Số ca mắc mới trên toàn cầu giảm mạnh; Thêm nhiều nước mở cửa hoàn toàn
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 1.389.879 trường hợp mắc COVID-19 và 6.885 ca tử vong. Tới nay, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 413 triệu ca, trong đó trên 5,84 triệu người không qua khỏi.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Hong Kong, Trung Quốc, ngày 10/2/2022.
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 15/2 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 413.665.118 ca, trong đó có 5.842.452 người tử vong.
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh bắt đầu giảm trên phạm vi toàn cầu, những vùng bệnh “nóng nhất” nằm ở châu Âu-châu Mỹ khi dịch tái bùng phát, số ca mắc mới vẫn cao ở nhiều nước thuộc châu lục này. Song ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt.
Trong 1 ngày qua, Nga là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 180.000 ca), trong khi Nga cũng là quốc gia có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với trên 600 ca.
Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 335.000.000 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 75 triệu ca và trên 88.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 14/2, thế giới có 92 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 70 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 với 79.415.576 ca mắc và 944.511 ca tử vong. Sau Mỹ là Ấn Độ với 42.665.534 ca mắc và 509.043 ca tử vong, Brazil với 27.483.031 ca mắc và 638.449 ca tử vong, Pháp với 21.708.827 ca mắc và 134.804 ca tử vong.
Một số nước tại châu Âu và châu Á đang phát đi những tín hiệu của cuộc sống bình thường mới. Theo đó, chính quyền liên bang và các bang ở Đức đang lên kế hoạch bãi bỏ dần nhiều biện pháp phòng dịch COVID-19 từ ngày 20/3, trong bối cảnh làn sóng Omicron được dự báo sẽ giảm xuống trong những tuần tới.
Theo đó, quy định về giới hạn 10 người lớn tại các cuộc gặp mặt riêng tư sẽ được mở rộng với số lượng người tham gia lớn hơn. Quy tắc phòng dịch trong lĩnh vực bán lẻ như 2G-Plus (những người đã tiêm phòng mũi tăng cường; những người đã khỏi bệnh hoặc đã tiêm phòng đủ 2 mũi vaccine và có kết quả xét nghiệm âm tính được vào các cửa hàng bán lẻ) sẽ được dỡ bỏ.
Câu lạc bộ và vũ trường sẽ được phép mở cửa trở lại từ ngày 4/3 tới và phải thực hiện quy định 2G-Plus. Từ ngày 4/3, quy tắc 3G (những người đã tiêm phòng, đã khỏi bệnh hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính) sẽ được áp dụng tại các nhà hàng và khách sạn; nhiều khán giả hơn sẽ được phép tham dự các sự kiện lớn như các trận bóng đá, hoạt động văn hóa, giải trí với quy tắc 2G hoặc 2G-Plus. Làm việc tại nhà sẽ không còn là yêu cầu bắt buộc. Liên quan tình hình dịch COVID-19 tại Đức, trong ngày 14/2, nước này ghi nhận thêm 76.465 ca mắc, giảm 20% so với tuần trước. Tỷ lệ nhiễm trong 7 ngày trên 100.000 dân cũng giảm từ 1.467 người xuống 1.460 người.
Tại Canada, chính quyền tỉnh Ontario - tỉnh đông dân nhất Canada - vừa thông báo quyết định dỡ bỏ hệ thống hộ chiếu vaccine kể từ ngày 1/3 tới, đồng thời đẩy nhanh giai đoạn II của tiến trình mở cửa trở lại nền kinh tế. Mặc dù vậy, các tổ chức, doanh nghiệp có thể lựa chọn tiếp tục yêu cầu chứng nhận về việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
Đáng chú ý, các yêu cầu về việc đeo khẩu trang sẽ vẫn được chính quyền Ontario áp dụng vào thời điểm này. Tất cả các hạn chế về sức chứa trong các nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim và phòng tập thể dục sẽ được dỡ bỏ kể từ ngày 17/2.
Tại châu Á, Chính quyền vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) ngày 14/2 thông báo dự kiến từ tháng 3 tới sẽ nới lỏng quy định cách ly phòng chống dịch COVID-19 để từng bước khôi phục cuộc sống bình thường.
Người đứng đầu cơ quan y tế Đài Loan Chen Shih-chung cho báo giới biết cơ quan này dự kiến thời gian cách ly sẽ giảm xuống còn 10 ngày trước giữa tháng 3, đồng thời tin tưởng rằng có thể phát hiện mọi ca lây nhiễm trong thời gian này bằng cách xét nghiệm.
Tuy nhiên, tại Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), đợt bùng phát COVID-19 đang ngày càng trầm trọng, buộc chính quyền đặc khu phải kéo dài thời gian áp dụng quy định tạm ngừng học trực tiếp thêm 2 tuần nữa, đến ngày 7/3.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 5/2/2022.
