Số ca mắc sởi tăng mạnh, bệnh viện quá tải phải 'cầu cứu' chi viện nhân lực

Số ca mắc sởi tại nhiều tỉnh thành phía Nam đã tăng vọt lên hàng nghìn, nhiều bệnh viện rơi vào quá tải, phải cầu cứu chi viện nhân lực phục vụ điều trị nội trú.

 Bệnh nhi mắc sởi phải điều trị thở máy tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: BVCC

Bệnh nhi mắc sởi phải điều trị thở máy tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: BVCC

Sở Y tế Đồng Nai khẩn cấp chi viện nhân lực điều trị sởi

Đồng Nai đang là địa phương dẫn đầu về số ca mắc sởi trong cả nước. Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, trong tuần vừa qua, địa phương này ghi nhận 959 ca bệnh sởi, nâng tổng số ca bệnh sởi từ đầu năm 2024 đến nay lên gần 4.000 ca.

Số ca bệnh sởi tăng ở 9/11 huyện, thành phố, trừ Tân Phú và Long Khánh. Trong đó, tăng nhiều nhất ở huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Thống Nhất. Thành phố Biên Hòa vẫn đang dẫn đầu về số ca mắc với hơn 1.500 ca. Như vậy, số ca bệnh sởi tiếp tục tăng mạnh, tuần sau cao hơn tuần trước và vẫn chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt".

Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, hiện đơn vị đang trong tình trạng quá tải, tất cả các phòng bệnh của Khoa Nhiệt đới, kể cả hành lang cũng đều chật kín bệnh nhi mắc sởi. Trong khi đó, đội ngũ y bác sĩ cũng căng mình hoạt động hết công suất.

Ngồi bên cạnh nhìn con gái 2 tuổi đang nằm thiêm thiếp bên giường bệnh, chị Cao Thị Mỹ Duyên, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai không khỏi đau lòng xót xa. Đôi mắt chị trũng sâu, mệt mỏi vì cả tuần chưa thể chợp mắt vì lo lắng cho con. Do con hay ốm vặt nên chị Duyên chưa đưa con đi tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng sởi. Dẫn đến khi phát bệnh, cháu bé phải vào viện cấp cứu trong tình trạng nặng.

"Ngày đầu con sốt, tôi có đưa con đi khám nhưng bác sĩ cho về nhà uống thuốc. Hôm sau thấy con thở rất khó khăn, không chịu ăn uống gì, khoang miệng bị lở loét nhiều, nên mới đưa vào Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai thì bác sĩ cho nhập viện và thở ô-xy luôn. Nhìn con không thở được tôi đau lòng lắm. Cũng may đến hiện tại con đã đỡ hơn. Tôi hối hận lắm vì đã không tiêm vaccine cho con đầy đủ"- chị Duyên chia sẻ.

Hiện tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đang điều trị cho hơn 10 ca mắc sởi nặng phải thở máy. Bệnh viện đã phải thành lập khu vực hồi sức riêng cho bệnh nhi mắc sởi nặng, biến chứng cần thở máy hoặc sốc nhiễm trùng phải điều trị tích cực. Ảnh: BVCC

Hiện tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đang điều trị cho hơn 10 ca mắc sởi nặng phải thở máy. Bệnh viện đã phải thành lập khu vực hồi sức riêng cho bệnh nhi mắc sởi nặng, biến chứng cần thở máy hoặc sốc nhiễm trùng phải điều trị tích cực. Ảnh: BVCC

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, hiện trung bình mỗi ngày tại đây có hơn 400 bệnh nhi đến bệnh viện khám và điều trị sởi. Trong đó, số ca phải điều trị nội trú đã tăng lên hơn 250 ca. "Bình thường bệnh viện dành 20 giường cho bệnh nặng và 180 giường bệnh cho bệnh nhi cần nằm viện. Đến nay, bệnh nhi cao quá gây quá tải. Nhiều bệnh nhi phải nằm ghép. Hiện bệnh viện đã dành riêng một tòa nhà 4 tầng chỉ để điều trị nội trú cho bệnh nhi mắc sởi, tổng sức chứa hơn 250 giường. Chúng tôi cũng đã thành lập khu vực hồi sức riêng cho bệnh nhi mắc sởi nặng, biến chứng cần thở máy hoặc sốc nhiễm trùng phải điều trị tích cực. Tuy nhiên do bổ sung thêm giường điều trị khiến cho số nhân lực cũng bị quá tải và thiếu hụt"- bác sĩ Nghĩa nói.

