Số ca mắc mới COVID-19 tại Indonesia giảm gần 30 lần
Số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày ở Indonesia hiện đã giảm gần 30 lần. Thống kê cũng cho thấy, trong tuần qua, số ca mắc mới tại Indonesia đã giảm 98,4% so với mức đỉnh điểm.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính đến hết ngày 12/10, các nước ASEAN ghi nhận thêm 30.673 ca mắc mới COVID-19 và 480 ca tử vong (có 3 quốc gia không cập nhật dữ liệu mới). Tổng số ca bệnh trong khu vực hiện đã lên tới 12.626.321 trường hợp và 269.773 ca tử vong.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Makassar, Nam Sulawesi, Indonesia. Ảnh: THX
Trong 24 giờ qua, khu vực ASEAN có 8 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Philippines ghi nhận 236 ca; Việt Nam ghi nhận 93 ca; Thái Lan báo cáo 84 ca; Campuchia thêm 17 ca và Lào thêm 2 ca tử vong.
Với 9.445 ca nhiễm trong ngày 12/10, Thái Lan đứng đầu khu vực về ca mắc mới. Tổng ca bệnh ở nước này đã lên tới 1.730.364 ca, bao gồm 17.835 ca tử vong.
Philippines đứng thứ hai với 8.615 ca nhiễm, nâng tổng ca bệnh lên 2.683.372 trường hợp, bao gồm 39.896 ca tử vong. Malaysia cùng ngày ghi nhận 7.276 ca nhiễm mới, nâng tổng trường hợp mắc COVID-19 lên 2.353.579.
Indonesia chỉ ghi nhận 1.261 ca nhiễm trong ngày 12/10, nhưng nước này vẫn dẫn đầu khu vực về ca bệnh với 4.229.813 trường hợp và 142.763 ca tử vong.
Đáng chú ý, số ca mắc mới COVID-19 hằng ngày ở Indonesia đã giảm gần 30 lần. Trong tuần qua, số ca mắc mới hằng ngày tại Indonesia đã giảm 98,4%, trong khi số ca mắc mới tại Java và Bali đông dân giảm tới 98,9% so với mức đỉnh điểm.
Indonesia cũng vừa cán mốc tiêm 150 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 và trở thành quốc gia đứng thứ năm thế giới về tổng số liều vaccine đã được tiêm. Với nhận định rằng bệnh COVID-19 tại Indonesia có thể trở thành bệnh đặc hữu vào năm 2022, chính phủ nước này đã xây dựng lộ trình chuyển tiếp từ đại dịch COVID-19 sang bệnh đặc hữu, chuẩn bị lộ trình “bình thường mới” để triển khai khi đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng.
Theo lộ trình này, vào ngày 14/10, các cửa khẩu hàng không quốc tế của Indonesia sẽ mở lại đón du khách từ 18 quốc gia và khi 70% dân số tiêm đủ 2 liều, biên giới sẽ được mở hơn nữa. Để hoàn thành mục tiêu này, Indonesia sẽ hoàn tất tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người cao tuổi trước lễ Giáng sinh và Năm mới sắp tới.
Các nhà sư đăng ký tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP
Tại Campuchia, theo Bộ Y tế nước này, ngày 12/10 là ngày thứ 11 số ca mắc mới COVID-19 tại Campuchia dao động quanh mức 200 ca/ngày, thấp hơn nhiều so với mức trên 800 ca/ngày vào cuối tháng 9/2021.
Báo Khmer Times cùng ngày dẫn lời đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Campuchia Li Ailan cho biết tỷ lệ tiêm phòng COVID-19 ở mức cao là cơ sở tốt để Campuchia tính tới mở cửa trở lại nền kinh tế và xã hội một cách an toàn và có trách nhiệm.
Tuy nhiên, theo bà Li Ailan, chỉ vaccine thôi là chưa đủ mà cần kết hợp tiêm phòng với các biện pháp phòng dịch và năng lực chăm sóc sức khỏe. WHO đang làm việc để đưa ra các khuyến nghị về chính sách và hỗ trợ kỹ thuật hướng tới sống chung an toàn với dịch COVID-19 cũng như các dịch bệnh khác trong tương lai.
Ngày 11/10, Campuchia đã khởi động chiến dịch tiêm mũi tăng cường vaccine phòng COVID-19 trên phạm vi cả nước, trong bối cảnh chiến dịch tiêm phòng cho 10 triệu người trưởng thành tại nước này đã hoàn thành trên 99%.
Theo thống kê của Campuchia, 99,24% người trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên) tại nước này đã được tiêm phòng ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 và hơn 95% trong số đó đã tiêm đầy đủ hai mũi.