Số ca mắc sốt xuất huyết có thể lập kỷ lục
Từ đầu năm 2022 đến nay, TP HCM ghi nhận hơn 62.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH). So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc tăng hơn 7 lần, tỉ lệ ca nặng tăng hơn 3,6 lần. Các chuyên gia dự đoán số ca mắc sẽ cao nhất trong 25 năm trở lại đây.
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM là bệnh viện tuyến cuối điều trị bệnh nhân SXH nặng ở khu vực phía Nam. ThS-BS Hà Thị Hải Đường, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn (ICU) Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, cho biết 9 tháng đầu năm có 38.000 trường hợp đến khám mắc SXH. Trong đó có 10.952 bệnh nhân phải nhập viện. Số ca chuyển nặng hơn 1.756 ca. Đến nay đã có 25 bệnh nhân tử vong vì SXH, trong đó có 3 trẻ em.
Theo bác sĩ Hà Thị Hải Đường, năm nay, SXH có biểu hiện lâm sàng nặng hơn so với những năm trước. Bệnh nhân vào sốc sớm hơn, tái sốc nhiều hơn, số ca suy gan nặng, xuất huyết nặng cũng tăng. Đáng chú ý, đang có dịch cúm, do đó người lớn tuổi, có bệnh nền, thai phụ vừa mắc cúm vừa mắc SXH sẽ có thể diễn tiến nặng khi mắc đồng bệnh.
Nói về việc phân tầng điều trị bệnh SXH, bác sĩ Hải Đường cho biết tại khoa chỉ tiếp nhận ca nặng và rất nặng, trong đó 50% bệnh nhân cần hỗ trợ hô hấp và điều trị chuyên sâu. Việc phân tầng điều trị sẽ có chức năng, giới hạn, nhiệm vụ riêng của từng tầng. Hiện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM có kết nối với các bệnh viện trong khu vực và các tỉnh, thành lân cận, sẵn sàng hỗ trợ về chuyên môn cho các tuyến trong trường hợp cần thiết.
Tương tự, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), cho biết từ đầu năm đến nay, bệnh viện tiếp nhận hơn 500 ca SXH nặng, trong đó có 2 bệnh nhân tử vong. Trường hợp tử vong do nhập viện quá muộn và chuyển viện trong tình trạng rất nặng mà không có sự hội chẩn trước với tuyến trên.
Theo bác sĩ Tiến, số ca SXH nhập viện tích lũy giảm nhưng số ca nặng chuyển đến vẫn tăng. Bác sĩ Tiến cho rằng có thể một mặt do độc lực virus gây bệnh SXH tăng hoặc có thể do công tác truyền thông giáo dục sức khỏe phổ biến hơn, người dân nắm bắt các dấu hiệu chuyển nặng, đưa bé vào bệnh viện sớm hơn, không để tình huống xấu xảy ra ở nhà.
Cũng theo bác sĩ Tiến, bên cạnh tổ chức lực lượng bác sĩ giỏi điều trị các ca mắc SXH nặng, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố còn tổ chức tập huấn cho tuyến dưới để các bác sĩ ở tỉnh tự tin giữ bệnh nhân điều trị với những ca chưa quá nặng; đồng thời tư vấn, hội chẩn chuyên môn từ xa nhằm giúp tuyến dưới giải quyết bệnh nhân tại chỗ, tránh quá tải cho tuyến trên.