Theo ông Lưu Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, trước đề nghị của Bệnh viện Nhi đồng tỉnh, Sở đã bổ sung thêm 10 điều dưỡng từ các cơ sở y tế khác đến để chi viện, đáp ứng đủ nhu cầu điều trị cho 250 - 300 bệnh nhi nội trú.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành, rà soát các đối tượng để tiêm bổ sung vào các đợt tiêm chủng thường xuyên. Bệnh viện Nhi đồng của tỉnh, các bệnh viện tỉnh và bệnh viện huyện tập trung đảm bảo thuốc, vật tư điều trị để thu dung, điều trị các bệnh nhi có mắc sởi đến điều trị, đảm bảo rằng đủ điều kiện để xử lý tốt nhất, hạn chế thấp nhất những trường hợp trở nặng phải chuyển tuyến"- ông Dũng nhấn mạnh.

Không riêng tại tỉnh Đồng Nai, tại TPHCM, Bình Dương, Bạc Liêu, Cà Mau, dịch sởi cũng đang trở thành điểm nóng khi số ca mắc liên tục tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm trước. Nhiều bệnh viện đã phải bổ sung nhân lực và khu điều trị nội trú để có thể đáp ứng đủ nhu cầu điều trị cho bệnh nhân.

Theo PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), bệnh viện đã mở khu cách ly phòng chống bệnh sởi tại Khoa Nhiễm, khẩn cấp tổ chức các lớp tập huấn lại phác đồ điều trị cho các bệnh viện tuyến tỉnh. "Chúng tôi đã tính đến phương án nâng công suất giường trong thời gian tới nếu như số ca nhập viện gia tăng. Hiện nay bệnh viện cũng đã chuẩn bị đầy đủ thuốc men và nhân sự để chủ động trong chăm sóc cho bệnh nhân mắc sởi"-PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng cho biết.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phòng công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM hướng dẫn chăm sóc và theo dõi trẻ mắc bệnh Sởi. Nguồn: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM

Cần lấp lỗ hổng tiêm chủng

Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm dự báo, diễn biến bệnh sởi ở khu vực phía Nam còn tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm 2024 và đầu năm 2025. Điều đáng lo ngại nhất là vẫn còn một tỉ lệ lớn trẻ chưa tiêm vaccine sởi.

Khảo sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM với 51 trẻ mắc sởi trong tuần 44 thì có 64% trẻ chưa tiêm vaccine. Các bệnh viện tuyến cuối như Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, và Nhi đồng Thành phố đều có trẻ mắc bệnh sởi, và hầu hết trẻ mắc bệnh đều chưa tiêm vaccine ngừa sởi hoặc tiêm chưa đủ. Trong khi đó, khảo sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật của TP Cần Thơ cũng chỉ ra, đến hết tuần đầu tháng 12, trong số các ca mắc sởi trên địa bàn có đến 92,5% số ca mắc sởi chưa tiêm phòng, không rõ tình trạng tiêm và chưa đủ tuổi tiêm phòng. Điều này tạo ra khoảng trống miễn dịch đối với bệnh sởi cho trẻ.

Các chuyên gia khuyến cáo, khi các trạm y tế kết thúc đợt tiêm vaccine trong chương trình Tiêm chủng mở rộng tháng 12, phụ huynh có nhu cầu có thể đưa trẻ đến các cơ sở tiêm chủng dịch vụ để được tiêm vaccine sởi- rubella. Tại các trung tâm tiêm chủng dịch vụ, giá mỗi liều vaccine sởi- rubella là 182 nghìn đồng.

Tại hội nghị, hội nghị trực tuyến với 20 tỉnh thành về tình hình bệnh truyền nhiễm khu vực phía Nam mới đây, ThS Lương Chấn Quang, Viện Pasteur TPHCM cho biết, quá trình phòng chống dịch sởi đang gặp rất nhiều khó khăn do di biến động dân cư, trường học không lập danh sách trẻ đầy đủ, nhân sự trạm y tế không đủ để rà soát danh sách, nhiều phụ huynh không cho con tiêm vaccine vì sợ tác dụng phụ...

"Các địa phương cần nhanh chóng lấp lỗ hổng tiêm chủng bằng việc lập danh sách các trẻ chưa tiêm đầy đủ, danh sách theo từng lứa tuổi, đối chiếu trên phần mềm tiêm chủng, danh sách trẻ cộng đồng chưa tiêm. Bên cạnh đó, ngành y tế cũng mong muốn toàn dân cùng vào cuộc tham gia phòng chống sởi bằng cách chỉ phát ban là nghĩ ngay đến sởi để dự phòng và ngăn dịch sớm"- ông Quang nhấn mạnh.

