Số ca nhiễm Covid-19 tại Pháp vượt ngưỡng hai triệu
Ngày 17-11, Pháp ghi nhận thêm 45.522 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số lên hơn 2 triệu, cao nhất ở châu Âu và thứ 4 trên thế giới. Tỷ lệ lây nhiễm giảm dần nhưng tình hình tại các bệnh viện vẫn rất nghiêm trọng.
Ngày 17-11, Pháp ghi nhận thêm 45.522 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số lên hơn 2 triệu, cao nhất ở châu Âu và thứ 4 trên thế giới. Tỷ lệ lây nhiễm giảm dần nhưng tình hình tại các bệnh viện vẫn rất nghiêm trọng.
Phát biểu trong cuộc họp báo tối 17-11, Tổng cục trưởng Y tế Pháp Jérôme Salomon cho biết nỗ lực của chính quyền và người dân trong hơn hai tuần phong tỏa vừa qua đã đem lại kết quả ban đầu.
"So với lúc cao điểm của dịch với gần 70 nghìn ca nhiễm vào ngày 2-11, tỷ lệ lây nhiễm hiện đang giảm dần và đã ở mức dưới 1. Dù vậy, tỷ lệ như vậy còn cao và cần thêm nhiều ngày nữa xuống mức thấp hẳn", ông Jérôme Salomon nói.
Pháp hiện có 2.036.755 ca nhiễm, 46.273 ca tử vong trong bệnh viện và ở các nhà dưỡng lão, 33.170 ca nhập viện. Số ca hồi sức cấp cứu có giảm so với ngày 16-11 nhưng vẫn ở mức rất cao.
Ông Jérôme Salomon cho biết, tình hình tại các bệnh viện vẫn đặc biệt nghiêm trọng vì có thêm 2.513 người nhập viện. Hiện có hơn 8 nghìn người đang được điều trị tại các khu hồi sức cấp cứu, trong đó có 4.854 bệnh nhân Covid-19, cao hơn rất nhiều so với các nước khác trong khu vực.
Làn sóng thứ hai của dịch bệnh đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cả về sức khỏe, kinh tế và tâm lý đối với người dân. Kết quả nghiên cứu của Tổng cục Y tế Pháp cho thấy số người bị trầm cảm đã tăng gấp đôi từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 11. Sự lo sợ bị nhiễm bệnh cùng với khó khăn tài chính đã khiến rất nhiều người bị trầm cảm nặng.
Trong đợt dịch này, Pháp là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất và áp đặt biện pháp chống dịch nghiêm ngặt nhất ở châu Âu. Dù vậy, chính phủ rất thận trọng trong việc xem xét thời hạn nới lỏng các biện pháp hạn chế.
Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 17-11, Thủ tướng Jean Castex cho biết các biện pháp hạn chế "sẽ kéo dài" sau khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa, dự kiến vào ngày 1-12. Tình hình dịch bệnh có dấu hiệu suy giảm nhưng chưa đủ để khôi phục lại tất cả các hoạt động kinh tế-xã hội cũng như nới lỏng giãn cách xã hội. Vì vậy, chính phủ sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp cần thiết cho tới khi có đủ điều kiện chuyển sang giai đoạn mới.
Ông Jean Castex cho rằng cần phải thận trọng và hết sức cảnh giác vì không có quốc gia nào ở châu Âu đã có thể lường trước được diễn biến cũng như hậu quả của bệnh dịch. Làn sóng hai của dịch bệnh đã ập đến hết sức khốc liệt, đầy lùi các kế hoạch hồi phục và buộc chính phủ lại phải áp đặt lệnh phong tỏa.
Thông báo của Thủ tướng Pháp cho thấy chính phủ còn rất lo ngại về diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong những ngày tới dù thiệt hại kinh tế, nhất là đối với giới tiểu thương và ngành dịch vụ, ngày càng nghiêm trọng. Dù các doanh nghiệp liên tục đề nghị cho mở cửa trở lại để kinh doanh vào đợt cao điểm của lễ Giáng sinh và năm mới, chính phủ vẫn kiên quyết nói "không," trừ các cơ sở bán hàng hóa "thiết yếu."
Ngày 17-11, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire thừa nhận rằng đợt dịch thứ hai sẽ tác động rất tiêu cực đến ngân sách và tốc độ tăng tưởng GDP của năm 2021 do toàn bộ doanh nghiệp không thiết yếu phải đóng cửa. Vì vậy, khả năng phục hồi phục kinh tế thuộc vào thời hạn dỡ bỏ hay kéo dài lệnh phong tỏa hay các biện pháp hạn chế.
Pháp đã dự trù 1,5 tỷ euro để mua vaccine và dự kiến tiến hành tiêm ngừa Covid-19 từ tháng 1-2021 sau khi các công ty dược Pfizer, BioNTech và Moderna đã công bố tác dụng của một số loại vaccine ở mức 90-94,5%. Theo kết quả thăm dò đưa ra tuần trước, nhiều người ở Pháp còn e ngại và không muốn tiêm phòng vì chưa rõ hiệu quả thực sự của vaccine vừa công bố.