Số ca tử vong do dịch COVID-19 tại Canada vượt 4.700 người
Theo số liệu của cơ quan y tế Canada, tổng số ca tử vong do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này đã tăng 2,2% lên 4.728 người vào ngày 10/5, một trong những mức tăng theo ngày thấp nhất kể từ khi dịch bùng phát. Tổng số ca nhiễm bệnh tại Canada hiện là 67.996 người.
Tỉnh bang Ontario, khu vực đông dân nhất trong số 10 tỉnh bang của Canada, cũng ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày thấp nhất kể từ ngày 31/3, với 294 ca trong ngày 10/5.
Theo giới chức y tế tỉnh bang Quebec, trái ngược với xu hướng ở các quốc gia khác, phụ nữ tại tỉnh bang này đang chịu tác động nặng nề hơn từ đại dịch COVID-19 so với nam giới. Tại Quebec, số ca nhiễm bệnh là nữ giới chiếm 59,7%, trong khi số ca tử vong là nữ giới cũng chiếm 54%. Đến nay, Quebec ghi nhận 36.986 ca nhiễm và 2.786 ca tử vong.
Một số tỉnh bang khác ở Canada đang dần dần mở cửa trở lại các doanh nghiệp. Tuy nhiên, Thủ tướng Justin Trudeau ngày 9/5 cảnh báo nếu các tỉnh bang hành động quá nhanh, nguy cơ xảy ra một đợt bùng phát dịch thứ 2 có thể khiến Canada lại tiếp tục rơi vào tình trạng phong tỏa trong mùa hè này.
* Tại Mexico, Bộ Y tế ngày 10/5 thông báo số ca mắc COVID-19 đã lên đến 35.022 người, trong đó có 3.465 ca tử vong, sau khi tăng 1.562 ca mới và 112 người tử vong trong 24 giờ qua.
Theo phóng viên TTXVN tại Mexico City, Mexico hiện đã bước vào giai đoạn đỉnh dịch và dự kiến sẽ kéo dài trong vòng 3 tuần. Cơ quan y tế cảnh báo số ca bệnh và ca tử vong sẽ tăng mạnh trong những ngày tới, đồng thời kêu gọi người dân tuân thủ nghiêm những biện pháp về phòng bệnh, tránh ra đường khi không cần thiết và không đến các vùng có tỉ lệ lây nhiễm cao.
Chính phủ Mexico không áp dụng xét nghiệm trên diện rộng và dựa vào phương pháp giám sát dịch tễ học Sentinel để ước tính số ca mắc COVID-19. Theo phương pháp này, Bộ Y tế ước tính số ca mắc bệnh tại Mexico hiện lên đến 287.000 người.
Liên quan tới đại dịch COVID-19 ở khu vực Trung Mỹ, số ca nhiễm bệnh tại Panama, Costa Rica, Honduras, Guatemala và El Salvador đã lên đến 12.926 ca, trong đó có 399 ca tử vong, sau khi tăng 409 ca nhiễm mới và 9 người tử vong trong vòng 24 giờ qua.
* Từ ngày 12/5, Ấn Độ bắt đầu khôi phục mạng lưới đường sắt dày đặc của nước này sau khi ngành đường sắt tạm ngừng hoạt động do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Theo đó, các hành khách có nhu cầu di chuyển bằng tàu hỏa có thể mua vé trực tuyến, bắt đầu từ 16 giờ ngày 11/5 (theo giờ địa phương).
Bộ Đường sắt Ấn Độ ngày 11/5 thông báo ngành đường sắt sẽ khôi phục dần dịch vụ vận tải và trong ngày 12/5 sẽ có 30 tuyến đường sắt hoạt động trở lại nối thủ đô New Delhi với một số tỉnh thành lớn như Mumbai, Bangalore và Chennai. Quy định bắt buộc đối với hành khách là phải đeo khẩu trang và kiểm tra thân nhiệt tại ga khởi hành.
