Số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhanh, nỗ lực phòng chống dịch

Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Kiên Giang tiếp tục gia tăng, tuy chưa ghi nhận trường hợp tử vong nhưng nhiều trường hợp chuyển nặng. Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai nhiều biện pháp dập dịch, khuyến cáo người dân không chủ quan, chủ động diệt lăng quăng, diệt muỗi để phòng, chống bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận trên 92.000 ca sốt xuất huyết, trong đó có 36 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết. Bộ Y tế đánh giá, hiện đang là cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết, số ca mắc sốt xuất huyết liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố những tuần gần đây, tập trung chủ yếu tại khu vực miền Nam và một số tỉnh, thành phố khu vực miền Trung.

Từ đầu năm đến ngày 10-7, toàn tỉnh ghi nhận 1.401 ca sốt xuất huyết, tăng 3,3 lần so cùng kỳ năm 2021 (431 ca). Những tuần gần đây, tỉnh đều ghi nhận trên 100 ca sốt xuất huyết/tuần, có tuần ghi nhận hơn 200 ca. Địa phương ghi nhận bệnh sốt xuất huyết cao là TP. Phú Quốc (401 ca), TP. Rạch Giá (262 ca), huyện Châu Thành (159 ca); các địa phương còn lại ghi nhận vài chục đến gần 100 ca.

Bác sĩ Chung Tấn Thịnh - Phó Giám đốc Sở Y tế nhận định: “Nguyên nhân bệnh sốt xuất huyết tăng do dịch sốt xuất huyết có tính chất chu kỳ, thời điểm mùa hè thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng phát triển, sự giao lưu, đi lại của người dân cao. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân ý thức phòng bệnh chưa tốt, còn chủ quan, lơ là, không chủ động thực hiện biện pháp phòng bệnh. Nhiều trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết nhưng nhập viện trễ, chuyển biến nặng, gây khó khăn cho công tác điều trị”.

Từ ngày 15-6 đến 15-7, toàn tỉnh ghi nhận 747 ca sốt xuất huyết, trong đó có 41 ca nặng. Bệnh sốt xuất huyết nặng có thể xảy ra ở trẻ em và cả người lớn nếu người bệnh phát hiện và điều trị trễ.

Bác sĩ Chung Tấn Thịnh cho biết: “Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc tham mưu kế hoạch cho ủy ban nhân dân cùng cấp phát động cộng đồng diệt lăng quăng. Hiện các địa phương tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết lần thứ 12. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn theo dõi sát tình hình địa bàn, nếu phát hiện ổ dịch phải xử lý ngay, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng”.

Toàn tỉnh ghi nhận 293 ổ dịch sốt xuất huyết, đã xử lý 100%. Những địa phương ghi nhận số ca mắc bệnh sốt xuất huyết cao chủ động phun hóa chất diện rộng để diệt muỗi.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm phường Vĩnh Thanh Vân (TP. Rạch Giá) tổ chức phát tờ rơi tuyên truyền biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết đến người dân.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm phường Vĩnh Thanh Vân (TP. Rạch Giá) tổ chức phát tờ rơi tuyên truyền biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết đến người dân.

Bác sĩ Trần Văn Hội - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Rạch Giá cho biết: “Trung tâm Y tế TP. Rạch Giá tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm TP. Rạch Giá phun hóa chất diện rộng trên địa bàn TP. Rạch Giá. Việc phun hóa chất nhằm tiêu diệt muỗi gây bệnh sốt xuất huyết, đồng thời lồng ghép tuyên truyền, phát tờ rơi nhằm nâng cao ý thức của người dân về mức độ nguy hiểm của bệnh; chủ động vệ sinh nhà, loại bỏ nơi ẩn nấp của muỗi, diệt lăng quăng để phòng bệnh hiệu quả”.

Để phòng bệnh sốt xuất huyết, bên cạnh nỗ lực của ngành chức năng, quan trọng nhất là ý thức của mỗi gia đình. Với phương châm không có lăng quăng không có bệnh sốt xuất huyết, mỗi gia đình cần vệ sinh xung quanh nhà, không để nước ứ đọng, thả cá vào dụng cụ chứa nước, thường xuyên cọ rửa dụng cụ chứa nước… để phòng bệnh.

Theo tài liệu hỏi đáp của Bộ Y tế, bệnh sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus lây truyền qua muỗi, gây các triệu chứng giống như cúm nặng, đôi khi có thể dẫn tới biến chứng và gây tử vong được gọi là sốt xuất huyết Dengue nặng. Bệnh sốt xuất huyết Dengue thường xảy ra sau thời gian ủ bệnh từ 4-10 ngày sau khi người bệnh bị muỗi mang mầm bệnh chích.

Bệnh sốt xuất huyết Dengue thể hiện qua triệu cứng điển hình là sốt cao (400C) và thường kèm theo ít nhất 2 triệu chứng như đau đầu, đau hốc mắt, buồn nôn hoặc nôn mửa, nổi hạch, đau cơ, xương hoặc khớp, phát ban. Bệnh chưa có vaccine hoặc thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị.

Bài và ảnh: MI NI

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//y-te-suc-khoe/so-ca-mac-sot-xuat-huyet-tang-nhanh-no-luc-phong-chong-dich-9172.html