Ngành y tế Đồng Nai vẫn đang tiếp tục rà soát và tiêm bổ sung vaccine phòng sởi cho trẻ em cũng như người lớn. Ảnh: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai

Ngành y tế Đồng Nai vẫn đang tiếp tục rà soát và tiêm bổ sung vaccine phòng sởi cho trẻ em cũng như người lớn. Ảnh: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai

Theo BS.CKII Dư Tuấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm, Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, bệnh sởi không chỉ nguy hiểm đến tính mạng con trẻ, khi trẻ nhập viện vì biến chứng nặng, thời gian điều trị khá dài, có trẻ từ 5-7 ngày hoặc kéo dài hơn. Điều này cũng ảnh hưởng đến gia đình khi phải nghỉ việc liên tục để chăm trẻ, tăng chi phí điều trị.

"Những trẻ đã tiêm đủ 2 mũi hầu như được bảo vệ an toàn trước dịch bệnh sởi. Vì vậy chúng ta cần đưa trẻ đi tiêm dự phòng vaccine sớm vì vaccine rất an toàn và hiệu quả cho bệnh sởi. Chúng ta chỉ cần cho trẻ tiêm vaccine phòng sởi khi trẻ 9 tháng và tiêm nhắc lại khi trẻ 18 tháng", bác sĩ Quy nói.

Nhiều địa phương đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn dịch sởi

Trước tình trạng trên địa bàn đã có ca tử vong do mắc sởi, ngành y tế tỉnh Bình Dương đã chủ động tăng cường nhiều biện pháp để giảm gia tăng và giảm thiệt hại bởi bệnh sởi. Nhiều cơ sở y tế đã phối hợp cùng các trường học để tuyên truyền cho học sinh nắm được kiến thức về nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng bệnh, đặc biệt nâng cao nhận thức trong việc tiêm bổ sung vaccine phòng sởi đối với những trẻ chưa tiêm phòng sởi hoặc tiêm chưa đủ mũi.

Học sinh Trường Tiểu học Trần Phú, phường Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đặt câu hỏi về cách phòng bệnh sởi. Ảnh: K.Hà

Học sinh Trường Tiểu học Trần Phú, phường Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đặt câu hỏi về cách phòng bệnh sởi. Ảnh: K.Hà

Còn tại tỉnh Cà Mau, bên cạnh việc đề xuất tăng cường thêm vaccine phòng chống bệnh sởi để hỗ trợ địa phương tiêm bao phủ các nhóm đối tượng nguy cơ cao từ 6 đến 9 tháng tuổi, các cơ sở y tế cũng đã tổ chức chương trình tiêm vaccine cho những nhân viên y tế trực tiếp làm việc, chăm sóc và điều trị cho bệnh nhi. Hoạt động này không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe cho nhân viên bệnh viện mà còn góp phần ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng, đặc biệt là đối với những bệnh nhân và trẻ nhỏ đang điều trị tại bệnh viện.

Tại miền Bắc, số ca mắc sởi cũng đang có dấu hiệu gia tăng

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang: Hiện Khoa Truyền nhiễm của bệnh viện đang phải căng mình điều trị cho hơn 100 trẻ mắc sởi. Trong đã có 5 ca sởi phải thở ô-xy và 2 ca chuyển xuống Khoa Hồi sức tích cực để thở máy, một số ca phải chuyển xuống Bệnh viện Nhi trung ương để điều trị.

Tính từ tháng 11 đến nay, riêng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang đã tiếp nhận gần 400 ca sởi. Thậm chí có những ngày tiếp nhận từ 30 đến 40 ca nhập viện, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, đã xuất hiện nhiều ca có biến chứng nặng.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội nhận định, cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 165 ca mắc sởi tại 27 quận, huyện, tăng so với cùng kỳ năm 2023. Thành phố vẫn đang thực hiện tiêm bù, tiêm vét vaccine sởi cho trẻ em trong độ tuổi trên địa bàn.

Ghi nhận tại một số cơ sở y tế như Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, trong tuần đều tiếp nhận các ca mắc sởi vào nhập viện điều trị. Riêng tại Bệnh viện Xanh Pôn, từ đầu tháng 10 đến nay đã tiếp nhận 67 bệnh nhi bị mắc sởi kèm biến chứng viêm phổi điều trị nội trú. Trong đó, đã có những bệnh nhân bị biến chứng suy hô hấp cần thở ô-xy, một ca bị viêm cơ tim.

Anh Đào

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/so-ca-mac-soi-tang-manh-benh-vien-qua-tai-phai-cau-cuu-chi-vien-nhan-luc-20241209163143984.htm