Chính phủ Thái Lan đang lên kế hoạch mở cửa trở lại biên giới với Malaysia vào tháng tới nhằm đẩy nhanh tốc độ phục hồi ngành du lịch và kinh tế ở các tỉnh vùng cực Nam nước này. Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã yêu cầu Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) cũng như trung tâm điều hành khẩn cấp về du lịch và thể thao vạch ra các biện pháp để mở lại các cửa khẩu ở Songkhla, Yala, Narathiwat và Satun.
Tiếp theo chính sách của Chính phủ Thái Lan lập "bong bóng" du lịch với Malaysia, khách du lịch từ quốc gia láng giềng này sẽ được phép nhập cảnh Thái Lan theo chương trình "Test & Go" (Xét nghiệm và Lên đường) mà không cần cách ly khi đến nước này. Tuy nhiên, du khách vẫn cần phải thực hiện hai lần xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR sau khi đến Thái Lan.
Tại Hàn Quốc, Bộ Giáo dục nước này đang xem xét yêu cầu học sinh mẫu giáo và tiểu học thực hiện xét nghiệm nhanh COVID-19 ở nhà trước khi đến trường với tần suất 2 lần/tuần. Yêu cầu này có thể được thực hiện từ tháng 3 tới. Còn tại Bangladesh, Thủ tướng Sheikh Hasina ngày 13/2 cho biết các cơ sở giáo dục sẽ mở cửa trở lại vào cuối tháng này nếu tình hình dịch COVID-19 được dự báo sẽ có nhiều cải thiện.
Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua diễn biến phức tạp và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Indonesia, Philippines và Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác.
Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Lào và Việt Nam. Trong 24h qua, Indonesia ghi nhận nhiều ca mắc mới nhất khu vực (trên 36.000 ca), trong khi Philippines chứng kiến nhiều ca tử vong nhất (164 trường hợp).
Sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Omicron khiến nhiều nước Đông Nam Á tăng mạnh số ca mắc bệnh. Hiện đã có ít nhất 9 thành viên ASEAN ghi nhận các ca nhiễm Omicron. Tuy vậy, về cơ bản, các nước đang ngày càng khống chế tốt đại dịch và số ca tử vong không quá cao.
Xét về tổng số ca mắc và tử vong từ đầu dịch tới nay, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Điểm nóng này hạ nhiệt nhanh chóng trong vài tháng trước, song những ngày qua dịch bệnh đang leo thang trở lại khi số ca mắc mới tăng vọt.
Thái Lan cũng là một điểm dịch nóng ở Đông Nam Á, số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 14/2 ghi nhận thêm trên 14.000 ca bệnh mới và 26 người tử vong.
Chính phủ Thái Lan đang lên kế hoạch mở cửa trở lại biên giới với Malaysia vào tháng tới nhằm đẩy nhanh tốc độ phục hồi ngành du lịch và kinh tế ở các tỉnh vùng cực Nam nước này.
Campuchia số ca mắc mới cũng tăng trở lại sau một thời gian giảm, với trên 200 bệnh nhân mới nhưng không ghi nhận ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang từng bước nới lỏng giãn cách xã hội và đã mở cửa lại đất nước.
Trong khi đó, dịch bệnh tại Lào đang diễn biến khó lường, tổng số ca bệnh đã vượt 138.000, số ca mắc mới trên 200 ca mỗi ngày, số ca tử vong tại “xứ sở triệu voi” trong 24 giờ qua là 3 trường hợp.
Cơ quan Khoa học y tế (HSA) Singapore ngày 14/2 cho biết đã phê duyệt và cấp phép sử dụng vaccine do Công ty Novavax phát triển cho người từ 18 tuổi trở lên và đây là loại vaccine đầu tiên không theo công nghệ mRNA mà dựa trên protein được khuyến nghị sử dụng thành mũi tiêm tăng cường.
Tại Singapore dẫn thông báo của HSA cho biết vaccine của Novavax, được sản xuất dưới tên gọi là Nuvaxovid, sẽ có tại Singapore trong vài tháng tới. Chế độ tiêm chủng thông thường sẽ gồm 2 liều 5mcg, được tiêm cách nhau 3 tuần. Nuvaxovid sẽ cung cấp thêm một lựa chọn cho những người không đủ điều kiện tiêm vaccine công nghệ mRNA.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Singapore.
HSA cho biết đánh giá của họ dựa trên hai nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 3 được thực hiện ở Mỹ, Mexico và Anh, với hơn 40.000 người tham gia thử nghiệm ở độ tuổi từ 18 đến 95. Kết quả cho thấy Nuvaxovid đã chứng minh hiệu quả lên tới 90% trong việc ngăn ngừa triệu chứng của COVID-19 và hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa chuyển nặng.
Như vậy, tới thời điểm này, Singapore đã phê duyệt sử dụng 4 loại vaccine trong chương trình tiêm chủng quốc gia gồm Comirnaty của Pfizer-BioNTech, Spikevax của Moderna, Sinovac-CoronaVac và Nuvaxovid./.