Số ca mắc mới tại Malaysia, Campuchia và Philippines vẫn tăng cao
Ngày 8/7, Malaysia ghi nhận thêm 8.868 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 - mức cao thứ 2 kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này, đưa tổng số ca nhiễm ở quốc gia Đông Nam Á này lên 808.658 ca.
Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, trong số các địa phương, bang Selangor tiếp tục đứng đầu cả nước về số ca nhiễm mới, với 4.152 ca - mức cao nhất từ trước tới nay. Tiếp đó, là lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur, với 1.133 ca và bang Nigeri Sembilan, với 897 ca.
Như vậy, trong nửa tháng trở lại đây, số ca nhiễm mới hằng ngày tại Malaysia liên tục tăng, từ mức hơn 5.000 ca lên 6.000 ca, rồi 7.000 ca và 8.000 ca. Đáng chú ý là thời gian chuyển qua cột mốc mới dần ngắn lại, ví dụ từ mức 6.000 ca lên 7.000 ca mất 7 ngày, nhưng chỉ cần 2 ngày số ca nhiễm mới đã vượt lên mốc 8.000 ca.
Kỷ lục về số ca nhiễm mới trong ngày tại Malaysia được ghi nhận vào hôm 29/5, với 9.020 ca. Sau đó, để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, Malaysia đã quyết định đóng cửa toàn diện từ ngày 1/6 và đưa ra Kế hoạch Hồi phục quốc gia gồm 4 giai đoạn. Hiện nay, Malaysia đang ở giai đoạn 1. Để có thể chuyển sang giai đoạn 2, cần đáp ứng 3 yêu cầu: số ca nhiễm mới hằng ngày dưới 4.000 ca, công suất sử dụng giường điều trị tích cực về mức trung bình và 10% dân số hoàn thành tiêm chủng.
* Trong khi đó, số ca mắc mới COVID-19 tại Campuchia vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt, với mức tăng gần 1.000 ca/ngày trong nhiều ngày qua, gây khó khăn rất lớn cho hệ thống y tế nước này.
Phóng viên TTXVN tại Phnom Penh dẫn thông cáo của Bộ Y tế Campuchia ra ngày 8/7 cho biết trong 24 giờ qua, có thêm 954 ca mắc mới, trong đó có 136 ca nhập cảnh, đưa tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này kể từ đầu mùa dịch đến nay lên 58.057 ca, trong đó 50.020 người đã khỏi bệnh và 825 người tử vong.
Đáng chú ý, tối 7/7, Quận trưởng quận Toul Kork ở thủ đô Phnom Penh, ông Chan Bandith và giới chức quận Toul Kork thông báo phát hiện 92 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại nhà máy Meng Ieng thuộc quận này. Tất cả các ca mắc COVID-19 tại đây đã được chuyển đến trung tâm cách ly ở Koh Pich và Olympic.
Ngày 8/7, khi chương trình tiêm phòng COVID-19 hoàn tất tại 14 quận thuộc thủ đô Phnom Penh cũng là lúc các tỉnh Takeo, Pailin và Svay Rieng bắt đầu chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn cho người dân từ 18 tuổi trở lên. Theo Tỉnh trưởng tỉnh Pailin Ban Sreymom, việc tiêm phòng kéo dài 14 ngày từ ngày 8/7 tại 3 điểm ở thị trấn Pailin và 4 điểm thuộc huyện Sala Krao.
Tại Svay Rieng, giới chức tỉnh thông báo sẽ bắt đầu tiêm phòng cho người dân và công nhân may mặc có mong muốn được tiêm ngừa COVID-19
Với 1 triệu liều vaccine của Sinopharm mua của Trung Quốc đã về đến Campuchia ngày 6/7, người dân các tỉnh sẽ được tiêm phòng COVID-19 miễn phí. Theo Bộ Y tế Campuchia, Ủy ban tiêm phòng COVID-19 của nước này đang tiến hành phân bổ số vaccine hiện có tới các tỉnh gồm Kampong Cham, Tbong Khmum, Pursat, Kampong Chhnang, Takeo, Svay Rieng, Kampong Speu, Banteay Meanchey và Koh Kong.
* Cùng ngày, Philippines thông báo ghi nhận thêm 5.484 ca mắc mới và 91 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong tại quốc gia Đông Nam Á này lên lần lượt là 1.455.585 và 25.650.
* Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Thái Lan, người dân tại vùng đô thị Bangkok mở rộng ngày 8/7 đã đổ xô tới các siêu thị để mua thực phẩm và nhu yếu phẩm trong bối cảnh Bộ Y tế nước này đề xuất các tỉnh thuộc diện được kiểm soát chặt chẽ và tối đa sẽ phong tỏa trong 14 ngày. Thủ đô Bangkok cùng các tỉnh lân cận là Nonthaburi, Pathum Thani và Samut Prakan được đưa vào diện kiểm soát chặt chẽ tối đa kể từ 15/5.
Biến thể Delta đang là nguyên nhân chính khiến số ca mắc mới COVID-19 tại Thái Lan tăng nhanh. Theo Bộ Y tế Thái Lan, 52% số ca mới hiện nay tại Bangkok là do biến thể Delta và biến thể này cũng được ghi nhận tại gần 50 tỉnh thành khác. Với tốc độ lây nhiễm như hiện nay, giới chức Thái Lan không loại trừ khả năng số ca mắc mới ở nước này có thể sẽ tăng lên 10.000 ca mỗi ngày trong tuần tới.