Là một trong những mạng lưới dày đặc nhất thế giới, đường sắt Ấn Độ phục vụ trên 20 triệu lượt khách di chuyển mỗi ngày. Tuy nhiên, mọi dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt và hàng không đã tạm ngừng hoạt động từ ngày 25/3, thời điểm Chính phủ Ấn Độ ban bố phong tỏa trên cả nước nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Lệnh phong tỏa này có hiệu lực đến ngày 17/5.
Tính đến nay, đại dịch COVID-19 đã khiến gần 63.000 người lây nhiễm và cướp đi sinh mạng của trên 2.100 người tại Ấn Độ.
* Ngày 11/5, học sinh, sinh viên tại một số bang của Australia như New South Wales và Queensland đã bắt đầu đi học trở lại sau một thời gian dài nghỉ do dịch COVID-19. Chính quyền bang New South Wales cho biết đã phân phát hàng nghìn lít xà phòng và khử trùng, các vật tư bảo vệ cá nhân và máy đo nhiệt độ tới các trường học. Cùng với đó, các trường học đảm bảo thực hiện các quy định giãn cách xã hội như hạn chế số lượng học viên trong 1 lớp và giảm thiểu các hoạt động có tiếp xúc.
Theo kế hoạch, quan chức liên bang và các bang sẽ nhóm họp trong ngày 11/5 để thảo luận về cách thức xử lý những nguy cơ của người sử dụng phương tiện công cộng khi các doanh nghiệp mở cửa trở lại.
Trước đó ngày 8/5, Australia đã công bố kế hoạch gồm 3 giai đoạn để đến tháng 7 gỡ bỏ các hạn chế về đi lại.
Trong khi đó, Victoria - bang đông dân thứ 2 ở Australia - đã yêu cầu các bậc phụ huynh nếu có thể tiếp tục cho trẻ ở nhà đến giữa năm 2020 và cập nhật biện pháp giãn cách xã hội trong ngày 11/5.
Đến nay, Australia đã ghi nhận tổng cộng 6.941 ca nhiễm và 97 ca tử vong. New South Wales là bang có số ca lây nhiễm cao nhất, chiếm tới 45% tổng số ca. Tuy nhiên, trong ngày 10/5, bang này chỉ có 1 ca nhiễm mới.
* Trong khi đó, Campuchia đang rất thận trọng với quyết định mở cửa lại trường học. Phóng viên TTXVN tại Phnom Penh cho biết Bộ Giáo dục nước này ngày 11/5 khẳng định rằng các trường học chỉ được mở cửa trở lại chừng nào Campuchia và các nước trong khu vực đã kiểm soát được dịch COVID-19.
Bộ trưởng Giáo dục Campuchia Hang Chuon Naron cho biết để tránh làn sóng lây nhiễm thứ hai, cần phải đợi cho tới khi chính phủ nước này tuyên bố đã an toàn từ 90 - 95% trở lên. Tuy nhiên, dù Bộ Giáo dục Campuchia đã kêu gọi và khuyến khích các học sinh theo học các chương trình giáo dục trực tuyến nhưng trên 2 triệu học sinh ở vùng nông thôn không thể tiếp cận các bài giảng này vì không có điện thoại thông minh hay TV.
Liên quan tới tình hình dịch COVID-19, đại diện các nhà máy gia công may mặc đã hưởng ứng lời kêu gọi của Hiệp hội các nhà dệt may Campuchia (GMAC) về việc hạ 30% giá thuê nhà trong vòng từ 3 đến 6 tháng để giảm bớt gánh nặng tài chính cho các công nhân dệt may trong thời kỳ dịch bệnh.
Trên 180 nhà máy dệt may tại Campuchia đã phải ngừng hoạt động trong khi khoảng 60 nhà máy nữa đang có nguy cơ phải đóng cửa hoàn toàn. Tình hình này đã ảnh hưởng trực tiếp tới 200.000 công nhân và gián tiếp tới 2 triệu người phụ thuộc.