Tokyo chiếm 2.198 ca và đánh dấu lần đầu tiên sau hơn 4 tháng, con số này đã vượt ngưỡng 2.000 ca.
Đáng chú ý, qua kiểm tra sàng lọc ngẫu nhiên đối với 294 trường hợp mắc COVID-19, đã phát hiện 266 ca nhiễm biến thể Omicron, tức là tỉ lệ lên tới 90,5%.
Con số này cũng cao hơn gấp đôi so với 962 ca mắc được ghi nhận một ngày trước đó và tăng gấp 5 lần so với tuần trước. Tỉnh Osaka, thành phố lớn thứ 2 Nhật Bản, cùng ngày báo cáo 1.711 ca nhiễm mới, đánh dấu lần đầu tiên con số này ngưỡng 1.000 ca kể từ ngày 15/9/2021.
Chính phủ Nhật Bản đang xem xét rút ngắn khoảng cách giữa mũi vaccine ngừa COVID-19 thứ hai và mũi tăng cường từ 8 tháng xuống còn 7 tháng cho những người dưới 65 tuổi kể từ ngày 11/1.
Khoảng thời gian tiêm giữa 2 mũi này cho nhân viên chăm sóc y tế và người cao tuổi trong viện dưỡng lão đã được rút ngắn xuống còn 6 tháng vào tháng 12 năm ngoái. Để tránh cho hệ thống y tế rơi vào tình trạng quá tải, chính quyền trung ương đã thay đổi chính sách điều trị đối với những người nhiễm biến thể Omicron, theo đó chỉ những người có triệu chứng nghiêm trọng mới cần nhập viện.
Bộ Y tế cho biết khoảng 16.000 cơ sở y tế trên toàn quốc sẽ phối hợp cung cấp dịch vụ thăm khám và theo dõi bệnh nhân hồi phục tại nhà. Nhật Bản cũng đã tăng cường năng lực y tế để các bệnh viện có thể tiếp nhận 37.000 bệnh nhân.
Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, chính quyền thủ đô Tokyo dự kiến sẽ nâng mức cảnh báo đối với dịch bệnh COVID-19 lên cấp độ 2 (cấp độ tăng cường cảnh giác), trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 mới đang gia tăng nhanh chóng.
Trước tình hình đó, Hội đồng giám sát Tokyo, nơi tập hợp các chuyên gia phân tích đánh giá tình hình dịch bệnh COVID-19, đã lên kế hoạch kiến nghị chính quyền Tokyo nâng cấp cảnh báo tình trạng lây nhiễm và cảnh báo y tế.
Dự kiến thủ đô của Nhật Bản sẽ nâng mức cảnh báo tình trạng lây nhiễm COVID-19 lên cấp độ 2 (cấp độ tăng cường cảnh giác) trong thang cảnh báo 4 cấp độ với lý do các ca mắc COVID-19 mới tăng liên tục tuần thứ hai liên tiếp.
Bên cạnh đó, cảnh báo y tế cũng sẽ được tăng lên cấp độ 3 nhằm ứng phó với tình trạng số ca nhập viện điều trị vì COVID-19 tăng mạnh.
Dự kiến, chính quyền thủ đô Tokyo sẽ đưa ra quyết định chính thức sau khi thảo luận và thống nhất với các chuyên gia cố vấn y tế hàng đầu của thành phố này trong ngày hôm nay.
Trong một diễn biến khác, chính phủ Nhật Bản đang xem xét rút ngắn thời gian cách ly bắt buộc đối với người tiếp xúc gần với ca nhiễm biến thể Omicron, trong khi các nhân viên y tế có thể vẫn được làm việc bình thường với điều kiện phải được xét nghiệm hàng ngày.
Hiện tại, Nhật Bản đang áp dụng cách ly bắt buộc 14 ngày đối với người tiếp xúc gần với ca mắc biến thể Omicron.
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu mới nhất của Viện các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản (NIID) cho thấy thời gian ủ bệnh của người được xác nhận nhiễm biến thể Omicron tại tỉnh Okinawa chỉ là khoảng 3 ngày.
Do đó, các thành viên thuộc tổ tư vấn của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đang lên kế hoạch đề xuất với chính phủ nước này rút ngắn thời gian cách ly bắt buộc đối với người tiếp xúc gần với ca nhiễm biến thể Omicron từ 14 ngày xuống 10 ngày.
Ngoài ra, một kiến nghị khác của tổ tư vấn là cho phép các nhân viên y tế mặc dù tiếp xúc gần với ca nhiễm biến thể Omicron vẫn được làm việc bình thường với điều kiện phải được xét nghiệm hàng ngày.
Lý do là tại tỉnh Okinawa, tính đến hết ngày 12/1, có tới 180 nhân viên y tế được xác nhận đã nhiễm biến thể Omicron cùng 448 nhân viên khác được xác định là tiếp xúc gần buộc phải cách ly.
Như vậy, không chỉ tỉnh Okinawa mà tại các địa phương khác đang gia tăng nhanh chóng các ca mắc biến thể Omicron, nếu áp dụng quy định này sẽ ảnh hưởng lớn đến việc vận hành của các cơ sở y tế do thiếu nhân lực trầm trọng.